Góc nhìn người dân về vụ sập cầu treo và cách ứng cứu
(Dân trí) - Tấm lòng người dân cả nước cùng đang hướng về Lai Châu – nơi vừa xảy ra vụ sập cầu treo nghiêm trọng sáng 24/2 tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Tranh luận chủ yếu quanh nguyên nhân tai nạn và cách ứng phó của các ngành chức năng.
Nhìn từ gần…
Trước hết, Diễn đàn trích đưa lên một số ý kiến phản hồi có thể coi như xem xét vụ việc từ gần tới xa, từ chính những người dân địa phương cho tới người có chuyên môn hơn…
“Tôi đang sống tại nơi xảy ra tai nạn. Cây cầu đó có ghi rõ phía trên 2 đầu cầu là trọng tải 1,5 tấn. Đây là cầu dân sinh nhỏ thôi, đoàn người đi qua quá đông. Trong lúc đưa tang cán bộ xã và người nhà đã điều tiết lượng người qua cầu, nhưng người dân không nghe theo sự điều tiết lại còn phản ứng với cán bộ xã. Họ đi nhanh như chạy nên cầu rung và lắc, dẫn đến tình trạng này...” - Trương Huy: truonghuy.yb86@gmail.com
“Theo tôi được biết, cây cầu này mới khánh thành cách đây 2 năm, do một doanh nghiệp tư nhân trong huyện thi công. Doanh nghiệp này là "con đẻ "của lãnh đạo huyện Tam Đường… Đề nghị Trung ương cho thanh kiểm tra lại xem chất lượng cây cầu này như thế nào” - Cương.Bui: cuong.bui@gmail.com
“… Cầu treo dài 54 m bị sập khi có đám tang đi qua (nguyên nhân trực tiếp, rõ ràng là đứt dây cáp. Cái gì gây ra đứt dây? Người ta tạm cho là sự quá tải... vì tải trọng thiết kế của cầu chỉ là 1,5 tấn ). Tôi không thể nào tin được. Hỏi 1,5 tấn là tải trọng toàn bộ hay trên mỗi mét dài? Nếu là tải toàn bộ thì trên mỗi mét chỉ là 1,5/54 = 0,028 T/m = 28 kG/m (đây là tải trọng cho… gián hoặc cùng lắm là… chuột đi qua cầu?) Cần hiểu tải trọng thiết kế 1,5 tấn trên mỗi mét dài, vậy tổng tải trọng sẽ là 1,5x54 = 81 tấn. Tải trọng của đám tang còn xa mới đạt con số ấy.
Ngay cả khi tải trọng vượt tải thiết kế thì dây vẫn chưa thể đứt (nếu được thiết kế và thi công với chất lượng bảo đảm), vì hệ số an toàn của dây cáp được quy định rất cao (từ 4 trở lên). Nghĩ cho cùng, nguyên nhân sâu xa của vụ sập cầu theo tôi, phải nói là: do tệ nạn tham nhũng tràn lan (tiền chi để làm cầu phải dùng một tỷ lệ khá lớn đút lót, hối lộ những người có quyền) dẫn đến bớt xén vật liệu, làm không đạt chất lượng (copy từ fb GS.Nguyễn Đình Cống)” - Nghia: nghia.ntn.ce@gmail.com
“Tôi là dân kỹ thuật đã đi làm nhiều dự án, tôi biết vật liệu muốn tốt phải mua từ châu Âu. Nhưng việc này là không thể vì mấy ông nhà thầu VN hầu như thiếu năng lực, lại hay ăn bớt. Mình là dân kỹ thuật, đi nhiều mình biết. Nhưng mà cán bộ nói chung thì có biết đâu, cứ có tiền là duyệt hết (kể cả liên quan đến tính mạng con người !?) Ngoài ra còn do chế độ bảo trì kém. Rồi thì những người trực tiếp làm việc thì được hưởng ít, còn mấy ông nhà thầu thì bóc lột. Vậy kiểu gì mà không gây ức chế, dẫn tới làm ẩu, rút ruột công trình…???” - Nguyễn Trọng Khánh: khanhsonglam@gmail.com
“Nếu có được bản vẽ của cây cầu, tôi và nhóm xây dựng ở trường Đại học tại VN có thể giúp xây dựng lại mô hình 3D và phân tích nguyên nhân gây ra thảm họa. Đồng thời có thể sẽ giúp thiết kế lại cây cầu hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn để không xảy ra tai nạn thương tâm như vậy nữa” - TK_Australia: congthanh01@yahoo.com
… Đến xa
Từ góc nhìn có thể là của đa số người không có chuyên môn sâu về lĩnh vực cầu, nên tranh luận nguyên nhân gây tai nạn trên diễn đàn khá gay gắt, nhiều ý kiến rất đối lập nhau:
“Các bác không biết rõ mà cứ đổ tội cho người xây dựng cầu? Hẳn ai học hết cấp 3 đều biết hiện tượng cộng hưởng rồi. Với loại cầu treo này mà đi "hành quân" với số lượng lượng người như vậy thì dù trọng tải cho phép có gấp đôi cân nặng, vẫn sập như thường! Còn khi xây dựng thì người ta có hẳn nhà thầu, tư vấn, chủ đầu tư, UBND tỉnh thẩm tra chứ có phải thích làm thế nào là làm đâu mà các bác cứ phát biểu liều là do chất lượng cầu, do xây dựng ẩu?” - Hà Dũng: hadung_mc5@yahoo.com
“Hãy kiểm tra công tác quản lý đó như thế nào? Cầu treo là một dạng đặc biệt, theo quy định của Bộ GTVT thì phải có quy trình bảo dưỡng đặc biệt. Phải xậy dựng quy trình bảo dưỡng thường xuyên. Xem hệ thống dây cáp có rỉ sét không? Hàng năm phải bôi mỡ bảo dưỡng. Phía hai đầu cầu có gắn biển tải trọng không? Mỗi lần cho phép mấy người qua? Nếu không có thì đây là lỗi của công tác quản lý” - Nguyen: binhluan234@yahoo.com
“Dao động cộng hưởng, khi bốn mươi người cùng nhịp bước khênh người quá cố qua cầu treo. Mỗi cây cầu đều có một tần suất xác định. Khi một đoàn người bước đều bước qua cầu, lực tác dụng có tính chu kỳ do bước chân tạo ra cũng có tần suất dao động nhất định. Nếu tần suất lực tác dụng này gần bằng (hoặc ngang bằng) với tần suất chấn động của cầu thì sẽ tạo ra hiện tượng cộng hưởng. Kết quả cộng hưởng chính là chấn động của cầu ngày càng mạnh, khi vượt quá khả năng chịu đựng của cầu thì cầu sẽ sập xuống. Thành thật chia buồn cùng các gia đình nạn nhân! Lưu ý bà con khi qua cầu treo nên chia ra nhiều tốp nhỏ, tránh đi theo kiểu nhịp bước đều sẽ gây ra cộng hưởng lực gây nguy hiểm cho người và tài sản!” - Nguyễn Hoàng: nguyenhoanganhbkav@gmail.com
“Tôi đã ở Lai Châu nhiều năm, thấy ở mảnh đất xa xôi hẻo lánh nhất nước này, đời sống dân sinh ở đây thiệt thòi quá nhiều so với thành thị. Nhà nước cần dành nhiều ngân sách hơn để xây dựng hạ tầng cơ sở và nâng cao dân trí cho các vùng này. Những cây cầu treo khi xây dựng cần bảo đảm an toàn và hướng dẫn rõ ràng cho người đi qua, không thể để đến khi có tai nạn thương tâm như vừa qua rồi mới nói về TẢI TRỌNG của cây cầu thì người dân biết đâu mà tránh?” - Việt Anh: congdanviet1949@gmail.com
Bài học ứng xử
Thêm một lần nữa, ứng xử nhanh nhạy, quyết đoán tạo hiệu quả tức thì của Bộ trưởng (BT) Đinh La Thăng tỏ rõ sức thuyết phục bởi rất đi vào lòng người, hợp với ý nguyện của dân...
“Xin thay mặt những người không may gặp nạn cảm ơn sự có mặt và chỉ đạo kịp thời của BT Đinh La Thăng….” - Hoàng: hoangnv@yahoo.com
“Hoan hô BT Thăng: Nói và làm rất mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Trực thăng chở các bác sỹ lên cứu trợ đã có mặt tại Lai Châu lúc 11h00. Trách nhiệm thể hiện ở hành động với dân như thế là rất đáng hoan nghênh...” - Nguyễn Y Đam: ydamlc@yahoo.com
“Tôi thấy BT Thăng xử lý tình huống như vậy là rất hợp lý, vì nếu không dùng trực thăng đưa các bác sĩ giỏi đến kịp thời thì các nạn nhân đang hôn mê kia chưa chắc đã qua khỏi, trong tình huống như vậy cứu chữa người là quan trọng nhất. Tôi mong rằng các BT cũng tỏ rõ tấm lòng vì dân phục vụ như BT GTVT”- Nguyen Cong Hoat: hoatphongbahd@yahoo.com.vn...
Kiều Anh