Bạn đọc viết

Để tinh giản 100.000 công chức công bằng và hiệu quả

(Dân trí) - Tôi rất đồng tình với quan điểm tinh giảm biên chế, nhưng có thực sự là Nhà nước cần người tài không? Mà muốn có người tài phải đổi mới cơ chế, trước hết là cơ chế trả lương, thưởng, tuyển dụng, bổ nhiệm, cơ chế đào tạo nâng cao...

Giảm biên chế là một chủ trương rất đúng, rất trúng! Nhiều người chưa hiểu lại cho rằng dùng tiền để giảm biên chế là không được, nhưng không có tiền thì làm sao giảm được biên chế? Nhiều người có lẽ cũng không hiểu nên đặt câu hỏi: tại sao tại phải tăng tuổi nghỉ hưu, tại sao không giảm tuổi nghỉ hưu để cho sinh viên mới ra trường vào làm?...

Tăng tuổi nghỉ hưu là vì quỹ Bảo hiểm đã gần cạn kiệt, nếu cứ giảm tuổi nghỉ hưu thì quỹ tiền bảo hiểm chi trả lương hưu trí sẽ bị âm trong một vài năm tới. Tức là người ăn lương hưu nhiều hơn người đang lao động vì tuổi thọ của người dân Việt Nam đang tăng lên. Còn nếu không dùng tiền ngân sách để tinh giảm biên chế thì không thể vô cớ đuổi cán bộ, công chức ra ngoài đường mà lỗi không phải của họ, lỗi là do người tuyển dụng họ. Lỗi là ở cơ chế chưa đúng, chưa phù hợp…

Tôi thấy có rất nhiều ý kiến hay, tôi rất ủng hộ quan điểm: cần phải trả lương theo hiệu quả công việc, vì vậy cần phải thực hiện khoán việc, khoán kinh phí (cơ chế khoán kinh phí hiện nay vẫn chưa phù hợp).

Khoán biên chế: Ở khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ trả lương theo hiệu quả, chất lượng công việc, theo sản phẩm đầu ra, không theo bằng cấp gì cả. Thậm chí giám đốc công ty họ cũng phỏng vấn trực tiếp, thấy có đủ năng lực, chuyên môn, họ tuyển dụng. Sau đó họ trả lương theo chất lượng, hiệu quả công việc. Họ khoán sản phẩm theo mức lương, họ thưởng theo sản phẩm tăng thêm, họ thưởng theo doanh thu, lợi nhuận tăng thêm. Vì vậy mới đúng...

Tôi rất đồng tình với quan điểm tinh giảm biên chế, nhưng có thực sự là Nhà nước cần người tài không? Thực sự các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương cần người tài không? Muốn có người tài phải đổi mới cơ chế, trước hết là cơ chế trả lương, thưởng, tuyển dụng, bổ nhiệm, cơ chế đào tạo nâng cao…

(minh họa: Ngọc Diệp)

(minh họa: Ngọc Diệp)

Hiện nay những cơ chế này đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần sớm ban hành các chính sách mới phù hợp hơn như:

1/. Trả lương theo mức khoán sản phẩm công việc.

2/. Trả lương theo độ khó của công việc mà cán bộ, công chức đảm nhiệm. Ví dụ: cũng có bằng đại học như nhau, nhưng ai làm việc khó hơn thì lương cao hơn. Không căn cứ theo kiểu tăng lương theo thời gian, rồi theo mức hoàn thành nhiệm vụ chung chung. Nếu một cán bộ, công chức luôn hoàn hành vượt mức chỉ tiêu công việc được giao, có chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo thời gian, được thưởng về hiệu quả công việc từ nhiều lần trong 01 năm có thể tăng lương ngay. Nhưng như vậy phải có tiêu chuẩn định mức công việc, có khái niệm công việc, việc gì là khó, mã số công việc đó là gì (ví dụ: một chuyên viên của một sở, ngành cấp tỉnh quản lý soạn thảo dự thảo một báo cáo do UBND cấp tỉnh ký ban hành, thì mức độ công việc phải khó hơn so với một báo cáo của lãnh đạo cấp sở, ngành ký ban hành)...

Có thể đến năm 2016 sẽ phải có bộ tiêu chí đánh giá theo kiểu tiêu chuẩn ISO, có mã công việc, hệ số tiền công được hưởng… Như vậy không cần phải có hội đồng đánh giá gì cả, vì anh đã làm được mã công việc như vậy chắc chắn anh đạt ở trình độ như vậy. Và cần quy định: nếu anh làm được bao nhiêu công việc có mã công việc thuộc loại khó, chất lượng, hiệu quả công việc cao, đúng thời gian thì anh đương nhiên được thưởng, không cần phải bình xét, không cần phải đánh giá. Như vậy vừa dễ làm lại không nảy sinh tiêu cực, không mất thời gian bình xét. Bộ phận làm công tác thi đua, khen thưởng cũng gọn đi, giảm đi nhiều…

3/. Cần thực hiện rà soát lại sự cần thiết của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội… Bộ máy có cần lớn đến như vậy không? Bây giờ đã có Hiến pháp mới, sẽ ban hành các luật mới theo hướng chặt chẽ hơn, coi trọng quyền làm chủ của nhân dân hơn. Vì Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, vậy có nhất thiết phải có nhiều cơ quan tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội như hiện nay không?...

4/. Cần nghiên cứu xem người dân thực sự cần gì? Nếu công khai thủ tục hành chính, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ thông tin thì bộ máy Nhà nước có thể giảm 50% so với hiện nay. Như vậy cũng quỹ lương đó, nhưng tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức sẽ tăng gấp đôi. Những việc gì người dân cần thì Nhà nước mới hình thành cơ quan đó, còn nếu người dân không cần thì nên phát triển theo loại hình dịch vụ công, các doanh nghiệp, tổ chức có thể hoạt động theo luật doanh nghiệp. Như vậy Nhà nước lại tăng được phần thu từ hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức, đồng thời ngân sách Nhà nước không phải gồng mình để trả lương. Như vậy đồng thời giảm sự phiền nhiễu, tiêu cực vì nếu doanh nghiệp, tổ chức nào có uy tín người dân tự biết chọn đến để làm và trả dịch vụ phí, những đơn vị nào làm không tốt tự bị đào thải.

5/. Nên công khai số lượng biên chế trong các cơ quan Nhà nước để nhân dân biết và kiểm soát. Mỗi cơ quan có trang Web riêng, họ cần công khai số lượng biên chế trong trang Web đó, công khai nhiệm vụ từng người trong đó để nhân dân biết liên hệ. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng người, công khai số tiền ngân sách chi thường xuyên cho cơ quan đó trong từng năm. Làm như vậy nhân dân cũng kiểm soát được việc tăng biên chế của mỗi cơ quan nhà Nước. Lý do họ tăng biên chế có phù hợp không?...

6/ Hiện nay tôi biết có nhiều Ban quản lý dự án yếu về năng lực, nhiều công trình đầu tư của nhà nước không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp là do họ mắc nhiều khuyết điểm trong việc triển khai đầu tư xây dựng công trình, thậm chí họ bị cấp trên phê bình, phạt tiền. Thế nhưng tôi chưa thấy họ bị cắt luôn việc, họ vẫn được giao nhiệm vụ tiếp tục làm đại diện chủ đầu tư, vẫn quản lý dự án.Đối với doanh nghiệp thì nếu yếu kém, chậm tiến độ, sẽ bị đánh giá tụt bậc xếp hạng tín nhiệm và có thể sẽ không được tham gia dự thầu các công trình. Như vậy là vẫn chưa có sự công bằng giữa doanh nghiệp và các Ban quản lý dự án.Theo tôi, nếu cơ quan, đơn vị nào bị phạt tiền có thể công khai trên báo chí. Mắc lỗi từ 02 lần trở lên thì giải thể luôn, vì người đứng đầu cơ quan đó bị cách chức, còn nhân viên thì bị cho thôi việc rồi, cần gì phải lo cho họ nữa?

7/. Việc bổ nhiệm cán bộ, công chức như hiện nay cũng chưa tốt, thậm chí còn nhiều bất công. Vậy công tác bổ nhiệm cán bộ căn cứ vào đâu? Chỉ căn cứ vào tuổi, cơ cấu, rồi bằng cấp, rồi lý luận chính trị mà không căn cứ vào năng lực thực sự, không căn cứ vào đức, vào tài thì đến bao giờ đất nước mới phát triển được?

8/. Tôi còn thấy có một hiện tượng rất đáng ngại trong không ít cơ quan Nhà nước, là người đứng đầu không xác định được vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mình, rất yếu năng lực. Họ luôn dùng kiểu “lấy ý kiến tập thể”, rồi sau này có xảy ra vấn đề gì thì trách nhiệm là chung của tập thể. Nhưng cái “tập thể” đó có nhiều người không đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sự hiểu biết để nhận biết các sự việc, hiện tượng, để giải quyết vấn đề theo hướng hiệu quả nhất, có lợi nhất. Vì vậy lấy ý kiến của họ họ cũng chỉ là nói dựa, thậm chí phản khoa học... Chính vì vậy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng. Họ cần phải đủ tài, đủ đức, đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, sự hiểu biết để quyết định những vấn đề quan trọng. Nếu không thì cần họ đứng đầu cơ quan để làm gì?...

Tôi cũng chỉ là một Phó phòng thôi, nhưng muốn nói nhiều vấn đề, muốn hiến kế, vì tôi yêu nước. Tôi biết có rất nhiều người cũng muốn tâm huyết đóng góp cho dân, cho nước. Nhưng những việc làm tâm huyết vì dân của tôi và của nhiều người như thế có được tác dụng phần nào hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Dù sao tôi cũng rất hài lòng với việc Bộ Nội vụ xây dựng đề án tinh giảm biên chế, nhưng tôi cho rằng chính sách này cần phải đồng bộ với nhiều chính sách khác về tiền lương, tiền công, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức. Cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch…

Thành Tiến: dtlc@gmail.com