Mẹ của con ơi...

(Dân trí) - Năm nay là tết đầu tiên con đón tết xa quê, càng gần tết con càng nhớ nhà. Nhớ cái tết đầm ấm bên gia đình, nhớ nhất là hình ảnh thân thương của người mẹ cả đời lam lũ vì con. Lớn khôn rồi con mới hiểu thế nào là "lòng mẹ bao la..."

Con bật khóc khi nghĩ về mẹ… Mới năm ngoái thôi, khi con còn ở nhà, khi con còn trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, con đâu biết rằng mình thật may mắn được sống trong tình yêu thương bao la của mẹ, của cha... Con rất ân hận vì đã có lúc nói những lời lẽ mà không biết đã làm mẹ buồn và tủi thân đến nhường nào.
 

Ở vùng quê nghèo Bắc bộ, mẹ tôi ngày ngày bên chiếc xe đạp cũ lầm lũi chở thúng hàng khô ra chợ huyện bán. Bao năm qua vẫn với chiếc xe đạp ấy, mẹ tảo tần nhặt từng mớ rau, vài món hàng khô chạy chợ kiếm tiền nuôi con ăn học. Tới đầu năm kia do tuổi cao, không tiện đi xe đạp nữa, mẹ dồn tiền mua chiếc xe đẩy chở hàng ra chợ.

 

Đông cũng như hè, mẹ dậy từ 4-5 giờ sáng chuẩn bị hàng họ đem ra ngồi bán trong cái lều nhỏ ở góc chợ. Xế chiều mẹ về nhà với dáng vẻ mệt mỏi, lại tất bật lo cơm nước cho anh chị em chúng con. Mẹ bòn nhặt từng đồng để cho con cái ăn học, vậy mà có lúc cầm đồng tiền mẹ gửi từ quê lên, con đã vô tư tiêu mà không nghĩ rằng đó là mồ hôi, nước mắt của mẹ nhọc nhằn sớm tối bòn mót, cóp nhặt…

 

Ở Thủ  đô con ăn đủ 3 ngày bữa mà vẫn còn gọi điện về nhà xin thêm tiền và luôn miệng kêu với mẹ: con đói, con không đủ tiền để trang trải cuộc sống… Con đâu biết rằng mẹ phải nhịn ăn bữa trưa để dành thêm chút tiền cho con chi tiêu.

 

Cứ gần tết, nhất là những ngày sát tết mẹ đi chợ từ rất sớm đến mãi khuya mới về. Mẹ kể: “Ngày tết, nhà người ta con cái đi xa về, cha mẹ mới đi chợ mua thêm thức cho bữa cơm sum họp gia đình. Thiếu thứ gì đến bữa họ chạy đi mua thì lúc đó mình mới bán đắt hàng con ạ. Đi chợ phải phụ thuộc vào khách chứ”…

 

Có khi 5-6 giờ tối thấy mẹ vẫn chưa về, bố bảo con mang miếng bánh chưng ra chợ cho mẹ ăn đỡ đói. Nhưng đến khuya khi mẹ về, con thấy miếng bánh chưng đã nguội ngắt vẫn còn nguyên trong giấy bóng. Vậy mà con vẫn vô tâm, đi chơi về thấy mẹ mệt mỏi nằm trên giường cũng không hỏi mẹ được một câu.

 

Năm nào cũng vậy, 30 tết là ngày mẹ về khuya nhất, thế mà lúc đó vẫn còn có khách đến tận nhà mua thêm phụ gia còn thiếu về chuẩn bị tết. Dù đã mệt nhoài nhưng mẹ vẫn gắng gượng dậy bán hàng. Cơm phần mẹ đã nguội lạnh cả… Mãi tới lúc gần giao thừa, mẹ mới tắm giặt xong rồi ăn vội ăn vàng để đi nằm. Con trai mẹ lúc đó còn mải đi chơi với bạn chẳng nghĩ gì tới cơm nước, bố mẹ ở nhà ra sao…

 

Con thường đi luôn đến giao thừa, bố gọi mẹ dậy xem chương trình bắn pháo hoa phát trên truyền hình nhưng mẹ mệt quá miệng ừ, à… mà mắt nhắm mắt mở, rồi mẹ lại ngủ thiếp đi chẳng còn hơi sức đâu mà đón giao thừa. Lúc đó con còn buột miệng than: “Sao mẹ khổ thế, vất vả thế để làm gì?” Con đâu biết rằng câu nói đó đã làm mẹ tổn thương… Con thì vẫn vô tư xem pháo hoa và nhắn tin chúc tết bạn bè...

 
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Mới năm ngoái đây thôi, ngày 30 tết, trong khi mọi gia đình khác đã sum vầy quanh mâm cơm tất niên, con đi học xa về quê lại đi ăn nhậu cùng bạn bè. Tới 8 giờ tối khi đã say con mới về nhà. Không thấy mẹ và cha già cặm cụi làm cơm tất niên như mọi khi, con tủi thân trách: “Ngày tết, có mẹ mà sao cũng như không…” Con đâu biết rằng hôm đó mẹ vẫn dậy sớm như mọi ngày để chuẩn bị hàng đi chợ. Trời rét căm căm, mưa phùn gió bấc, mẹ mặc áo mưa ra vườn hái rau. Tuổi cao, sức yếu, trưa mẹ vẫn nhịn đói…

 

Đến tối mẹ vẫn chưa về,  con đang say nằm trên giường thì hàng xóm gọi bố báo rằng mẹ ngất xỉu ngoài chợ, được người ta đưa tới bệnh xá. Hay tin dữ con bủn rủn chân tay, nghẹn ứ cổ họng mà không nói lên lời, hai hàng nước mắt cứ thế tuôn trào trên  suốt quãng đường con đạp xe lên bệnh xá. Cái lạnh ngoài trời, mưa buốt cắt da cắt thịt mà con cứ đầu trần, dép xốp phóng xe như điên… Để rồi đau xót thấy cảnh mẹ nằm đó đầu cuốn băng trắng, gương mặt hốc hác, trầy xước, ống truyền nước cắm trên tay. Con lao vào ôm lấy mẹ và chỉ biết khóc, tim như thắt lại, muốn xin lỗi mẹ nhưng không thể cất nên lời…

 

Tết  đó con ngồi đón giao thừa cùng mẹ bên giường bệnh, được 10 ngày nghỉ tết con đều dành cả thời gian bên mẹ. Cũng từ đó sức khỏe của mẹ suy sụp hẳn, tóc bạc đi nhiều, mẹ không còn đi chợ được nữa. Mẹ chỉ quanh quẩn trong nhà làm những việc lặt vặt,  không kham nổi những việc nặng. Cũng từ đó con biết đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống và học hành. Đi làm rồi con mới thấm thía nhiều điều.

 

Tết này con đi làm thêm cho nhà hàng, không  về nhà. con muốn tranh thủ kiếm thêm tiền tự lo việc học hành, không muốn để bố mẹ phải suy nghĩ và quá vất vả vì con như xưa. Con cũng đã biết tiết kiệm từng đồng tiền tàu xe đi về để mẹ bớt phần lo lắng…

 

Càng gần tết con càng thương mẹ hơn, càng thấm thía những lời mẹ dạy, càng trân trọng những đồng tiền mẹ đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được để nuôi con ăn học và con càng nhớ nhà da diết…

 

Mẹ ơi, Tết này con không về bên mẹ được, không biết ở nhà mẹ đã khỏe hơn chưa? cả nhà chỉ có mình con là trai, tết con không về chắc bố mẹ ở nhà buồn lắm? Giờ đây con chỉ ước được về bên bố mẹ, được nhỏ lại để sà vào lòng mẹ như thủa ấu thơ, được ôm mẹ và nói với mẹ lời xin lỗi của đứa con xa quê…

 

Từ thủ đô, con xin được gửi lời cầu chúc cho bố mẹ luôn khỏe mạnh. Con mong học cho xong  chương trình đại học để có thể đi làm giúp đỡ bố mẹ, để có thể chăm sóc bố mẹ già những lúc ốm đau, để con được về bên mẹ trong ngày tết cổ truyền, được  hưởng bầu không khí sum họp gia đình ấm áp,  được hưởng tình yêu thương của mẹ, mẹ kính yêu của con!
 
Lớn khôn hơn rồi, con mới hiểu...

 

... Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào

Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào

Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng, mẹ yêu…

 

Hưng Nguyễn Đình