“Tối hậu thư” của Thủ tướng và mong muốn “nhỏ” gửi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
(Dân trí) - Chỉ còn không lâu nữa, nhiệm kỳ này sẽ kết thúc. Ngoài những việc to to, có mấy việc “nho nhỏ”, mong Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và UBND TP Hà Nội đừng để “dây dưa” sang nhiệm kỳ sau...
Trong nội dung làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP Hà Nội, một trong những yêu cầu được Thủ tướng nhấn mạnh, đó là tập trung giải quyết dứt điểm Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào khai thác vận hành trong năm 2020.
Chỉ đạo này được coi như “tối hậu thư” của Thủ tướng bởi trước đây, đã hơn một lần Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm dự án này để đưa vào sử dụng.
Có lẽ, đã có không biết bao nhiêu bài báo, văn bản của nhiều cấp, ngành, thậm chí cả cấp cao nhất là Quốc hội, Chính phủ đề cập đến dự án đầy tai tiếng này.
Nó được ví như “một con lươn chết” vắt ngang Thủ đô Hà Nội nhiều năm qua với đủ các kỉ lục buồn như: Đội vốn, trễ hẹn, tai nạn, gây ách tắc giao thông…
Nó để lại ấn tượng không mấy hay ho về việc vay vốn ODA, về nhà thầu Trung Quốc và xứng đáng là “biểu tượng làm gương” cho chúng ta cảnh giác trong vay vốn ODA, quan hệ làm ăn với nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Công bằng nhìn lại, đây là vụ việc tồn đọng từ nhiều đời bộ trưởng trước và có lẽ, vụ việc vượt qua “tầm” của Bộ GTVT và cả TP Hà Nội nên lần này, Thủ tướng đã yêu cầu báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
Có thể nói, “tối hậu thư” của Thủ tướng cũng chính là đòi hỏi của cử tri cả nước với công trình “nhem nhuốc” này.
Về cá nhân, có lẽ không chỉ tôi mà nhiều, rất nhiều cử tri cả nước mong muốn Bộ GTVT hoàn thiện hai việc trước năm 2021.
Thứ nhất, tất nhiên là Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Thứ hai, xử lý dứt điểm những tồn đọng của các dự án BOT để tiếp tục triển khai các dự án mới, đảm bảo ba lợi ích: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đề nghị Bộ GTVT ngay lập tức cho thời hạn cuối cùng về việc thu phí tự động như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng yêu cầu.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ được tổ chức chiều 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hoàn thành giai đoạn 2 việc thu phí bằng hình thức điện tử không dừng trên toàn quốc ngay trong năm 2020.
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc triển khai có thể nói không hề khó. Vì thế, hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, nếu không có gì “mờ ám”, sao triển khai khó làm vậy?
Không thể để những khuất tất làm ảnh hưởng đến một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa giao thông vận tải, về BOT.
Nhân tiện, xin kiến nghị TP Hà Nội về một dự án “nhỏ”, đã được triển khai từ 27 năm nay (1993-2020) ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Đó là Dự án đường Vành đai 2.5.
Không hiểu vì sao một đoạn đường ngắn, được coi như “huyết mạch” nhằm giải tỏa ách tắc cho đường Vành đai 2 và Vành đai 3 mà kéo dài gần 3 thập kỉ trải qua nhiều nhiệm kỳ Chủ tịch UBND TP?
Chỉ còn không lâu nữa, nhiệm kỳ này sẽ kết thúc. Ngoài những việc to to, có mấy việc “nho nhỏ”, mong Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và UBND TP Hà Nội đừng để “dây dưa” sang nhiệm kỳ sau, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám