Cháy nhà ra mặt… thật

(Dân trí) - Người dân hầu như chỉ biết đến lực lượng PCCC khi thi thoảng được xem trên tivi tin tức về những cuộc diễn tập PCCC rầm rộ, hoành tráng. Bình thường, tất cả đều tốt, các bản báo cáo tổng kết, đánh giá đều hay. Nhưng khi lâm sự mới biết rõ thực hư.

Tan hoang Trung tâm thương mại tỉnh Hải Dương (ảnh: Quốc Đô)
Tan hoang Trung tâm thương mại tỉnh Hải Dương (ảnh: Quốc Đô)
 
Ngày 15/9, Trung tâm Thương mại Hải Dương với diện tích trên 15.000m2 trở thành đống hoang tàn đổ nát chỉ sau mấy tiếng đồng hồ phát cháy dữ dội. Lượng tài sản có giá trị hàng trăm tỉ của dân phút chốc biến thành tro bụi. Vẫn biết thần lửa là ghê gớm bởi “nhất thủy nhì hỏa”, nhưng sau vụ cháy kinh hoàng này, nhiều bài học, nhiều sự thật mới “phát lộ” khiến dư luận không khỏi suy ngẫm.

 

Phải nói rằng nhà nước ta rất chú trọng công tác PCCC, đầu tư cả về con người cũng như  trang thiết bị, máy móc cho lực lượng cảnh sát PCCC. Có địa phương trang bị cả quần áo ngoại chuyện dụng với giá lên đến cả chục ngàn đô la/bộ. Nhân viên cảnh sát PCCC ngoài lương ra còn được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt khi tham gia chữa cháy. Đầu tư trang thiết bị đắt tiền, ưu ái lương bổng là điều nên làm bởi không thể coi thường giặc lửa, người dân sẵn sàng chia sẻ và vui lòng đóng góp tiền thuế của mình.

 

Nhưng trong thực tế, dường như chuyện phòng cháy thường phó mặc cho các cơ quan, doanh nghiệp mà thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng là lực lượng PCCC sở tại. Thế cho nên khi xảy ra cháy, các thiết bị chữa cháy tại chỗ phần lớn không phát huy được hiệu quả bởi chất lượng kém hoặc hư hỏng do không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.

 

Người dân chỉ biết đến lực lượng PCCC khi thi thoảng được xem trên ti vi tin tức về những cuộc diễn tập PCCC rầm rộ, hoành tráng theo đúng bài bản mà giáo án đã vạch ra. Cuộc diễn nào cũng thành công tốt đẹp, đầy những lời biểu dương, khen ngợi và lấp lánh bằng khen. Thế nhưng khi sự cố cháy xảy ra, thiên hạ mới tỏ mặt anh hùng.

 

Một trung tâm thương mại lớn như Trung tâm Thương mại Hải Dương mà hệ thống chữa cháy tại chỗ không phát huy được tác dụng, bảo vệ trung tâm chỉ biết đứng nhìn. Còn lực lượng cảnh sát PCCC thì mãi hai ba tiếng đồng hồ sau khi vụ cháy xảy ra mới có mặt, dù đại bản doanh chỉ cách đó 1km.

 

Điều khôi hài là hai xe chữa cháy được điều đến cái thì hết nước, cái thì chết máy, vòi rồng cái thì bị tắc, cái dùng được lại chẳng khác gì vòi phun xịt nước rửa kính. Lính chữa cháy thì hình như thực thi công việc một cách vô cảm, bất chấp sự van nài của dân yêu cầu phá cửa, đập kính để việc chữa cháy có hiệu quả hơn.

 

18 giờ đồng hồ sau khi vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương xảy ra, khói vẫn bốc lên tứ phía, ngọn lửa vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn. Biện minh cho việc chữa cháy ì ạch, thiếu chuyên nghiệp, một vị đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương “lấp liếm”: Cháy chợ thì khó cứu. Đến chợ Vòm của Nga còn phải bó tay nữa là Việt Nam (!). Có lẽ chẳng cần bàn luận gì thêm cho tốn công sức về sự bất lực và cả sự tắc trách của con người trong vụ cháy này qua phát biểu nói trên của đại diện lãnh đạo cơ quan chức năng.

 

Bình thường, tất cả đều tốt, các bản báo cáo tổng kết, đánh giá đều hay, danh hiệu thi đua khen thưởng chói ngời. Nhưng khi lâm sự mới biết rõ thực hư. Đúng là cháy nhà ra mặt…thật!

 

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm