Góc nhìn chuyên gia:

Tỉ lệ thất nghiệp 1,84% hay vấn đề ở định nghĩa?

(Dân trí) - Tình trạng thất nghiệp nước ta hiện có vẻ thuộc vào loại thất nghiệp vì cấu trúc – một số người không thể tìm được việc làm đúng như chuyên môn hay trình độ của mình, nhất là những người tốt nghiệp Đại học mà báo chí gần đây thường nói đến...

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Tôi không phải là nhà kinh tế, chỉ xin viết vài dòng khi đọc thấy bài về vấn đề này. Và theo Viện Khoa học Lao động: “Thất nghiệp từ xưa đến nay chỉ có giảm” - “Người nước khác mất việc là không có việc gì làm, Việt Nam thì ngược lại. Mất việc họ có thể đi chạy xe ôm, gánh rau lên chợ, như thế không tính thất nghiệp mà là thiếu việc làm, thu nhập thấp” - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội khẳng định (*).

 

Còn khái niệm “thất nghiệp trá hình” thì xin để bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện KHLĐ&XH nói thêm sau….

 

Thất nghiệp và định nghĩa

 

BIT  (Bureau International du Travail) hay ILO (International Labor Office nếu dùng tiếng Anh - Tổ chức Lao động Quốc tế) thống nhất các tiêu chí hầu có thể so sánh tình hình việc làm ở các nước khác nhau  – đã  định nghĩa từ 1982: người thất nghiệp là người ở độ tuổi đi làm (tức là trên 15 tuổi) và đang hội đủ ba điều kiện dưới đây:

 

+ Không có việc làm (dù chỉ là một giờ trong tuần lễ trước khảo sát).

 

+ Sẵn sàng nhận việc trong 15 ngày tới.

 

+  Đã tích cực tìm việc làm từ một tháng, hay đã tìm được một việc sẽ bắt đầu trong chậm nhất là ba tháng tới (1).

 

Không có việc làm, tìm việc từ một tháng nay và sẵn sàng nhận việc là ba chi tiết mà ta cần giữ trong định nghĩa. Vấn đề dù chỉ làm có một giờ trong tuần trước khảo sát có thể gây tranh cãi. Sở dĩ điều kiện này được đưa ra vì BIT muốn giữ chữ “thất nghiệp” một cách tuyệt đối, loại trừ tất cả những trường hợp không sáng tỏ – Vả lại, hễ có đi làm là có lợi tức và có hi vọng hết thất nghiệp.

 

Các Viện Thống kê của Pháp (INSEE) và của Bỉ  (INS) áp dụng định nghĩa của ILO một cách tổng quát hơn:

 

Một người thất nghiệp là một người không có việc làm, đang tìm việc làm và sẵn sàng đi làm để tính tỉ lệ thất nghiệp (2), (3).

 

Xin nhắc  lại rằng tỉ lệ thất nghiệp là số người không có việc làm trên tổng số người dân trong tuổi lao động.

 

Ba hình thức của thất nghiệp, trên vĩ mô

 

+ Thứ nhất, trong các trường hợp lý tưởng nhất, ở  những xã hội đủ việc làm cho tất cả mọi người thì vẫn có một tỉ lệ mà các nhà kinh tế gọi là thất nghiệp tự nhiên. Thất nghiệp vì có những lúc giao thời, tình trạng một số người đang đổi việc làm và phải chịu một khoảng nhỏ thời gian chờ đợi.

 

Vì thế, các nhà kinh tế học nói là không bao giờ có tỉ lệ thất nghiệp ở số 0%. Tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên  thông thường là ở khoảng 3,5% tới 4%.

 

Ta hiện có con số 1,84% tức là thấp hơn cả tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên. Tỉ lệ thất nghiệp ở Pháp và Bỉ hiện trên 10%. Được cái là đại bộ phận người thất nghiệp được nhận  trợ cấp hay phụ cấp tối thiểu để sống..

 

+ Loại thất nghiệp thứ nhì là thất nghiệp vì ảnh hưởng của  chu kỳ. Đó là một loại thất nghiệp tạm thời: các xí nghiệp sa thải công nhân để bình thường hóa sản xuất theo lượng sản phẩm bán được, theo nhu cầu tiêu thụ của xã hội và theo chu kỳ kinh tế. Sau đó, khi kinh tế bước sang chu kỳ phát triển, sản xuất tăng lại và các xí nghiệp tuyển nhân viên trở lại.

 

+ Loại thất nghiệp thứ ba, thất nghiệp vì (hay đi vào) cấu trúc. Tức là loại thất nghiệp vì cấu trúc kinh tế quốc gia thay đổi,  làm mất cân đối  một cách bất thường trong cung và cầu nhân sự. Có thể vì chuyên ngành chuyên nghề thiếu hay thừa nên một số người không tìm được việc làm.

 

Tình hình thất nghiệp nước ta hiện có vẻ thuộc vào loại thất nghiệp vì cấu trúc – một số người không thể tìm được việc làm đúng như chuyên môn hay trình độ của mình, nhất là những người tốt nghiệp Đại học mà báo chí gần đây thường nói đến..

 

Và viện Thống kê có lẽ phải xem lại các con số.

 

Nhưng dù có 1,84%  dân tình thất nghiệp hay số nào khác, xin nhắc lại đây điều 23 của Tuyên ngôn Nhân quyền (1948), khoản 1: “Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc chính đáng và thuận lợi đối với công việc, và quyền được bảo vệ chống thất nghiệp”!

 

Nguyễn Huỳnh Mai

(từ Liège, Bỉ)

 

(*) http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vien-khoa-hoc-lao-dong-that-nghiep-tu-xua-den-nay-chi-co-giam-3077683.html