Tổng thống Obama: Mỹ muốn Việt Nam cải thiện năng lực quốc phòng
(Dân trí) - Tổng thống Obama chia sẻ, quá trình đối thoại dẫn tới quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không đơn giản. Phía Mỹ muốn khích lệ hoạt động hợp tác quân sự với Việt Nam và việc này sẽ giúp cải thiện phần nào năng lực quốc phòng của Việt Nam.
Người đứng đầu Nhà Trắng trả lời rất thẳng thắn câu hỏi liên quan đến việc phía Mỹ tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam trong cuộc họp báo quốc tế trưa ngày 23/5, sau khi hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Theo đó, Tổng thống Mỹ gạt đi giả thiết quyết định này là nhằm tăng cường ảnh hưởng với Việt Nam để tạo lực đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tổng thống Obama khẳng định, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận lần này dựa trên kết quả đối thoại, tiến trình hợp tác lâu dài giữa Mỹ và Việt Nam. Hai bên đã trải qua nhiều cuộc đối thoại khó khăn. Phía Mỹ cũng đã cân nhắc rất nhiều trước quyết định này.
Và sau cùng, nhận thức chung đạt được là, giữa hai nước Việt – Mỹ đã có một quá khứ không vui (mà lệnh cấm vận vũ khí chính là tàn dư của quá khứ không vui đó, như phân tích của Thượng Nghị sĩ John McCain –PV) cần phải khép lại.
Quan hệ 2 nước đã qua một tiến trình tiến triển lâu dài. Phía Mỹ không muốn lệnh cấm vận vũ khí tồn tại như một yếu tố chia rẽ quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định: “Chúng tôi rất khích lệ sự đối thoại trong hợp tác quân sự hai nước. Phía Mỹ đã cử nhiều tàu hải quân tới cảng Việt Nam. Mỹ muốn làm sâu sắc hơn quan hệ trong lĩnh vực này với Việt Nam. Việt Nam có thể mua vũ khí từ Mỹ và hợp tác của chúng tôi sẽ giúp cải thiện phần nào về năng lực quốc phòng của các bạn”.
Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, theo đó, sẽ giúp bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước Việt – Mỹ.
Tổng thống Mỹ cũng ý tứ rằng, quyết định của phía Mỹ không liên quan đến vấn đề Biển Đông và cam kết Mỹ luôn tôn trọng chủ quyền, công việc nội bộ của Việt Nam trong quá trình hợp tác.
Ông Obama quả quyết, Mỹ sẽ tiếp tục cử các tàu quân sự đến vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép.
Nguyên thủ Mỹ nhắc lại việc vừa qua, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã chấp nhận lời mời của ông tới Hội nghị Sunnyland, thảo luận vấn đề an ninh hàng hải. Việc này, theo nhận định của Tổng thống Obama, có một ý nghĩa quan trọng.
Các nước dự hội nghị đã thống nhất nguyên tắc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo đó, vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
TPP hướng đến điều tốt đẹp nên sẽ thành hiện thực
Trong cuộc họp báo quốc tế, Tổng thống Mỹ nêu rõ quan tâm của Mỹ đến quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết về tiêu chuẩn lao động trong hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.
Ông Obama nhấn mạnh việc chọn đến thăm Việt Nam lần này vì Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng, có tăng trưởng ấn tượng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (một khu vực phát triển năng động, đầy sức trẻ, đầy tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh). Mỹ mong muốn là một phần của khu vực này nên muốn thúc đẩy việc phê chuẩn, thực thi TPP.
Quốc hội Mỹ chưa chính thức thông qua TPP, theo Tổng thống Obama là vì bối cảnh đang diễn ra bầu cử Tổng thống tại Mỹ, vấn đề trở nên rất phức tạp và không chỉ TPP, bất kỳ hiệp định thương mại nào cũng phải “trải qua đau đớn và những lời chỉ trích”.
Nhiều người than phiền về hậu quả của các hiệp định thương mại nhưng theo nhận định của ông Obama, TPP là một điều tốt đẹp nên nó sẽ thành hiện thực.
“Nhưng chúng ta muốn điều kiện lao động tốt hơn cho người lao động, bảo vệ môi trường nên chúng ta có niềm tin để thúc đẩy TPP. Không có gì phải lo lắng về việc thúc đẩy hiệp định thương mại này. Đó là giá trị mà chúng ta có thể phản bác lập luận cho rằng TPP sẽ đem lại nhiều bất lợi. Tôi tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP” – Tổng thống Obama quả quyết.
Tán thành với quan điểm này, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nhấn mạnh, TPP là kết quả và nỗ lực của 12 quốc gia thành viên bên bờ Thái Bình Dương, không riêng gì quốc gia nào. Hiện Việt Nam đang chuẩn bị phê chuẩn hiệp định này và sẽ thực hiện các cam kết đã thống nhất trong hiệp định.
Nam Hằng - Phương Thảo