Bạn đọc viết:

Tết Việt ngàn đời vẫn vậy

(Dân trí) - Kim đồng hồ đang nhích dần về cái mốc cuối cùng, khép lại một năm và mở sang vòng thời gian 365 ngày mới tràn đầy hy vọng. Thời khắc này khiến tôi nhớ đến một câu thơ của Tố Hữu: “Thế là Xuân đến đó cùng ta/ Hồn nhiên như bạn cũ vào nhà...”

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

Đã từ xưa rồi, Tết vẫn thế. Bầu không khí của ngày Xuân Việt Nam bao giờ cũng vui tươi, thanh bình, nhẹ nhàng và đầy quyến rũ. Với thiên nhiên là ngàn hoa bừng nở, là sự chộn rộn của lòng người khiến cho ngày Tết trở thành ngày hội thăng hoa của văn hoá Việt Nam, là ngày hội của con người hoà hợp với cộng đồng mang đậm nét văn hoá dân tộc sâu sắc và độc đáo!

Trong sự cộng cảm, sự hoà hợp thiêng liêng ấy, hẳn mỗi người ai cũng hướng tấm lòng tưởng nhớ tới công lao, ơn đức tổ tiên. Chẳng thế mà dù chưa đến Tết, nhưng sự chuẩn bị cho ngày Tết thì đã có từ trước đó vài ba tháng, thậm chí cả nửa năm. Nhưng càng đến gần ngày Tết, cụm từ “Về quê ăn Tết” lại vẫn là những tiếng nói quen thuộc được nghe nhiều nhất.
Những người làm ăn xa, những người Việt Nam ở nước ngoài đều thấy lòng mình náo nức bởi quê hương là hồn nước nằm tĩnh lặng trong mỗi con người. Những người đã xa nhà, xa nước hàng mấy chục năm, trong giấc mơ của mình thường vẫn thấy hiện lên mái nhà xưa, con đường nhỏ và mùi hương hoa Ngâu, hoa  nhài, hoa mộc... quen thuộc. Về quê ăn Tết là về với ông bà, cha mẹ, về với những kỷ niệm ngày xưa thơ bé, về với mảnh đất nơi đã sinh ra mình.

Có lẽ bởi thế mà người ta bảo ngày Tết Việt Nam là ngày hội của sự đoàn tụ, ấm cúng, bởi với người Việt Nam mình thì giàu có cũng quý, nhưng quý hơn là một chữ Tình. Tình làng nghĩa xóm, tình cảm anh em... Thế nên dẫu cuộc sống vốn chẳng bình lặng và trong cuộc mưu sinh không tránh khỏi những va vấp, xung đột.... nhưng bước sang năm mới, lòng người hình như luôn rộng mở hơn, đằm thắm hơn...

Ai cũng như muốn quên đi nỗi gian truân vất vả để chia mùa xuân đến từng nhà. Mặt đất nơi nào cũng thấy hoa. Những hội hoa xuân mở ở khắp nơi. Hàng ngàn, hàng vạn cành hoa, chậu hoa... rực rỡ, như  \những dòng sông sắc màu chảy về chợ hoa xuân. Mà có đến những chợ hoa ấy mới thấy hết cái vui vẻ náo nhiệt, rộn rã lạ thường.... Cả rừng đào, rừng mai, những dãy quất vàng, rồi Hồng, Cúc, Lay ơn, Thược dược, Vạn thọ, Đồng tiền... Người đến chợ hoa ai cũng tíu tít, hồ hởi ngắm nhìn trò chuyện, nở những nụ cười tươi tắn giữa rừng hoa, khiến lòng ai như cũng bỗng chốc thăng hoa thành thi sĩ...

Điều thú vị hơn bởi những phong tục độc đáo của người Việt Nam ta là ai cũng muốn ngày Tết sẽ đem đến mọi sự tốt lành, thế nên dẫu đã cùng nhân loại bước những bước đi dài  trong thế kỷ văn minh, nhưng người ta vẫn cứ giữ mãi cái tục chọn người khoẻ mạnh, tài giỏi để “xông” nhà.  Không cứ người lớn, trẻ em cũng được, nhưng thường phải là những chú bé ngoan ngoãn, thông minh. Rồi cái tục giao thừa lên chùa cầu Phật và hái những lộc xanh nho nhỏ mang về nhà cầu mong phước lộc….

Ngay cả trong mâm cỗ Tết cũng thể hiện những cung bậc của thời gian, mà mỗi món ăn truyền thống tự nó nói lên những câu chuyện lý thú, càng làm cho Tết Việt như một cuốn bách khoa toàn thư thú vị và hấp dẫn...

Ôi, Tết Việt ngàn đời vẫn vậy mà lòng vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ, niềm thương cùng dòng chảy hoài niệm Tết cứ miên man, miên man...

Minh Tư
(Phòng Tổ chức cán bộ, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể  thao  Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm