Thông tin quy hoạch đường, chỉ cần biết trước một ngày cũng giàu lên nhanh chóng
(Dân trí) - Những thông tin quy hoạch mở đường, chỉ cần biết trước một tuần, thậm chí một ngày, cũng giàu lên rất nhanh. “Họ không nói vì họ bảo đó là thông tin mật, thế nhưng nhiều người lại biết được. Vì vậy, phải nói rõ ra thông tin nào là mật hay không mật để tránh việc dùng việc này để trục lợi”, đại biểu Bùi Thị An đề nghị.
Chiều 24/3, tại hội trường Quốc hội thảo luận Luật Tiếp cận thông tin, các đại biểu tập trung cho ý kiến phân tích rõ những vấn đề liên quan đến thông tin bí mật mà công dân không được tiếp cận.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, nếu đưa các thông tin không được tiếp cận vào trong luật thì tạo thuận lợi cho công dân biết rõ những thông tin mình không được tiếp cận và thông tin được tiếp cận. Qua đó, công dân sẽ có ý thức, trách nhiệm bảo vệ thông tin, bởi đó là bí mật nhà nước.
“Tôi thấy khoản 2 của điều 6 của dự thảo luật giống như cái bẫy cản trở tiếp cận thông tin của công dân. Đây là cơ sở để các cơ quan, tổ chức lợi dụng quy định để tạo rào cản trong việc cung cấp thông tin cho công dân”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
Đại biểu Vinh chỉ ra rằng, đã là thông tin gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng - an ninh quốc gia thì đương nhiên công dân không được tiếp cận. Do vậy, theo ông Vinh văn bản quy phạm pháp luật phải cụ thể, rõ ràng, đặc biệt phải chỉ cho người dân biết họ phải đi như thế nào, theo hướng nào, chỗ nào là vùng cấm không được đi. Đặc biệt luật không nên quy định mập mờ để người dân không xác định được hướng phải đi. Nếu như vậy thì pháp luật trở thành cái bẫy đối với công dân.
Vì vậy, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị ban soạn thảo xem xét thấu đáo quy định tại điều 6 của dự thảo luật, theo hướng quy định cụ thể các thông tin công dân không được tiếp cận.
Ngoài ra, đại biểu TP Hải Phòng còn cho rằng, tiếp cận thông tin là quyền hiến định của công dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Do vậy, việc hạn chế tiếp cận thông tin phải dựa trên nguyên tắc rõ ràng, minh bạch. Điều này phải xuất phát từ lợi ích công, lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng. Không được căn cứ trên lợi ích của cơ quan đơn vị, tổ chức nhằm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Do đó, đại biểu Vinh đề nghị ban soạn thảo xem xét bỏ cụm từ “chấp hành nội quy của cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin” tại điểm a, khoản 2 điều 8. Bỏ quy định phải nêu lý do, mục đích, yêu cầu cung cấp thông tin tại khoản 2 điều 24 vì không phù hợp với tinh thần của điều 25 Hiến pháp 2013 và mâu thuẫn với điều 28 của dự thảo luật.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) cho rằng, thông tin là quyền lực, là tri thức, là sức mạnh. Vì vậy, việc công khai minh bạch thông tin là nhu cầu chính đáng, cấp thiết của mọi người dân.
Quyền tự do thông tin là cơ sở để thực hiện các quyền khác của con người, đặc biệt là quyền làm chủ của nhân dân mà Hiến pháp 2013 đã quy định. Tuy vậy, đại biểu Bùi Thị An khẳng định việc tiếp cận thông tin lại phụ thuộc rất nhiều vào cơ hội, điều kiện, năng lực của các nhóm đối tượng khác nhau.
“Tôi đề nghị luật phải quy định mọi người có quyền bình đẳng tiếp cận thông tin, đồng thời tất cả các cơ quan hưởng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân”, đại biểu An đề nghị.
Về những thông tin không được tiếp cận được thể hiện trong điều 6 của dự thảo luật, đại biểu Bùi Thị An đề nghị nếu được thì nên liệt kê tất cả danh mục thông tin bí mật ngay trong luật này để đề phòng những thông tin không thuộc danh mục mật nhưng cơ quan chức năng cũng không công bố.
Dẫn ví dụ thông tin về quy hoạch trước đây, bà An cho rằng những ai ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… đều biết rất rõ. Những thông tin quy hoạch mở đường, chỉ cần biết trước một tuần, thậm chí một ngày, cũng giàu lên rất nhanh.
“Thế nhưng lúc ấy họ không nói vì họ bảo đó là thông tin mật, thế nhưng nhiều người lại biết được. Vì vậy, phải nói rõ ra thông tin nào là mật hay không mật để tránh việc dùng việc này để trục lợi”, đại biểu Bùi Thị An đề nghị.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cung cấp thông tin không chỉ là quyền công dân mà còn là quyền con người. Vì thế, cung cấp thông tin có lợi cả 2 chiều, đó là người yêu cầu cung cấp thông tin và Nhà nước. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị sửa định nghĩa về thông tin cho rõ ý.
Đề cập tới những thông tin mật, không được tiếp cận, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa quy định như trong dự thảo thiếu chặt chẽ. “Nói là thông tin mật nhưng ít ra cũng có một bộ phận cán bộ được tiếp cận thông tin này, chả lẽ những người này không phải là công dân?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích và đề nghị sửa thành “thông tin bị hạn chế tiếp cận, nghĩa là không phổ biến rộng rãi”.
Quang Phong