Chuyện đùa như thật

Lại đổ lỗi cho dân, cho trời

(Dân trí) - Làm gì có chuyện đoàn người đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, buộc phải đi như quân đội đi diễu binh.

Bạn tôi bảo:
Bạn tôi bảo:

- Ở Lai Châu có phong tục đưa ma kỳ lạ nhỉ, chẳng giống nơi nào trong nước, mà cũng chẳng giống nước nào. Đó là đoàn người đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, buộc phải đi như quân đội đi diễu binh.

- Ý ông nói là phải đi có hàng có lối ngay ngắn?

- Hơn thế nữa kia, mới là lạ. Đó là phải cùng nhau đi đều bước rầm rập.

- Ông chỉ bịa!

- Sao lại bịa. Thì đấy, vừa rồi cả nước xôn xao về vụ cầu treo Chu Va ở Lai Châu bị sập, làm chết 8 người và hơn hai chục người bị thương. Đoàn người đưa ma đi đến giữa cầu thì thấy cầu chao đảo, rung lắc mạnh. Rồi sau một tiếng “uỳnh” lớn của những tấm sắt, cây cầu đã lật hẳn một bên. Chiếc quan tài cùng toàn bộ số người trên cầu rơi xuống suối, làm 8 người chết. Có một số quan chức bảo nguyên nhân có thể là do đoàn tang lễ này tạo ra cộng hưởng khi đi trên cầu. Tương tự như vụ xảy ra thời trước, khi Napoleon lãnh đạo quân Pháp đánh chiếm Tây Ban Nha. Đoàn quân của Napoleon phải đi qua một chiếc cầu sắt bắc ngang qua một con sông. Như thường lệ, viên sĩ quan chỉ huy hô vang khẩu lệnh: 1, 2, 1, 2… Các binh sĩ bước đều và giậm chân mạnh theo khẩu lệnh. Khi họ đi đến gần bờ sông bên kia, bỗng nhiên có một tiếng động rất to. Ngay tức khắc, chiếc cầu bị gãy. Tất cả các binh sĩ và sĩ quan đều rơi xuống nước, rất nhiều người đã chết đuối. Chuyện giống vậy cũng xảy ra tại St. Peterburg của nước Nga thời trước, khi một đoàn quân đi qua cây cầu lớn trên sông Volga, họ cũng đi đều bước và cầu bị gẫy. Cả hai đoàn quân nói trên đều không ngờ rằng họ đã mắc một sai lầm là đã tạo nên sự cộng hưởng. Bởi khi một đoàn người bước đều bước qua cầu, lực tác dụng có tính chu kỳ do bước chân tạo ra cũng có tần suất dao động nhất định. Nếu tần suất lực tác dụng này gần bằng (hoặc ngang bằng) với tần suất chấn động của cầu, thì sẽ tạo ra hiện tượng cộng hưởng. Kết quả cộng hưởng chính là chấn động của cầu ngày càng mạnh, khi vượt quá ngưỡng chịu đựng của cầu thì cầu sẽ sập xuống. Vì vậy tôi đang có ý định kiến nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lai Châu phải ra văn bản quy định: Các đám tang khi đi qua cầu, không được theo tập tục xưa, đi đều bước như quân đội đi diễu binh.

Tôi cãi:

- Ông nói sai rồi! Tôi đã xem video clip, đám tang này có đi qua cầu đó, nhưng họ đâu có đi đều bước, dậm chân “một, hai, một, hai ..” như quân đội đi diễu binh mà tạo ra cộng hưởng. Vì thế ông nên biết rằng trong đời sống hàng ngày, trên các cây cầu thường xuyên có người và xe đi lại. Xe cộ tạo ra một lực tác động lên cây cầu lớn hơn rất nhiều so với lực mà bước chân con người tạo ra. Nhưng do lực tác dụng của các loại xe cộ sinh ra không có tính chu kỳ nhất định. Bởi vậy, hai đầu cầu có khả năng trung hoà một bộ phận chấn động, khiến cho cây cầu đâu có xảy ra hiện tượng cộng hưởng nên không gặp nguy hiểm gì. Vì thế có thể khẳng định rằng cầu Chu Va sập không phải do cộng hưởng đâu nhé!

Bạn tôi cũng cãi:

- Thế bỗng dưng cầu bị sập à? Cầu mới xây, đâu phải là cầu cũ?

Tôi cười:

- Hi hi …ông ơi, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Trường hợp sập cầu treo Chu Va này là do chất lượng thiết kế hoặc thi công và giám sát thi công cây cầu ẩu, chứ không phải là do hiện tượng cộng hưởng đâu nhé! Xin đừng đổ lỗi cho dân do đi gây ra cộng hưởng mà cầu bị gẫy. Cũng như vừa rồi khi phát hiện ra 3 trụ cầu Vĩnh Tuy ở Hà Nội mới sử dụng được 5 năm đã bị nứt, có vết nứt dài tới 3 mét, cơ quan hữu quan liền đổ lỗi cầu Vĩnh Tuy bị nứt là do bị ảnh hưởng ở một số yếu tố như độ ẩm, môi trường, thế là đổ lỗi cho trời đấy. Có thể họ cho là họ “đúng” vì họ rà soát lại khi thiết kế không có vết nứt trong bản vẽ, đơn vị thi công không làm ra vết nứt, khi nghiệm thu cũng không có vết nứt này !?... Tôi thấy nhiều lần rồi, cứ sự cố gì xẩy ra là một số cơ quan hữu quan thường có thói quen chối bỏ trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho dân hoặc cho trời ấy mà!

Nguyễn Đoàn