Thiên tai đành chịu, "nhân tai" khó lường

(Dân trí) - Thông tin dồn dập về tình hình lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Tây Nguyên lại làm cháy lòng người dân cả nước. Đồng thời càng làm sâu sắc thêm loạt câu hỏi về cách làm thủy điện tràn lan không khác gì "dao hai lưỡi" lâu nay.

Hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây ngập nặng vùng hạ du (ảnh: Công Bính)
Hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây ngập nặng vùng hạ du (ảnh: Công Bính)

 

Trở tay không kịp

 

Năm nào cũng mưa lũ nhưng mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng, nên dù đã xác định phải “sống chung với lũ” mà tình cảnh trở tay không kịp vẫn luôn xảy ra với nhiều người dân bởi sức người sao địch nổi những con thịnh nộ của thiên nhiên:

 

“Ông tha (bão Haiyan thành áp thấp và không đổ vào miền Trung) nhưng Bà (bà Thủy) không tha, nên mới lũ ngày ta (âm lịch) tháng Mười” - Ao Thinh:  Thinhao@hotmail.com

 

“Bình Định bị thiệt hại nặng quá! Đợt lũ này lớn nhất hơn 30 năm nay, tài sản của bà con mất trắng rồi. Heo, bò, gà, cá... Mong chính quyền các cấp KHẨN CẤP hỗ trợ cho bà con. Cầu mong thiên tai qua nhanh để bà con bớt khổ...” - Luong PV:  luongpv0401@yahoo.com.vn

 

“Thật là tội nghiệp cho miền Trung, Quảng Ngãi quê hương tôi. Hôm qua 15/11  lúc 3 giờ chiều nước mới dâng lên, vậy mà 3 tiếng sau nước dâng cao kỷ lục  lớn nhất từ trước đến giờ. Và lũ lên nhanh nhất đạt kỷ lục luôn. 1 giờ sáng 16/11 nước rút xuống,  bà con kéo nhau về nhà sau thời gian đi trốn lũ. Cảnh tượng rất đau lòng, gà vịt chết hết,  nhà cửa thì bùn ngập nửa gang tay. Thanh niên đi làm an xa, chỉ còn lại  người già ở nhà, thật là tội. Bây giờ là 6 giờ ngày 16/11, nước lũ đang xuống. Mong đội cứu hộ về xã Tịnh Giang giúp bà con mình với!” - Minh Chien: Minhchien7879@yahoo.com.vn

 

"Cùng cảnh” với nhau cho nên rất hiểu và xin chia sẻ khó khăn tới bà con, nhân dân vùng lũ lụt... Mong bà con hãy cố gắng vượt qua đau thương, mất mát để đứng vững! Tôi yêu thương tất cả mọi người!!!” - Trung Kiên:  trungkien199@gmail.com
 
“Thật sự rất buồn khi cận cảnh nước lũ đến với người dân miền Trung. Cầu mong cho mọi người sớm được trở lại cuộc sống đời thường, Ngày qua ngày cứ thế này thì bao giờ mới hết lũ lụt đây? Thương quá miền Trung ơi!” - Cường Ngô:  dieudomelinh@gmail.com

 

“Tôi thấy mưa thì cũng bình thường, chỉ có do mấy ông chặt rừng lấy gỗ, làm thủy điện rùi xả lũ khiến cho người dân luôn chịu cảnh phải leo lên nóc nhà tránh lũ. Trăm khổ đổ đầu dân mà thôi, thương cho đồng bào miền Trung thân yêu quá!” - Beck NT:  vodindai@gmail.com

 

“Mưa đã to thì chớ, lại thủy điện xả lũ nên lụt là chuyện thường. Sẽ còn lụt dài dài khi các thủy điện này xả lũ” - Vu Van Thach:  thachvv@outlook.com

 

“Nước lũ lên nhanh, bà con không kịp trở tay. Đó là hệ quả của việc phá rừng làm thủy điện tràn lan” – Holo1993:  hanh_nguyen7975@yahoo.com

 

“Tôi ở Quảng Nam, chỉ trong vòng 30 phút thủy điện bắt đầu xả lũ thì nước đã tràn vào nhà hơn 1m, sao chống đỡ cho kịp? Tội người dân vậy, mấy ông thủy điện ơi!!!” - Phan:  sky_phan@gmail.com

 

 “Mấy chú thủy điện ơi, có xả lũ thì xả ít ít, từ từ chứ cứ bất ngờ và xả mạnh thế này dân hoang mang lắm, chạy loạn xạ luôn thôi. Mà không chỉ nhà dân thôi đâu, các công ty sản xuất ở mấy KCN tỉnh Bình Định này dọn lụt cũng không kịp, chỉ trong chiều 15/11 thôi mà đã thiệt hại nhiều lắm rồi. Đời đúng là đen, đúng là  khổ. Thương quá dân ta ơi!” - Bé Bông:  chichbong128@gmail.com

 

“Không có thủy điện chắc tình cảnh không đến nỗi như bây giờ. Mấy ông thủy điện xả nước trước thì đâu đến nỗi  này? Nhưng mỗi ngày phát điện thu lợi nhuận lớn, nếu phải xả nước trước mà không mưa lớn thì họ chịu thiệt sao…” – Vu Vien: vien@gmail.com

 

“Nắng mưa là việc của trời/ Lũ lụt, hạn hán chính người gây nên. Còn phá  rừng đầu nguồn lấy gỗ quý phục vụ các “đại gia” thì lũ lụt sẽ còn lớn nữa. Mong Nhà nước có biện pháp hữu hiệu trị tận gốc tệ nạn này để cứu dân nghèo” - Ngô Thế Tường:  ngothetuong@yahoo.com.vn
 
Cảnh ngập lụt ở Bình Định (ảnh: Doãn Công – Hồng Long)
Cảnh ngập lụt ở Bình Định (ảnh: Doãn Công – Hồng Long)
 

Dao hai lưỡi

 

Mổ xẻ tiếp những “căn bệnh” của cách làm thủy điện tràn lan như hiện nay, nỗi bức xúc của dân càng lớn mặc dù luôn được nghe nghe các giới chức trấn an bằng những lời khá có cánh về cái Lợi, thay vì vạch rõ cái Hại để dân kịp thời chủ động phòng tránh và đối phó. Những người có được suy nghĩ theo hướng tích cực như các giới chức vẫn luôn chỉ chiếm thiểu số, so với đa số vẫn coi thủy điện như “dao hai lưỡi”:

 

“Nếu người ta không xả lũ thì sẽ vỡ đập, mà vỡ đập thì cả vùng hạ lưu… ra ngoài biển luôn đấy, bạn à. Chấp nhận chỉ bị lụt còn hơn là bị cuốn hết ra biển. Người ta cũng là con người, hơn nữa toàn các kỹ sư, tiến sỹ... cũng có đầu óc, cái bạn nghĩ đến gì thì người ta chắc cũng nghĩ và tính đến rồi... Chỉ trách con người đối xử với thiên nhiên khắc nghiệt nên giờ thiên nhiên đối lại như thế thôi!” - Vũ Hoài Nam: doicanhcuabautroi@gmail.com

 

 “Đồng ý việc xả lũ là để bảo vệ tài sản chung của nhà nước, nhưng khi xả thì người dân bị ngập nặng. Vậy thiệt hại về người và tài sản của người dân ai đền bù cho họ???? Không lẽ cứ thông báo rồi xả, rồi người dân lại bị ngập nước nữa sao? Thiệt hại dân chịu nữa hả các bác, thế này làm sao mà dân thoát nghèo được cơ chứ. Một tháng bi ngập bốn lần thì sao phát triển nổi, trồng rau cũng không kịp để ăn nữa chứ lấy đâu bán mà phát triển...?” - Thiều Đăng Phong:  phongthieu113@gmail.com

 

“Lũ qúa nhiều, tại sao không tìm rõ nguyên nhân (thủy điện hay...) để tránh cho dân? Chớ kiểu này thì không bao lâu nữa miền Trung thành tan hoang. Người dân vùng lũ hiện nay cũng đã sống qua nhiều đời, nhưng thấy chưa bao giờ lũ quá nhiều và nặng như hiện nay. Cần tìm nguyên nhân để có biện pháp hữu hiệu bảo vệ dân, nhất là bảo vệ cả miền Trung -  1/3 của đất nước. Hy vọng sớm giải quyết được tình trạng này” - Nguyên Nhân:  chappho@yahoo.com

 

“Thủy điện là con dao 2 lưỡi. Mưa ngập lụt nhanh là do xả đập. Ở Huế cũng đang ngập lụt do xả 2 đập thủy điện. Lũ về quá nhanh, dân không kịp trở tay” - Nguyen Ngọc:  truongbia89@yahoo.com

 

Thiên tai quả không đáng sợ bằng "nhân tai", như Nguyễn Văn Nguyễn anhtamhung123@gmail.com nêu rõ:
 
“Thiên tai mưa bão, nhân dân phải gồng mình gánh chịu. Nhưng tôi thấy còn một thứ do con người chủ động gây ra để tiếp tay với thiên tai hại dân, đó là “ông thủy điện”. Trước đó 4- 5 ngày đài khí tượng thông báo bão, sao không chủ động xả nước hồ dưới mức an toàn, bảo đảm mưa cả tuần không sao? Tại sao cứ chờ mưa dữ dội, khi bão dồn dập,  thủy điện mới xả lũ? Đúng là làm theo “kiểu Việt Nam”!!! Ở Việt Nam, tôi nghĩ cần kiểm tra lại trình độ cán bộ các cấp xem sự hiểu biết về mưa bão như thế nào,  mà cứ hễ bão đến thì xả lũ thủy điện? Buồn thật, nếu không có thủy điện “ruồi”, thủy điện “cóc” thì còn rừng giữ được nước, làm gì dân phải khổ vì bị lũ quét như thế, ngập dữ dội như thế???”
 

Kiều Anh