Bộ trưởng Công thương: Kiên quyết tìm nguyên nhân sai sót của thủy điện

(Dân trí) - Trước mối lo ngại của người dân trong vấn đề xả lũ thủy điện và tình trạng ngập lụt lớn ở vùng hạ du, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, phải kiên quyết tìm nguyên nhân và có giải pháp căn cơ để khắc phục thiếu sót.

Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" do VTV thực hiện ngày 8/12, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có những trao đổi quanh các vấn đề "nóng" liên quan tới an toàn thủy điện và tiến trình ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Thưa Bộ trưởng, người dân hiểu rằng thủy điện tích trữ đủ nước để phát điện, tuy nhiên, làm thủy điện mà gây tác hại cho môi trường, xả lũ sai quy trình, gây ngập lụt lớn cho vùng hạ du, cuốn trôi nhà cửa mùa màng, ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người dân thì lợi ít hại nhiều. Người dân đặt ra câu hỏi: "chúng ta có nên tiếp tục duy trì làm thủy điện hay không"? Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Trong các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại các kỳ họp gần đây, nhất là tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, đã phân tích rõ thực trạng của thủy điện. Quốc hội cũng đã thảo luận rất kỹ về nội dung này.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Trên tinh thần đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62, ghi nhận những đóng góp và hiệu quả tích cực của thủy điện đối với thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cắt giảm lũ vào mùa mưa, góp phần cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân ở hạ du. Quốc hội cũng nêu ra những bất cập, hạn chế, tiêu cực của quá trình này. 

Theo tôi, chúng ta phải kiên quyết tìm nguyên nhân và có giải pháp căn cơ hơn để có thể khắc phục cơ bản thiếu sót, tồn tại trong quá trình phát triển thủy điện.

Là cơ quan chịu trách nhiệm quy hoạch thủy điện, xin Bộ trưởng cho biết, làm thế nào để giảm thiểu những tác dụng phụ của thủy điện, cụ thể là về quy hoạch để các hồ chứa có thể vận hành đồng bộ với nhau, tránh ảnh hưởng tới vùng hạ du?

Tôi cho rằng bằng các biện pháp thực tế, khắc phục triệt để những tác động xấu của thủy điện sẽ làm người dân hiểu và đồng tình với chủ trương phát triển thủy điện.

Chính phủ cũng đã bàn bạc rất kỹ về nội dung này và thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về thủy điện, thắt chặt quản lý Nhà nước trong quy hoạch thủy điện, tập trung vào một đầu mối; xem xét lại cơ chế phân cấp ủy quyền đối với các dự án thủy điện, rà soát lại quy chế vận hành các hồ chứa, nếu thiếu thì phải ban hành; kiên quyết yêu cầu trồng bù đủ diện tích rừng đã bị thu hồi và xử lý nghiêm sai phạm.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã phân công về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy điện cho các bộ, ngành, địa phương. Đối với Bộ Công Thương, là cơ quan tổng hợp chịu trách nhiệm về quy hoạch thủy điện, phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư trong toàn bộ quá trình thực hiện các dự án thủy điện.

Vừa rồi, có những nghi ngờ nhiều nhà máy thủy điện xả lũ cùng lúc và đã gây ra lũ chồng lũ, ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du. Có thể đó là do chưa có một quy trình vận hành liên hồ, đập thủy điện. Xin Bộ trưởng cho biết lộ trình ban hành các quy trình vận hành liên hồ được thực hiện như thế nào?

Nghị quyết 62 của Quốc hội yêu cầu trong năm 2014, phấn đấu ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện, còn trong chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu cụ thể hơn:

Đó là đối với liên hồ chứa chưa có quy trình vận hành về mùa mưa phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2014. Đối với quy trình vận hành liên hồ chứa đã có, nhưng vừa qua thấy rằng có yếu tố không phù hợp với thực tế thì phải rà soát, chỉnh sửa để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế bổ sung. Riêng đối với quy chế vận hành liên hồ chứa trong mùa khô, phấn đấu để sớm ban hành quy trình này. 

Hiện nay, trong số 11 hệ thống liên hồ chứa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy trình, còn 6 quy trình phấn đấu sẽ xây dựng và trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014.

Gia nhập TPP, dễ tổn thương nhất là nông nghiệp

Thưa Bộ trưởng, sau khi nước ta gia nhập WTO, có nhiều ý kiến trái chiều về tác động thực chất của hội nhập quốc tế đến nền kinh tế, khi nhiều doanh nghiệp chưa kịp chuẩn bị nên đã thua ngay trên sân nhà. Nhiều người dân băn khoăn liệu chúng ta sẽ được lợi gì khi hội nhập quốc tế sâu hơn với việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, sau khi gia nhập WTO, chúng ta cũng lần lượt đàm phán và ký kết với các đối tác về một số hiệp định khu vực tự do khác, trong đó,  TPP (gồm 12 nước tham gia) được kỳ vọng là hiệp định có chất lượng cao, nhiều nội dung cao hơn mức cam kết WTO. 

Nếu chúng ta đàm phán và ký kết được Hiệp định này, trước hết, về mặt kinh tế, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Về mặt chính trị, tham gia TPP sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi mặt hạn chế mà chúng ta cần phải dự báo, đề phòng trước để có những ứng phó nhất định, nhất là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo nhận định của Bộ trưởng, khi ký kết TPP, ngành nào dễ bị tổn thương nhất và các doanh nghiệp trong những ngành này sẽ phải chuẩn bị những gì?

Lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất vẫn là nông nghiệp, bởi vì nước ta về cơ bản vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp và áp dụng tiến bộ khoa học hạn chế nên giá thành sản phẩm còn cao, thậm chí cao hơn so với các nền kinh tế lớn trong khu vực. 

Vì thế, việc mở cửa thị trường ít nhiều sẽ tác động đến những sản phẩm hàng hóa này. Lường trước được điều đó, trong đàm phán với Mỹ và các nước thành viên khác, chúng ta đã yêu cầu Hiệp định TPP phải là hiệp định cân bằng về lợi ích, có nghĩa là nước nào cũng có lợi ích và tính đến chênh lệch về trình độ phát triển.

Nghĩa là, cuối cùng chúng ta sẽ thực hiện cam kết nhưng cũng cần có thời gian, không thể thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với việc giảm thuế hay miễn trừ thuế. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm, kể cả bà con nông dân cũng có điều kiện khắc phục yếu kém, nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm.

Trong TPP, chúng ta đã tham vấn các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Thủy sản và thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được lợi thế, ưu đãi khi chúng ta tham gia TPP và lường trước được những khó khăn để có giải pháp khắc phục được những khó khăn đó.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Diệp ghi
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm