“Chặt chém”: Bệnh khó chữa, dễ lây lan

(Dân trí) - Được cho là chủ đề “nhạy cảm” nên dù đã không biết bao lần hành khách hết phàn nàn tới chê bai và cả lên tiếng phản ứng mạnh mẽ, nhưng chuyện lình xình ở các sân bay VN thường được… bỏ qua một cách êm thấm. Song cây muốn lặng mà gió chẳng đừng…

(ảnh minh họa, nguồn: VTC News)
(ảnh minh họa, nguồn: VTC News)

 

“Thương hiệu” ngược đời

 

Dòng chảy dư luận như được khơi thông, sau khi có thông tin: Cục Hàng không VN vừa ký chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về giá dịch vụ tại cảng hàng không sân bay VN. Việc cần làm ngay này cũng chính là những gì người dân ta và du khách nước ngoài vẫn kiến nghị suốt thời gian dài vừa qua, đặc biệt là khi tệ nạn “chặt chém” đã trở thành một “thương hiệu” vô cùng đáng buồn, đáng xấu hổ…không thể biện minh bằng bất kỳ lý lẽ nào.

 

“Ngay tại sân bay là nơi tiếp xúc đầu tiên với khách  mà đã bị ‘chặt chém’, vậy thì ấn tượng ban đầu đã không tốt.  Rồi lại đến các điểm du dịch với nhiều chiêu trò rút tiền của khách nữa. Ngành Du lịch và đất nước VN mà cứ như vậy thì chỉ có thể trên đà....đi xuống mà thôi” – Ruoi Trau:  nangmuadong388@gmail.com

 

“Phong cách làm ăn này hình như là "Thương hiệu" ngược của ngành du lịch VN và của một bộ phận người VN thì phải??? Dù sao đây cũng là một lý do quan trọng để nhiều du khách đến VN chỉ một lần chứ không có lần thứ 2... Buồn quá!” - Tùng Nguyễn:  dongmaihtx@yahoo.com.vn

 

“Mình làm ở sân bay nước ngoài, khi về nghỉ phép cũng thấy bất ngờ: giá 1 chai nước hơn 1$ (chỗ sân bay mình làm việc chỉ bán 1$ 3 chai nước....) Đồ trong sân bay phải rẻ hơn hoặc ít nhất bằng giá ngoài siêu thị mới thu hút được khách mua chứ ... Sợ thật! Hỏi tại sao khách du lịch sợ VN, hơn nữa dịch vụ cũng quá kém. Việc check in cũng không thật sự theo hàng lối, cứ quen biết là làm trước được…” - Bboy Dubai:  Handoi_votinh3000@yahoo.com

 

“Dường như du lịch VN đang cố chạy đua... xuống đáy của bảng xếp hạng, khi mà nạn "chặt chém" du khách trong và ngoài nước diễn ra liên tục? Nhiều khách trong nước giờ chọn các tour Thái Lan, Singapore... Khách nước ngoài đến một lần để rồi đa phần phải tởn tới già! "Vẻ đẹp tiềm ẩn" là đây chăng? Lẽ ra chỉ thị của Cục Hàng không đã phải được quán triệt từ khi VN bắt đầu khai thác du lịch, chứ không phải đợi đến bây giờ. Đã quá muộn chưa???” - Hoàng Lộc:  thainhiloc@gmail.com

 

“Tôi là một người VN đang sống và làm việc ở nước ngoài. Tôi muốn về VN sống lắm, nhưng sợ nhất là khi đi ra đường luôn lo phải mất cái này, cái kia. Đi mua đồ hay du lịch thì  sợ bị ‘chặt, chém’, nên rồi tôi cũng không dám về VN kinh doanh và làm ăn nữa” - Thich Phan Lan: thichphanlan@gmail.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường?

 

Những câu hỏi làm nhức nhối dư luận như vậy đã kéo dài từ lâu, nhất là khi "chặt chém" đâu có phải là chuyện xảy ra ở  những nơi khuất nẻo. Mà nó công khai trước bàn dân thiên hạ, ngay tại cửa ngõ đầu tiên với mỗi cư dân khi tới với những điểm đến lẽ ra phải đúng như khẩu hiệu “Chào mừng khách tới…”

 

“Doanh nghiệp nhà nước còn như thế, trách sao những quán vỉa hè, hàng rong chẳng tranh thủ "chặt chém" khách du lịch... "Văn hóa chặt chém" đã ngấm vào máu nhiều người Việt rồi, "bệnh" khó chữa và dễ lây lan. Buồn!!!” - Thanhnhan_luat:  thanhnhan_luat@yahoo.com

 

“Tôi đi nhiều nơi, thấy ở VN mình là ‘chặt chém’ khách nhất, nhưng cung cách phục vụ lai kém nhất. Có lần tôi kẹt ở sân bay Los Angeles,  Mỹ, nhân viên nhà  hàng đã mời tôi dùng bánh mì + nước uống nhưng không lấy tiền, và cái cách họ giúp mình thì tôi ấn tượng tốt đến tận bây giờ.  Nghĩ lại về đến "nhà mình" mà sao thấy… quá nản!” -  Đỗ Anh Tuấn: tuanqn2002@yahoo.com

 

“Tôi đã có dịp đến các sân bay Changi (Singapore), Narita, Kansai, Fukuoka (Nhật) thì thấy rằng họ rất tế nhị. Trong sân bay có bố trí các vòi nước uống miễn phí, các máy bán thức uống tự động và vẫn có các quầy giải khát với giá thức uống cao hơn ngoài. Như vậy, những ai ít tiền vẫn có thể có nước uống. Những ai có tiền, có thể chọn thức uống đặc biệt hơn và hưởng một số dịch vụ tốt hơn. Giá bán ở các máy tự động thường bằng hoặc cao hơn khoảng 10-15% so với bên ngoài. Tại sao các sân bay ở VN không học được cách này?” - Do Nhat: donhat76@yahoo.com

 

Lý do chẳng khó khăn gì và cũng chẳng cần phải là người làm trong ngành mới biết:

 

“Tất cả là do tham nhũng mà ra thôi. Thử hỏi có hàng quán nào ở đó không phải là của con em, họ hàng… của các sếp đâu. Hơn thế hàng tháng họ cũng phải đóng cho các sếp tiền tỷ mới được kinh doanh ở đó. Dẹp được vài hôm thì lại như cũ ngay. Cái này phải xóa từ cốt lõi vấn đề, không triệt để thì mãi vẫn vậy” – Minh Tuan:  minhtuan1401@gmail.com

 

“Các vị giới chức nước mình hay đi công tác bằng đường hàng không, chả lẽ lại không biết tí gì về sự ‘chặt chém’ hành khách của các cơ sở dịch vụ tại các cảng hàng không trong nước? Hay là đây cũng là chỗ con ông cháu cha nên các vị lờ đi và bỏ qua???” - Phạm Dũng:  dungpv169@gmail.com

 

“Tình trạng ‘chặt chém’ ở các sân bay đâu chỉ diễn ra ngày một ngày hai, mà nó đã hiện diện lâu lắm rồi, cớ sao bây giờ Cục Hàng không mới biết và ra chỉ thị chấn chỉnh? Để xem việc thực hiện những qui định mới như thế nào? Có còn nạn chặt chém hay không? Nhà ga hàng không suy cho cùng cũng như mọi nhà ga khác như ga xe lửa, ga xe buýt. Xây nhà ga là tiền ngân sách, tiền thuế của người dân. Nhưng những người được giao nhiệm vụ quản lý nhà ga đã có thái độ cửa quyền, cho người thân hoặc hùn vốn vào những cơ sở kinh doanh trong mặt bằng tại các nhà ga hàng không. Nếu những hàng quán tại các sân bay không chuyển biến tích cực thì theo tôi, việc làm đầu tiên là cần cách chức người quản lý có thẩm quyền cao nhất của nhà ga sân bay đó” - Anh Ho Minh:  anhhm2000@yahô.com.vn

 

Và cũng nên chăng cần thay đổi ngay như đề xuất ngắn gọn sau:

 

“Nên dẹp bỏ tất cả cửa hàng và thay vào đó là 1 siêu thị hiện đại, văn minh, lịch sự” - Nguyen Van Ban:  toyota3767@yahoo.com

 

Chứ còn cứ tình trạng tham bát bỏ mâm thì ĐƯỢC MỘT  và chỉ vào túi một nhóm người, còn MẤT MƯỜI, MẤT TRĂM, NGÀN… của cả đất nước và nhân dân!

 

Kiều Anh