Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì ở 3 tân Phó Thủ tướng?
(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội đánh giá cả 3 Phó Thủ tướng Chính phủ vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm đều đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau nên rất dày dạn kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên ) đánh giá, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm đều là những người dày dạn kinh nghiệm trên lĩnh vực được phụ trách.
“Khi Thủ tướng mới nhận nhiệm vụ với lời tuyên thệ tạo được sự tin tưởng kỳ vọng trong nhân dân như vậy thì các đại biểu Quốc hội cũng mong các Phó Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ thực sự quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương, thực sự gương mẫu và quyết tâm hành động vì lợi ích của nhân dân, quốc gia dân tộc. Cử tri và đại biểu mong Chính phủ mới, Thủ tướng mới, các thành viên Chính phủ mới phải là một Chính phủ hành động trên cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm những tồn tại hạn chế”- ông Học kỳ vọng.
Vị đại biểu đang là Trưởng Ban Nội chính tỉnh Phú Yên đánh giá, một trong những nhiệm vụ nóng bỏng, phức tạp mà người dân, đại biểu Quốc hội quan tâm nhất hiện nay chính là đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chính vì thế, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng việc Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - người từng trải qua các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử - phụ trách lĩnh vực này chắc chắn sẽ có những chỉ đạo thực sự quyết liệt, hiệu quả.
“Đảng và Chính phủ cũng đánh giá công tác phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu là ngăn chặn đẩy lùi. Có thể nói đây là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, mà cũng là tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ qua. Có một Phó Thủ tướng phụ trách nội chính, đã từng trải qua các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử thì sẽ có những chỉ đạo đạt mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí”- ông Học đặt niềm tin.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá, các Bộ trưởng mới được Quốc hội phê chuẩn sớm hơn so với dự kiến nhân sự cho khoá XIV có một động lực để nỗ lực, phấn đấu hơn nữa. “Các đồng chí được bổ nhiệm Bộ trưởng trong giai đoạn này cũng phải thấy đây có phần hy sinh của các đồng chí tiền nhiệm, vì lợi ích quốc gia”- bà Khánh nói.
Chung nhận định với ông Nguyễn Thái Học, bà Trần Thị Quốc Khánh nhận định, cả 3 Phó Thủ tướng mới được Quốc hội phê chuẩn “đều rất xứng đáng vì cả 3 đồng chí đều có một bề dày kinh nghiệm trong hoạt động điều hành của mình và có thể nói đã hoàn thành tốt phần việc được giao”.
“Ví dụ đồng chí Trịnh Đình Dũng, ai cũng thấy rõ đồng chí đã điều hành, giúp tháo gỡ nút thắt khó khăn của nền kinh tế trong thời điểm vừa qua là thị trường bất động sản. Làm được điều đó không hề dễ. Và nhìn vào những giải pháp điều hành đưa ra khi đó người ta thấy được là phải có một cái tâm khi tình hình khó khăn như thế nhưng đồng chí vẫn nghĩ đến đời sống của nhân dân và tìm hướng tháo gỡ từ chính việc lo toan cho đời sống của người dân. Điều này khác với các nhiệm kỳ trước -chính sách bất động sản dường như mới hướng đến việc làm sao thúc thị trường, hướng tới phục vụ người có tiền, các đại gia nhiều hơn là người dân lao động. Chương trình hỗ trợ người khó khăn tiếp cận cơ hội nhà ở của Bộ Xây dựng rất được ủng hộ. Một người lãnh đạo, đứng đầu của một ngành mà có tâm như thế, nghĩ đến người dân, đến số đông người trong xã hội như thế thì sớm muộn cũng sẽ thành công”- bà Khánh phân tích.
Nhắc lại các vị trí Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng đảm nhận như Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vị đại biểu Hà Nội khẳng định, trên cương vị Trưởng Ban Kinh tế, ông Huệ đã có điều kiện đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu để làm sao giải quyết được vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô. “Chúng tôi rất tin tưởng”- bà nói.
“Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng vậy, trước khi làm Chánh án TAND Tối cao, anh Bình cũng đã làm ở cơ quan Chính phủ, rất nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, kiểm sát, công an. Vậy nên đồng chí cũng thuận vai với yêu cầu nhiệm vụ ở cơ quan Chính phủ. Đồng chí không xa lạ gì nữa về mảng công tác nội chính. Đặc biệt bây giờ, đã kinh qua Chánh án TAND Tối cao, nhất là khi đã nhìn rõ những khó khăn bức xúc, những vấn đề trong việc chấp hành pháp luật thì đồng chí cũng sẽ có được sự đóng góp tốt nhất, tham mưu cho Thủ tướng để góp phần vào mảng gìn giữ trật tự an ninh, an toàn xã hội, chấp hành pháp luật”- bà Khánh đánh giá.
Bảo vệ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển
Trong khi đó, đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam rất kỳ vọng vào Chính phủ mới được Quốc hội phê chuẩn lần này.
“Tôi thấy có nhiều đồng chí trong Chính phủ mới gần gũi với người lao động và nhân dân, am hiểu về tình hình của đất nước. Tôi hy vọng Chính phủ mới trên cơ sở nguyện vọng, trên cơ sở thực tế, phấn đấu đưa đất nước của chúng ta phát triển trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, Chính phủ mới phải cương quyết hơn nữa trong việc đấu tranh chống tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng vốn là những ung nhọt trong xã hội”- ông Tùng gửi gắm.
Bên cạnh đó, ông Tùng mong mỏi, Chính phủ mới phải xây dựng nền kinh tế đất nước bền vững, tự chủ, không lệ thuộc vào nền kinh tế của bất kỳ nước lớn nào. “Điều này rất quan trọng. Đất nước ta ở kế bên Trung Quốc là một nước lớn. Những năm vừa qua, kinh tế của ta lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, nhập siêu ngày càng tăng, các công trình Trung Quốc trúng thầu ở ta thường bị kéo dài tiến độ, chất lượng không tốt. Điều này làm lụn bại, trì trệ nền kinh tế đất nước của chúng ta. Tôi cho rằng về đầu tư, chúng ta cần tập trung vào các công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới chứ không nên đầu tư vào công nghệ lạc hậu của Trung Quốc”- vị đại biểu kỳ vọng.
Đặc biệt, đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng Chính phủ phải làm sao bảo vệ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, đặc biệt ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
“Điều này đòi hỏi Chính phủ phải cương quyết, vững vàng, trên cơ sở ý nguyện của nhân dân. Tôi tin nhiệm kỳ này Chính phủ sẽ có những bước tiến, là một Chính phủ hành động, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân cả nước”- vị đại biểu tỉnh Đồng Nai nói.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) mong muốn Chính phủ mới sẽ có nhiều biện pháp để đẩy mạnh thực thi công vụ. “Như trong lĩnh vực xây dựng phải đặt vấn đề tại sao vi phạm nhiều và tại sao chính quyền địa phương không xử lý như vậy ?”- ông nói.
Bên cạnh mong muốn giải quyết dứt khoát câu chuyện thu chi ngân sách gây bức xúc bấy lâu, đại biểu Lịch cho rằng những vấn đề liên quan đến xã hội hóa y tế, giáo dục, giao thông cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. “Giao thông phải tiến tới chuyện người dân đóng tiền thì sẽ được đi đường tốt nhưng không trả tiền vẫn có đường đi chứ. Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng lấy giá nào cũng được nhưng Quốc lộ 5 phải trả lại cho dân đi, chả lẽ dân không đóng tiền thì không cho đi đường à?. Phải lập lộ trình để con đường này đến thời gian này thì người dân được đi tự do, nhất là các tỉnh lộ, quốc lộ, những con đường làm từ nguồn ngân sách”- ông ví dụ.
Thế Kha - P.Thảo