Sự yếu kém của quản lý nhìn từ những vụ án tham nhũng
(Dân trí) - Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham nhũng ở Vinalines kết thức bằng 2 bản án tử hình. Dư luận đồng tình với một bản án nghiêm minh, có tính răn đe loại tội phạm này.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Nhưng xử lý tội phạm tham nhũng là một việc, điều quan trọng khác là phải thu hồi đồng tiền tham nhũng về cho ngân sách. Trong vụ án này, tòa còn tuyên các bị cáo bồi thường 336 tỉ đồng thiệt hại, nhưng liệu có thi hành án được không?
Không khó để phân tích vấn đề này. Dân gian nói “chết là hết”. Vậy thì, án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có nghĩa là chấm hết đối với họ. Bồi thường hay không cũng chết. Thi hành án tử hình thì sẽ không bao giờ thi hành án bồi thường thiệt hại được. Cho nên số tiền bồi thường 220 tỉ đồng thuộc trách nhiệm của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc coi như tiêu tan.
Không chỉ đối với vụ Vinalines, số tiền thiệt hại ở các đại án tham nhũng khác sẽ rất lớn, nhưng không thể thu hồi lại được vì nhiều lý do, trong đó có án tử hình.
Cho nên, chống tham nhũng như cách điều trị “ung thư giai đoạn cuối” bằng lao tù và tử hình luôn là hạ sách. Thượng sách chính là ở chỗ bịt các lỗ hổng không cho tham nhũng chui qua. Cơ chế có quá nhiều lỗ hổng thì không thể không xảy ra tham nhũng.
Qua xét xử các vụ án tham nhũng gần đây, cho thấy người ta lấy tiền nhà nước dễ dàng như lấy đồ trong túi. Chính cái cơ chế quản lý lỏng lẻo đó là “dịp tội” để cho con người phạm tội. Con người dễ bị tiền bạc cám dỗ, và tiền của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước bày ra trước mắt họ mà không có sự kiểm soát gắt gao, những kẻ tham lam không lấy mới là lạ.
Xử tử hình một con người vì họ có hành vi phạm tội tương xứng với mức án dĩ nhiên là đúng người, đúng tôi, đúng pháp luật. Nhưng bên cạnh sự thẳng ngay, mực thước của pháp luật, còn có một góc nhìn từ phía cơ chế, chính sách điều hành, quản lý các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Để cho tham nhũng xảy ra nhiều, nếu phát hiện và xử lý theo pháp luật, thì có không ít người tù tội, 20 – 30 năm tù, chung thân và tử hình. Cùng với những bản án đó là hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước không có khả năng thu hồi hoặc thu hồi được rất ít so với tổng số thiệt hại. Lỗi của cơ chế quản lý ở đây quá lớn, phải nhận ra lỗi mà sửa chữa. Nếu không, tham nhũng sẽ tiếp tục hoành hành và án tử hình còn chồng chất.
Hãy xem các nước văn minh, có nền hành chính công lành mạnh, có cơ chế điều hành quản lý khoa học, họ không có những án tham nhũng như Việt Nam.
Để tham nhũng xảy ra nhiều và phải dùng tới nhiều án chung thân, án tử hình để diệt trừ tham nhũng chính là sự yếu kém của quản lý.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!