Góc nhìn chuyên gia:

Đôi điều về Xã hội học ứng dụng

(Dân trí) - Vai trò của xã hội học trong quản lý là câu hỏi tôi thường nhận được từ nhiều người khác. Có thể vì mỗi người trong chúng ta đều có nhu cầu cần “giải mã” các hiện tượng xã hội trước một số hiện tượng “quá độ” của xã hội như:

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

…Bạo lực gia tăng, sự vô cảm ngày càng trở nên “bình thường”, các mối liên hệ trong xã hội giảm, tình trạng mất đoàn kết, có sự lộn xộn trong các “bậc thang” giá trị đạo đức ... Những hiện tượng này tiếng Pháp gọi là anomie, déliance, déviance - thiếu kỷ cương, mất chất keo liên kết người với người, lệch chuẩn...
 
Muốn “chữa trị” thì cần tái cấu trúc, tái liên hệ, tái xã hội hóa...(restructuration, reliance, resocialisation …) Nhưng xã hội học không phải là phương thuốc vạn năng. Đồng ý là nhiều khi ta có thể dùng những kiến thức xã hội học để quản lý. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cần vì nếu trước khi chữa bệnh, bác sĩ cần chẩn bệnh, biết rõ căn nguyên để trị bệnh. Vậy thì trước khi quyết định một chính sách cũng thế, người quản lý cần biết rõ hiện trạng xã hội và tiên đoán những phản ứng của xã hội khi chính sách nào đó đi vào áp dụng.

 

Nhưng bác sĩ còn cần có khả năng về các phương pháp chữa bệnh – dược, hóa trị, tâm lý hay vật lý trị liệu... Người quản lý cũng cần có tài quản lý nữa. Tài đó thuộc về khoa học chính trị chứ không phải là khoa xã hội học.

 

Bác sĩ hay chính trị gia còn cần cái tâm: lòng yêu người, lấy giá trị đạo đức làm ngọn đuốc sáng soi đường, quên mình, tận tụy với nghề ...

 

Nhà Xã hội học không phải là người “lên mặt dạy đời” ở đây, nhưng ông (hay bà) ấy có thể ở đó để đưa ra vài hiện trạng ... “bất bình hường” (chữ bất bình thường ở đây để trong ngoặc kép vì bình thường hay không là còn tùy theo định nghĩa của xã hội).

 

Hãm hiếp, giết người, ô nhiễm môi trường, những cái chết vô nghĩa của các sản phụ lúc vượt cạn hay của trẻ sơ sinh lúc tiêm chủng, cách dạy học nhồi nhét ... là những hiện tượng có thể được xem như déviance – bất bình thường – ở mọi xã hội trong thế kỷ XXI này.

 

Vài góc nhìn “méo mó nghề nghiệp” về hiện trạng xã hội Việt Nam?

 

Tôi chỉ có thể nói là trong khi ở trời Âu từ những năm 1990 người ta đã “xén đầu” các cao ốc để cho mật độ dân cư ở các khu phố nhà ở rẻ tiền giảm xuống thấp hơn, để tỉ lệ phạm tội ít hơn và để dân tình sống tốt hơn. Thì bên ta lại ồ ạt xây nhà cao tầng, càng cao càng tốt, rồi các nhà đầu tư tha hồ “vẽ rồng vẽ rắn” để bán các căn hộ chung cư.... Rồi ta sẽ “gặt hái kết quả” trong vài thập niên tới!!!

 

Tôi cũng có thể kể thêm vào là quá trình phát triển đô thị cần những dự đoán dài hạn để tổ chức hạ tầng, tăng các cơ sở y tế và giáo dục... để cho dân an cư lạc nghiệp, chứ không để tự phát được rồi mạnh ai nấy sống và đi đến… hỗn loạn: mgập lụt ở các thành phố lớn, quá tải giao thông, thiếu nhà trẻ, trường học ... là những cái bất bình thường hiện thời. Từ đó có thể đẩy đưa tới nhiều hệ lụy mà tỉ lệ phạm tội là ví dụ khó chấp nhận nhất.

 

Thí dụ thứ ba, về hội nhập toàn cầu thì rất cần bảo tồn và xây dựng bản thể văn hóa. Ta hiện nay thường dùng minh họa trên các báo bằng những hình ảnh của người da trắng, mũi cao... Theo tôi, đó rõ ràng là sự nhập cảng một cách võ đoán các khuôn mẫu ngoại lai. Kết quả là nhiều người dân ta bị cuốn theo trào lưu đi nhuộm tóc, nâng mũi, tắm trắng và những tiêu chỉ về sắc đẹp bị thay đổi rất nhanh! Văn hóa truyền thống bị áp đảo,  mặc kệ những hậu quả sau này!!!???

 

Nói về sắc đẹp có lẽ phải nói thêm về vị trí của phụ nữ trong xã hội. Từ hai mươi năm nay phụ nữ ta, ít nhất là qua báo chí, xem ra ngày càng bị biến thành “những vật dụng giới tính” - objet sexuel – Có vẻ như các người đẹp không ngần ngại trút bỏ xiêm y, dùng hình thể của mình như “phương tiện để tiến thân”? Thi sắc đẹp chen chân vào cả các trường học...Như thế thì làm sao bảo tồn được những giá trị gia đình, giáo dục giới trẻ và đảm bảo thuần phong mỹ tục?

 

Ngay tới ở trời Âu “tiến bộ” và giải phóng phụ nữ từ hơn nửa thế kỷ rồi mà người ta vẫn chống việc “vật thể hóa” phụ nữ. Hãm hiếp, ấu dâm, mại dâm ... có thể cũng là hậu quả của “vật thể hóa” phụ nữ!?

 

Giáo dục rất cần cho phát triển xã hội, cho kinh tế. Đành rồi. Nhưng giáo dục là một vấn đề triết lý căn bản: trẻ có quyền được đi học và hạnh phúc ở trường học. Thế nhưng từ hai ba thập niên qua ta vẫn hô hào cập nhật hóa giáo dục, cải tổ giáo dục, cải tổ toàn diện giáo dục. Kết quả, hiện ta đang lo việc tổ chức kỳ thi quốc gia cho năm 2015, vừa để tốt nghiệp trung học phổ thông vừa để tuyển sinh vào đại học.

 

Cải cách thi cử trước nhất mà vẫn chưa định nghĩa được rõ ràng tại sao cần học và ta vẫn chưa cải cách được chương trình cũng như phương pháp sư phạm...Vậy hậu quả thấy trước là gì ? "Học" thành “học để đối phó”, “học để thi”!?

 

Tôi muốn đặt câu hỏi: Tại sao các nhà quản lý bên nước nhà không dựa trên hiểu biết của xã hội học để quản lý? 
 
Có thể vì họ ngộ nhận về khả năng hiểu biết về xã hội?
 
Có thể vì họ bị bó buộc bởi chủ trương đường lối chung của tập thể chăng?
 
Cũng có thể vì họ chủ quan và quản lý thực ra vẫn theo kiểu… duy tâm?
 
Trong nhiều trường hợp, có thể thấy không ít nhà quản lý chuyên môn ...nói dối. Các lập luận thường được đưa ra là: chưa có báo cáo, chỉ mới nghe dư luận, không thuộc lĩnh vực của tôi, cách làm này là theo một số nước trên thế giới đấy, không có bằng chứng, đó là lỗi của người tiền nhiệm ... Vậy đó!!!

 

Nguyễn Huỳnh Mai
(từ Liège, Bỉ)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm