Thu phí lưu hành xe: Phí chồng phí?
(Dân trí) - Gần 3.000 ý kiến bạn đọc lập tức phản hồi thông tin Bộ GTVT đề xuất thu phí lưu hành với ôtô và xe máy vào nội đô. 99% trong đó không đồng tình với biện pháp bị cho là vô lý, không phù hợp và cũng không hứa hẹn kết quả khả quan.
Thêm gánh nặng
Lý giải được viện dẫn nhiều nhất là với mỗi đầu xe lưu hành, người dân đã phải chịu nhiều mức phí và thuế, trong khi thu nhập trung bình của đại đa số người dân ta còn thấp và xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu hiện nay của rất nhiều người. Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh: Không nên đổ thêm gánh nặng lên người dân nữa!
“Phí bảo trì đường bộ nghe đâu đã tính vào giá xăng dầu rồi, nay thêm phí lưu hành thì phí biển số xe vừa tăng tới 10 lần để làm gì, thưa Bộ trưởng Thăng? Để được ngồi trên xe đi làm người VN đã nộp không biết bao nhiêu các loại thuế + phí, nhưng số tiền này nó đang nằm ở đâu? Rồi mỗi năm lại nghĩ ra thêm một vài loại phí nữa trong khi đó giá xe ở VN thì chắc ông Trời cũng không hiểu tại sao nó cao thế!. Tôi thấy cơ sở hạ tầng ở ta thi công không đồng bộ, nên năm nào cũng đào đường. Một con đường cứ đào lên lấp xuống không biết bao nhiêu lần, khiến những con đường trước đây rất đẹp nay thì thấy cắt ngang xẻ dọc tùm lum, mặt đường mấp mô… Rồi tương lai chắc người VN phải sử dụng xe địa hình để lưu hành trong thành phố mất…” - HMG: minhgiang1969@gmail.com.
Xin đừng đổ gánh nặng lên nhân dân nữa! Xe máy là phương tiện tối thiểu để đi lại, bản thân nó đã gánh quá nhiều loại thuế và phí, sao lại còn thu thêm gì nữa? Thế cái thuế đường bộ trong xăng dầu mất tiêu ở đâu? Nếu triển khai không kết quả, trong vòng 5 năm nữa thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm??? Có quá nhiều giải pháp để thực hiện giảm ùn tắc mà người dân đã đề xuất, sao không xem xét triển khai (ví dụ như quyết liệt chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, cấm mở các nhà hàng lớn ngay mặt tiền nếu không có bãi đỗ xe cho khách.....) Những người thu nhập cao tiền nhiều, đâu thiếu 1 vài triệu để đóng phí nên đâu cần nghĩ. Nhưng đã là giới chức, người dân mong các vị LO TRƯỚC CÁI LO CỦA THIÊN HẠ, VUI SAU CÁI VUI CỦA THIÊN HẠ! Xin hãy nghĩ vì nhân dân trước đã!” – Nick Buồn cười: ttdung0482@gmail.com.
“Khi mua 1 xe máy hay ôtô, người dân đã phải đóng rất nhiều loại phí và được gọi chung là THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT. Vậy mà bây giờ lại đổ tiếp lên đầu dân nữa. Sao cứ phải so sánh với Mỹ, Anh, Singapore làm gì. Thử hỏi người Mỹ khi mua xe có phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt cao như ta không? Mỗi 1 đầu xe ôtô được lưu hành đã bị thu thuế và phí còn nhiều hơn cả chi phí sản xuất 1 chiếc xe rồi. Mà nguyên nhân tắc đường chính là hệ thống phân làn giao thông quá kém, bên cạnh đó là ý thức của người tham gia giao thông chứ không phải là phương tiện cá nhân đâu, các vị ạ” - Hung: hung_vietnguyentravel@yahoo.com.vn.
“Đọc xong bài này, tôi xin đóng góp một ý kiến nhỏ của cá nhân tôi như sau: Mình nên tìm cách khắc phục những khó khăn chung, và chấp nhận sự thật là cơ sở hạ tầng của chúng ta còn kém. Không nên cái gì cũng cho là dân làm, dân chịu và tìm cách khắc phục sao cho hợp tình hợp lý. Ví dụ như chúng ta chưa chuyển được các trường đại học, các công sở, nhà máy ra ngoại thành. Lỗi này không phải do dân mà do Sở Xây dựng của các tỉnh thành phố, và Sở Giao thông không có quy hoạch đồng bộ, dẫn ra tắc đường. Chỗ thưa dân, làm đường to đẹp lại không ai đi. Mà Sở Xây dựng lại cấp phép cho xây toàn những nhà công sở, chung cư cao tầng tại những chỗ đã rất đông đúc, ví dụ như phố Thái Hà, Hà Nội… Thì hỏi làm sao không tắc đường? Nên theo tôi nghĩ mình phải tìm cách khắc phục chứ không phải mình tìm cách thu tiền của dân. Hơn nữa, thu phí mà lại không thu xe công, chỉ thu xe của nghe có vẻ không công bằng” - Nguyễn Thành Long: thanhlong@gmail.com.
Phí và chất lượng giao thông
Sự không khả thi được nêu rõ với những phân tích cụ thể về từng yếu tố liên quan:
“Theo tôi, đề xuất thu phí lưu hành cho xe môtô và ô tô là không khả thi vì:
- Xe máy là phương tiện lưu thông chính của người dân Việt Nam. Nếu luật có tăng tiền nộp phí lên 2 triệu hay 3 triệu thì 1 cá nhân đến tuổi trưởng thành cũng đều phải sở hữu xe máy riêng. Vấn đề ở đây là có thu phí lưu hành thì nhu cầu xe máy mà người dân muốn có vẫn tăng đều đều, vậy thì liệu ùn tắc có giảm không? Nếu lấy tiền thu phí lưu hành để chi mở rộng đường sá, bảo hành, bảo trì cầu đường thì còn nghe có lí. Chứ mục đích để giảm ùn tắc thì không có khả thi.
- Bộ Trưởng Thăng cần có giải pháp làm cách nào nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông (điều này quan trọng trong việc chống ùn tắc xe). Tuyên truyền mạnh mẽ về ý thức giao thông cho người dân. Nghiêm khắc trừng phạt những người vi phạm giao thông... Làm được vậy, Tôi nghĩ nạn ùn tắc sẽ giảm” - Lê Phúc Thọ: lythuyetma@gmail.com.
“Đóng thuế là trách nhiệm của mọi công dân. Nhưng đóng thuế với mức tiền này tôi thấy không phù hợp với thu nhập bình quân của mỗi người. Mong Chính phủ xem xét kỹ hơn.
Tôi thu nhập 1 tháng chỉ có 1 triệu 500 nghìn đồng, 1 ngày đi làm đã hết 10 nghìn xăng, rồi còn lo cho gia đình tôi nữa thì sao tôi đóng nổi mức thuế này chứ. Chưa kể những người khác thu nhập còn thấp hơn tôi và còn khó khăn hơn vì bệnh tật, khi lưu thông mà phải cần 500 nghìn mới được thì phải làm thế nào đây. Việc mua 1 cái bảo hiểm xe máy 1 năm 80 nghìn đồng cũng đâu phải ai cũng mua được mà bây giờ lại thêm 500 nghìn. Làm vậy sẽ tội nghiệp dân nghèo chúng tôi lắm!” - Vì Dân: Longcin@yahoo.com.
“Đề nghị Bộ trưởng Thăng nêu rõ: khi thu phí lưu hành xe thì sẽ giảm được ùn tắc bao nhiêu %, giảm tai nạn được bao nhiêu %, có chắc chắn hạn chế được phương tiện giao thông qua giải pháp này không, hạn chế cụ thể được bao nhiêu? Nếu chỉ nói là giảm, giảm, giảm mà không biết liệu có giảm thật không hay là chỉ đoán nó có thể giảm, thì xin dừng ngay việc này lại. Vì kể cả thu phí 500.000đ/1 xe máy cũng là quá lớn, nó tương đương 1/2 tháng lương của rất nhiều công nhân nghèo hiện nay đấy, thưa Bộ trưởng” - Phạm Sơn: thuyps@yahoo.com.
“Từ khi BT Thăng nhậm chức đứng đầu Bộ GTVT, tôi đa phần tán thành các QĐ của BT. Tuy nhiên lần này là không thể chấp nhận được. Việc BT nêu là phí bảo trì chỉ đáp ứng được 75% chi phí, nhưng BT có biết các công trình ấy thực tế được hưởng bao nhiêu % ngân sách đầu tư, bao nhiêu % thất thoát không? VN hầu như chưa tự SX được bao nhiêu sản phẩm, nên chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Các loại thuế, phí thu đã tạo đầu vào cho ngành GT là bao nhiêu, bao nhiêu cho mấy ông điện lực, cho Vinashin... không rõ BT có nắm được không? Bây giờ lại cứ dân mà thu tiếp thì thật khó cho người dân quá” - Chử Bá Tùng: Lavang1977@yahoo.com.
“Việc thu phí là không phù hợp và không khả thi.
- Không phù hợp vì thuế đánh lên phương tiện ở VN đã cao nhất nhì thế giới rồi, nếu thu thêm phí thì coi như mọi khó khăn đều đổ lên đầu người dân ta đa số còn nghèo. Trong khi đó thì những người điều hành không phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tắc nghẽn giao thông, và do chính sách thuế đã và đang kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô do thị trường quá nhỏ bé.
- Không khả thi do người dân sẽ phản đối, sẽ tìm cách "lách luật" như đăng ký xe ở tỉnh khác.... Đối với ngành giao thông sẽ khó bố trí đủ trạm để kiểm soát lượng xe vào trung tâm và nếu chặn xe để kiểm tra sẽ gây tắc nghẽn. Tôi tin rằng người dân sẽ không chịu đến các nơi quy định để đóng các khoản thu vô lý này cho ngành giao thông đâu. Cách làm thích hợp chỉ có thể là tính vào giá xăng dầu và trích tiền từ nguồn thu này cho cải tạo và mở rộng hệ thống giao thông. Trước mắt, ngành giao thông cần các khoản vay ưu tiên để mở rộng đường sá và tăng tiến độ xây dựng các hệ thống giao thông đô thị khác” - Trần Lạc: tranvanlac1.618@gmail.com.
“Tôi xin hỏi Bộ trưởng: thu phí người dân khi lưu hành, vậy tiêu chí để chúng tôi sử dụng dịch vụ là như thế nào? Bụi bặm, bẩn, ô nhiễm hàng bao năm chúng tôi vẫn phải chịu. Nếu Bộ trưởng nói có khoản thu này để nâng cấp giao thông thì cần xem xét lại, khi đa số các dự án giao thông nói là giúp dân nhưng hầu như chẳng có mấy tác dụng như vậy? Mời Bộ trưởng gặp gỡ những người đi trên quốc lộ 32 - con đường đau khổ, để thấy có nên thu phí nữa hay không?” – Nick Con đường đau khổ: iloveyou@yahoo.com.vn.
“Nói như Bộ trưởng Thăng thì cần phải xem xét lại. Làm gì cũng phải phù hợp với điều kiện thực tế, không thể so sánh khập khiễng. Tôi thấy so sánh như Bộ trưởng Thăng không khác gì so sánh con nhà giàu tiêu tiền triệu với con nhà nghèo tiêu tiền nghìn. Mỹ, Anh thu nhập của họ cao gấp cả chục lần của Việt Nam, thì việc họ bỏ ra thêm một chút không nghĩa lý gì. Việt Nam nghèo mà bỏ ra cả hàng chục triệu để được lưu hành xe thì thật vô lý. Mặt khác phương tiện công cộng không có hoặc chưa đủ, bắt buộc người dân phải đi phương tiện cá nhân, bây giờ mà cấm nữa là tất cả đi bộ hết (trừ quan chức đi xe công). Việc không đánh thuế xe công cũng là không công bằng (tất cả đều bình đẳng như nhau, sao lại không thu phí xe công. Người dân đi làm cũng là góp phần xây dựng đất nước sao lại bị thu phí). Mặt khác nữa: xe tải, xe to gây hỏng đường, tắc đường hơn là xe con, vậy sao lại thu phí như nhau. Tôi nghĩ Chính phủ cần xem xét kỹ sao cho hợp với lòng dân hơn” - Nguyễn Huy Thành: nguyenhuythanh1977@gmail.com.
Mục tiêu và hiệu quả
Nhiều đề xuất cũng được người dân đề ra, đồng thời nhấn mạnh hiệu quả của các khoản thu sẽ đem lại những lợi ích gì cho người đóng phí.
“Nên thu phí lưu hành, phí môi trường qua giá xăng dầu. Vừa thu đủ cho ngân sách, vừa không phải thêm đội ngũ nhân viên thu các loại phí này và công bằng xã hội hơn : ai đi nhiều thì phải nộp phí nhiều.
Chúng ta nên ủng hộ giải pháp này của Bộ GTVT. Nếu khoản phí này được sử dụng hiệu quả: đẩy nhanh tốc độ tư duy, nâng cấp, mở rộng đường sá, giảm ùn tắc, tai nạn thì lợi ích mang lại cho xã hội và mỗi người dân lớn hơn nhiều. Thiệt hại cho mỗi người dân và toàn xã hội về kinh tế, ô nhiễm môi trường, lãng phí thời gian, sức khỏe khi phải sống chung với nạn kẹt xe, tai nạn giao thông chắc chắn là một con số khủng khiếp. Đối với mỗi người đi xe máy con số này có lẽ lớn hơn nhiều lần số 1.400đ/ngày (500.000/ năm)
Một biện pháp khác mà TP Hà nội phải làm ngay là không được dùng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe. Chúng ta thu bao giờ đủ tiền để mở rộng một con đường. Và khi có đủ tiền phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành. Trong khi những con đường có sẵn thì lại sử dụng lãng phí, chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người” - KBình: ntkbinh56@gmaii.com.
“Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra biện pháp mạnh và rất mạnh đấy .Nhưng tôi thấy Bộ trưởng hơi nóng vội. Theo tôi, những việc trước tiên Bộ trưởng nên làm là:
1/. Hệ thống giao thông công cộng đáp ứng việc đi lại của nhân dân sao cho thuận tiện, thái độ phục vụ tốt hơn (Như một số nước Bộ trưởng nêu ví dụ).
2/. Phân làn đường nội thành các thành phố lớn hợp lý hơn. Hiện nay ở Hà Nội tôi thấy có những tuyến đường còn bất cập lắm.
Nhiều người không đồng tình việc tăng thêm khoản thu đối với người đi xe máy, nhất là những người nghèo đi xe rẻ tiền, đặc biệt là trong lúc giá cả leo thang khốc liệt như hiện nay. Nếu có, theo tôi chỉ nên áp dụng cho những người đi xe đắt tiền, xe có phân khối lớn (ví dụ như xe có giá từ trên 35triệu đồng, xe trên 150 phân khối...)” - Trần Quốc Toàn: tranquoctoan1942@yahoo.com.vn.
“500.000đ chỉ là số tiền nhỏ với nhiều người, nhưng lại là số tiền lớn với không ít người như những người lao động nghèo, cán bộ viên chức không có thu nhập phụ... Nên chăng cần có cách tính công bằng hơn. Hơn nữa với người dân dù có thu thuế phương tiện bao nhiêu thì họ vẫn phải sử dụng phương tiện, không thể bỏ được, trong khi không thấy có gì đảm bảo việc tăng thu cho ngân sách sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng. Tại sao không hoàn thiện những cái trước mắt đi: bỏ đi những cột đèn bất hợp lý và bổ sung vào chỗ cần thiết hơn, rà soát bổ sung biển báo hợp lý hơn, rất nhiều điểm ùn tắc mà lý do không nhỏ là từ việc phân luồng, điều phối giao thông không tốt. Phạt thật nặng các trường hợp đỗ xe dưới lòng lề đường chẳng hạn. Thay vì nghĩ ra thêm các phương án khác thì hãy làm cho tốt, nghiêm túc những cái tất nhiên phải làm trước đã” - Nguyễn Văn Hiệp: hiepnv8x@gmail.com.
So sánh để chọn phương án phù hợp
Cũng có những ý kiến ủng hộ đề xuất thu phí lưu thông, tuy nhiên các tiêu chí khác cũng được nhắc tới để biện pháp này có được hiệu quả cần thiết.
“Tôi nghĩ, ở các nước như Anh, Mỹ, Thụy Sĩ hay Singapore, chính phủ đều đầu tư rất nhiều tiền bạc để nâng cao chất lượng đường giao thông. Chỉ khi chất lượng đường lưu thông đạt mức độ tiêu chuẩn, tạo cảm giác an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông, họ mới thấy đáng để trả mức phí sử dụng xe. Việt Nam chất lượng đường còn quá kém, tai nạn xảy ra liên tục, thấy không đáng để phải trả khoản phí nào để lưu thông cả. Tôi sẽ tình nguyện trả, nếu chất lượng đường sá được cải thiện. Cái gì cũng phải có logic của nó. Không thể cứ nghĩ thế nào là làm thế ấy được” – Small: sma_scorpion@yahoo.com.
“Việc thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT là đúng với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân. Các nước xung quanh người ta cũng làm như thế từ lâu rồi. Tuy nhiên cái khác của người ta làm là Vì người dân. Nhà nước phát triển phương tiện giao thông công cộng trước, sau đó người dân sẽ phải lựa chọn cho mình: Phương tiện giao thông công cộng - giá rẻ, chống ùn tắc. Phương tiện cá nhân - giá đắt và ùn tắc.
Đằng này hơi ngược, các vị soạn thảo quy định theo tôi thấy là chỉ nghĩ một chiều: Bắt dân hơn là cho dân lựa chọn theo phương án đúng mà số đông sẽ lựa chọn. Nếu chỉ thu phí cao có khác gì buộc người dân “phải lựa chọn đi..." Tôi cho rằng, về phương diện ngành quản lý, trước hết Bộ GTVT cần làm tròn trách nhiệm của mình, tạo điều kiện để mọi người dân hưởng ứng theo chủ trương đúng đắn” - Thế Uy: theuy2002@yahoo.com.
“Gói giải pháp này là nhằm hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân và hình thành dần thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân. Cũng như Bộ trưởng đã nói, nếu giải pháp nào cũng đòi phải hoàn hảo, phải không chịu mất mát thì đồng nghĩa với việc chẳng bao giờ có giải pháp nào được thực hiện cả. Đã là giải pháp nhằm hạn chế, tất nhiên không gì tốt hơn là đánh vào kinh tế. Đây là điều mà các nước trên thế giới đều làm, không có gì là vô lí cả. Người dân bị ảnh hưởng về quyền lợi, lẽ đương nhiên sẽ không đồng tình. Nhưng suy nghĩ cho kĩ, nếu quản lí vĩ mô mà theo hướng đó thì giải quyết vấn nạn giao thông có lẽ mãi vẫn chỉ là GIẤC MƠ. Trong bối cảnh nước ta còn nghèo, do nhu cầu của người dân là lớn và thói quen đi lại cũng ít mang tính chất vận động nên mới dẫn đến tình trạng như bây giờ. Mọi người kêu đánh phí như vậy là làm khổ người nghèo, sao không áp dụng cho người giàu và người có ô tô thôi. Nhưng trên thực tế có ai dám nhận mình là giàu để mà bị đánh phí. Mà nếu có đánh phí trên người giàu thì con số đó liệu có thấm vào đâu không. Ách tắc giao thông là do họ gây ra chăng? Nếu nói như vậy thì chẳng thể giải quyết được gì. Vấn đề lại ở ý thức sử dụng phương tiện giao thông của người dân. Không phải vì tôi ở nước ngoài nên nói như không có trách nhiệm, nhưng thực tế nơi tôi sống bây giờ (Singapore) họ đánh thuế vô cùng nặng vào phương tiện CÁ NHÂN, không phải phương tiện cho người giàu. Chính sách này mang tính chất ảnh hưởng trên diện rộng, chứ không phải một số đối tượng cụ thể. Thế nên dù là một nước nhỏ, rất ít ùn tắc giao thông nghiêm trọng xảy ra ở Singapore” – Nick Giaothong: chocography@yahoo.com.vn.
“Tôi có một điều thắc mắc là: các nước khác như Singapore đã tiến hành thu phí các phương tiện đi lại trong giờ cao điểm rất hiệu quả bằng cách gắn một con chip điện tử trên các phương tiện giao thông, và có súng bắn đặt ở ngoài các tuyến phố tiếp giáp nội thành và ngoại thành. Mỗi khi phương tiện giao thông đi vào thành phố sẽ tự trừ tiền trên các lần đi lại. Với Việt Nam, tôi không hiểu là Bô GTVT sẽ thu theo kiểu gì??? Nếu đầu tư phương tiện để thực hiện việc thu phí thì quá là lãng phí, có nên làm không??? Nếu Bộ GTVT tiến hành thu khoán phí hàng năm thì quá là bất công, ví dụ như xe tôi lưu hành trong nội thành rất ít. Nhà tôi ở quận Hoàn Kiếm, hàng ngày tôi đi làm 20km. Vậy phương tiện đi lại của tôi là gì nếu không phải dùng ôtô, bến xe buýt thì quá xa nhà và cơ quan, thường ách tắc rất nhiều. Nếu đi bằng xe buýt thì tôi phải đi từ 5h đến 8h sáng mới đến chỗ làm. Bây giờ tôi sẽ đi từ 6h sáng và 7h tối về đến nhà để tránh giờ cao điểm. Vậy thứ 7, chủ nhật thỉnh thoảng tôi đi trong thành phố thì tôi sẽ bị tính phí như thế nào??? Vì nói gì thì nói 20 triệu đồng + 2 xe máy x 500 ngàn đồng một năm tức là phải thêm 1,75 triệu/tháng là cả một vấn đề đối với mỗi gia đình” - PHAM ANH: MS_TINA_P@YAHOO.COM.
“Để giảm ùn tắc, ở các TP lớn của VN nên thu phí trên phương tiện cá nhân, nếu không thì chẳng có cách nào để giảm được. Thuốc đắng thì dã tật, các TP lớn ở TQ một thời trước đây cũng thế thôi. Chịu khó đầu tư mạng lưới thu phí giống Singapore, xe lắp thêm 1 cục thu phát tín hiệu, chỉ cần đi qua chỗ thu phí là thu tự động. Không nên thu theo đầu phương tiện mà thu trên số lần ra đường và đi qua điểm ùn tắc, nếu công dân không muốn bị thu phí thì đi lại bằng phương tiện công cộng. Để hỗ trợ cho người sử dụng phương tiện cá nhân, lắp thêm cục thu phát thì có thể giảm phí đăng ký xe hoặc cấp biển hoặc thuế khác…” - Vitaminusd: langtu_hn_23@yahoo.com.
“Tôi thấy việc thế này: khi đất nước phát triển thì con người cũng cần phát triển theo. Nhưng không phải gọi là thu phí, mà là mỗi người dân khi lưu thông trên đường thì đều phải đóng thuế đường. Ở các nước ngoài bất kể ai khi mua xe là họ phải đăng ký đóng thuế đường, tùy theo phân khối lớn nhỏ khác nhau. Tiền đó dùng làm đầu tư cho hạ tầng, hàng năm mỗi người có xe chỉ cần đóng góp một phần nhỏ bé của mình cũng làm nên một con đường hay một cây cầu để tránh tắc nghẽn giao thông. Nhưng ở VN ta, tiền thu được từ phí đó có được đưa vào sử dụng đúng mục đích hay không còn là một vấn đề ... Các nhà kinh tế phương Tây họ đã tính là như máy bay đi trên không còn phải mua đường nữa là dưới đất. Nếu anh đi xe thì anh phải chạy trên đường, nếu anh đỗ xe thì anh phải đỗ ở một khoảng đất nào đó chứ không nhẽ anh đỗ trên cành cây được hay sao. Chính vì thế nên việc đóng thuế đường cho các loại xe lưu thông trên đường là trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông. Nên ai mua xe, đăng ký xe là phải đóng phí hàng năm theo phân khối. Như thế để cùng nhau góp phần phát triển đất nước!!!” - Lan Anh: lananh@yhoo.com.vn.
“Tôi ủng hộ việc áp phí lưu thông cho xe máy và ô tô, mặc dù túi tiền còm của tôi cũng bị lép đi một phần. Trong khi trước bạ là một loại thuế, như thuế tiêu thụ được thống nhất trong cả nước, phí lưu hành xe được tùy thuộc theo hạ tầng cơ sở giao thông mỗi địa phương. Có thể ở những vùng nông thôn nghèo mức phí này không được áp dụng, nhưng với các thành phố lớn, có nhu cầu duy tu và phát triển hệ thống thì phí này cũng có tác dụng tốt. Phí này cũng nên coi là một công cụ điều tiết giao thông theo từng khu vực trong một địa phương như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.
Tuy ủng hộ nhưng băn khoăn lớn của tôi là làm sao thực hiện quy định này một cách công bằng và triệt để, thu đúng, thu hết và theo các tiêu chí hợp lý, điều tiết đóng góp cho hạ tầng xã hội. Ví dụ, xe sang phải có trách nhiệm cao hơn do có khả năng hơn, xe lớn chiếm chỗ nhiều và dễ gây hư hỏng cho đường hơn thì phải đóng cao hơn. Một băn khoăn nữa là việc sử dụng khoản thu này thế nào: Ai sử dụng, vào việc gì, như thế nào, làm sao để đảm bảo minh bạch và đúng mục đích, kiểm soát và đánh giá” - Quỳnh Anh: ho_danghoa@yahoo.com.
“Tôi thì tôi thấy bác Thăng làm thế là quá đúng đắn… Như bác tiến sĩ gì đó đã nói khi so sánh với giao thông ở Praha, nhưng tôi biết so với Đức thì còn kém xa lắm, tôi đã từng sang rồi nên tôi biết. Theo tôi VN mình bây giờ nên học cách quản lý của Đức: chặt chẽ, làm căng nên người dân rất sợ vi phạm pháp luật. Trở lại đề tài này thì trên thế giới người có phương tiện riêng phải trả hàng năm 1 khoản tiền nhất định gọi là PHÍ ĐƯỜNG BỘ và các khoản bảo hiểm....Nên khi có tiền mua ô tô thì người ta phải đặt ra câu hỏi: mua để phục vụ việc gì. Còn ở ta thì sao, nhiều khi MUA ĐỂ CHO OAI, ra đường đi chơi....Vì thế nên cần siết lại tư tưởng này bằng cách thu các khoản phí thôi. Hy vọng sau một thời gian nữa thì dân nghèo của mình không còn hoang phí nữa.
Theo tôi bác Thăng còn nên khoanh vùng khu phố cổ, Bờ Hồ làm khu phố đi bộ, làm như thế thì nhìn phố cổ đỡ nhếch nhác và sẽ sạch đẹp hơn. Cách đây vài năm đoàn của Bộ GTVT được Phần Lan mời đi các nước ở Châu Âu để tham quan, cũng có qua Duessedoft nên cũng biết cách phân khu của họ như nào rồi. Tiện đây tôi cũng nói luôn, họ phân khu theo từng vòng, tức là vòng trung tâm thì đi bộ và xe đạp, vòng ngoài trung tâm thì được đi xe cơ giới. Tất nhiên bây giờ mình phải phát triển hệ thống bus và S-Bahn cho hoàn thiện để người dân tiện đi lại đã thì mới làm thế được” - Vũ Minh Phúc: vuminhphuc@yahoo.com.
“Thu phí với phương tiện cá nhân khi vào trung tâm là một lựa chọn sáng suốt. Cần nhìn sang các nước khác mà xem. Tại sao 1 nước nhỏ, mật độ dân số thuộc hàng top ten thế giới như Singapore mà tình trạng giao thông được ổn định? Phải chăng cơ sở hạ tầng quá hiện đại? đấy chỉ là một lý do thôi. Lý do khác nữa là do mức phí lũy tuyến vào trung tâm càng gần trung tâm thì càng cao, và được đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt. Nếu anh đi làm, sao không chọn bus, mà phải đi xe máy? Các nước phát triển họ dùng ô tô, bị kẹt xe thì dùng tàu điện. Mình chưa phát triển bằng, thì dẹp xe máy đi dùng xe bus sẽ giải quyết được thôi. Cái gì đâu mà mang tiếng đoàn kết dân tộc, chỉ một chút xíu hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng đã kêu la rồi, thật là không hay khi ta cứ chỉ nói mà không làm các bạn ạ. Đất nước còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, thế mà cứ đòi sử dụng phương tiện cá nhân, ai cũng như thế thì hỏi xem tình thân vì cái ta chung của mọi người ở đâu, đoàn kết dân tộc ở đâu?” – nick Đừng chỉ nghĩ về bản thân: cuongducn@yahoo.com.
Khánh Tùng