Tổng rà soát để loại bỏ 30% công chức “có cũng được…”

(Dân trí) - Một tin vui trong công cuộc cải cách hành chính được bắt đầu từ Quảng Ninh. Đó là chỉ trong năm 2014, toàn tỉnh đã giản được 1.097 biên chế, tức là giảm 300 tỉ đồng chi thường xuyên mỗi năm.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 (Minh họa: Ngọc Diệp)

Và càng vui hơn, việc tinh giản này không khiến công việc trì trệ mà ngược lại, như lời Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, còn “tạo thêm động lực và phục vụ nhân dân một cách hiệu quả hơn”.

Báo Người Lao động ngày 4/3 cho biết: “Đến hết năm 2014, toàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm được 2 chi cục, 39 phòng; giảm 8 đơn vị sự nghiệp và chuyển đổi 32 đơn vị sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác công - tư; giảm 2 trường, 96 điểm trường và 200 lớp học”.

Theo tinh thần Chỉ thị 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển và phục vụ nhân dân tốt hơn”, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản thực hiện việc bí thư kiêm chủ tịch UBND hoặc chủ tịch HĐND cấp xã; tiếp tục thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp huyện tại một số huyện có đủ điều kiện; thí điểm bầu chủ tịch UBND cấp xã theo hình thức phổ thông đầu phiếu; nhất thể hóa một số chức danh thủ trưởng cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc thực hiện ngay việc phân công phó các ban chuyên môn giúp việc cấp ủy là thủ trưởng cơ quan giúp việc của UBND…

Thực ra con số hơn 1000 người không phải là lớn so với khoảng 2,8 triệu công chức cả nước hiện nay. Thế nhưng nếu như 63 tỉnh thành đều giảm như Quảng Ninh thì cả nuớc sẽ giảm khoảng gần 70 ngàn người/năm. Và nếu với tốc độ này, trong 5 năm chúng ta sẽ giảm khoảng 350 ngàn người.

Đó là chưa kể nếu làm quyết liệt, con số sẽ tăng lên rất nhiều và khi đó, bộ máy sẽ trở nên gọn nhẹ, lương công chức cao hơn, trách nhiệm phục vụ sẽ tốt hơn.

Tất nhiên, để có được con số khởi đầu này không phải dễ bởi rất nhiều áp lực. Song, không vì áp lực mà không làm mà nói như một bài trên báo Lao động cũng về vấn đề này “Không thể né tránh mãi”: “Đã đến lúc chúng ta không thể cứ mãi “né tránh” - từ mà Phó Bí thư - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng đã nói trước QH khi bà đề nghị nhất thể hóa Đảng và chính quyền. Bởi, như bà Hoàng, việc nhất thể, sáp nhập này vừa đảm bảo tinh giản, vừa đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức Đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân”.

Bất cứ cái mới nào cũng gặp sự phản ứng từ cái cũ là qui luật tất yếu. Nhớ lại thời kỳ đầu Đổi mới, cũng đã có không ít ý kiến quan ngại, thậm chí phản đối. Thế nhưng sau gần 30 năm (1986 - 2015), thực tế đã chứng mình sự thành công của công cuộc này.

Gần đây nhất, tại buổi đối thoại với Văn phòng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (Tony Blair Associates) do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức, ông Tony Blair đã cũng khẳng định: “nếu không có chống đối là cải cách tồi, không la hét phản đối cũng phải xem lại và có thể đề xuất đó không phải là hay".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quanh Vinh cũng thẳng thắn: “Đúng là cải cách không có phản đối không phải cải cách, vì không đụng chạm ai. Phản đối, chưa đồng thuận để làm cải cách tốt hơn. Tất cả không phải ngại khi đưa ra quan điểm mới, cách làm mới. Vì phản đối là chúng ta đang đổi mới, còn cái gì đưa ra ai cũng gật thì chưa có gì đổi mới cả”.

Nhà báo Hữu Thọ có lần tâm sự đại để ông không biết thế nào là thành công nhưng nếu như ai cũng đồng tình thì là một bài báo thất bại.

Có ý kiến phản đối là tất yếu nhưng đổi mới càng là tất yếu hơn. Chúng ta không thể chấp nhận con số 30% công chức “có cũng được mà không cũng được”. Không thể để gần 850 ngàn “quả bom nổ chậm” không chỉ ăn hại mà còn tàn phá đất nước này.

“Đổi mới thể chế” như lời của Thủ tướng là con đường không thể khác.

Xin hãy coi Quảng Ninh là nơi mở đầu cho công cuộc “tổng rà soát” để loại 30% cônh chức “có cũng được mà không cũng được”!

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!