Mùa vu lan và một sự bất an
Tôi có cảm giác khi những thiết bị ánh sáng được phát minh nhiều hơn và tràn ngập khắp nơi chốn chúng ta đang trú ngụ, thì tôi lại thấy một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng đang lùi dần về phía bóng tối trong tư duy của họ. Tôi nhận ra điều này trong những ngày tháng 7 mùa lễ Vu Lan. Đi dọc một dãy phố bán hàng mã ở khu phố cổ Hà Nội, ngồi trong một quán cà phê, uống trà vặt ở công sở… tôi thấy không khí của sự hoang mang, nỗi lo sợ vô lý tràn ngập khi mùa Vu Lan bắt đầu.
Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Vu Lan có lẽ hầu hết ai cũng biết. Đó là lễ báo hiếu những người sinh thành ra mình. Với những người mà cha mẹ đã khuất núi thì đó là những ngày của cảm xúc đẹp đẽ, của sự thiêng liêng trong mối gắn kết giữa người sống và người đã khuất. Với nhiều người dân, nhất là ở phía Bắc, rằm tháng Bảy còn là ngày "xá tội vong nhân". Nhưng theo thời gian, những ngày lễ ý nghĩa này dần dần biến tướng. Và những ngày tháng Bảy âm lịch đã trở thành những ngày kiêng kị đến quái dị. Người ta không muốn làm một điều gì trong những ngày này bởi ý nghĩ rằng: Mọi công việc sẽ gặp bất trắc và đôi khi nguy hiểm tới cả tính mệnh. Họ sắm nhiều lễ vật, vàng mã và hương khói khấn vái mọi nơi. Người ta tìm cách trốn tránh mọi điều để khỏi thất bại hay liên lụy đến mình. Họ cảm thấy các vong hồn đi lại tấp nập và mang theo những đe dọa khủng khiếp. Nỗi sợ hãi khiến cuộc sống bị đình trệ.
Trong những ngày này, các ngôi chùa mù mịt khói hương quẩn vào những gương mặt âu lo, thảng thốt. Sự bình yên và trang nghiêm trong những ngôi chùa ấy đã không còn. Ở đó vang lên những lời cầu xin ích kỷ và sợ hãi. Tất cả những gì đang diễn ra trong mùa Vu Lan đã vang lên lời cảnh báo về đời sống của con người hiện nay. Sự hiếu thảo của con người đã bị xói lở. Mối quan hệ vô cùng đặc biệt giữa cha mẹ và con cái đã được cảnh báo trong những năm tháng này. Có biết bao những người mẹ, người cha khi còn sống đã bị con cái bỏ quên trong chính ngôi nhà của họ. Nhiều đứa trẻ đang mỗi ngày một trở nên xa lạ với chính những đấng sinh thành. Chúng chìm ngập vào một thế giới khác. Chúng chỉ biết đòi hỏi sự phục vụ của cha mẹ để thỏa mãn sự hưởng thụ ích kỷ cá nhân. Lòng chúng không hề vang lên tiếng gọi của tình yêu thương dành cho cha mẹ mình. Nhưng rồi đến một ngày những đứa trẻ lớn lên và khi cha mẹ đã rời xa thì chúng lại tiếp tục đòi hỏi cha mẹ mình ở một phía khác và từ một thế giới khác thông qua những lễ vật, những vàng mã và hương khói. Phải chăng sự ích kỷ của con người lan tràn như bệnh dịch.
Khi tôi còn nhỏ, vào ngày Rằm tháng Bảy, mẹ tôi sắp lễ để cúng tổ tiên ông bà mà không hề có bất cứ một mảnh vàng mã nào. Mẹ cũng nấu một niêu cháo nhỏ rồi đổ vào một chiếc mâm gỗ có lót lá chuối. Mẹ nói để cho những người chết đói hồi năm 1945 về ăn. Và những ngày đó, mẹ tôi thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xúc động về bà nội, bà ngoại và những người trong gia đình đã khuất. Và chỉ sau một nửa thế kỷ từ đó đến nay, từ một lễ Vu Lan tưởng nhớ những bậc sinh thành và những người thương yêu trong gia đình đã khuất trở thành lễ phục vụ cho những người đang sống. Họ thực hiện đủ các lễ cúng bái để bản thân họ được hưởng lợi nhiều nhất kể cả sự hưởng lợi trong tâm lý. Đấy thực sự là sự đổ vỡ văn hóa trong đời sống, sự đổ vỡ đức hạnh của con người. Con người chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân họ mà rời xa những vẻ đẹp truyền thống.
Một nghịch cảnh luôn hiện ra trước mắt chúng ta là có những đứa con sống vô cảm với cha mẹ mình, và có người còn coi cha mẹ như một gánh nặng. Nhưng khi cha mẹ mất, họ sắm đủ thứ như siêu xe, điện thoại thông minh, hàng tập đô la, hàng chồng vàng bạc để "dâng'' lên cha mẹ. Thực ra họ đang làm những điều ấy cho chính bản thân họ mà thôi. Tôi luôn mang cảm giác là mình nhìn thấy đôi mắt buồn bã của những người cha, người mẹ ấy từ trên cao nhìn những đứa con bất hiếu của họ.
Chúng ta tôn trọng những hoạt động tín ngưỡng. Nhưng từ những hoạt động tín ngưỡng ấy cho chúng ta nhìn thấy một phần quan trọng đời sống văn hóa của con người đang ở đâu. Và trong những ngày tháng Bảy này, một cảm giác bất an thực sự đang đe dọa đời sống tinh thần của chúng ta. Nhưng sự bất an đó lại đến từ chính sự hiểu biết và hành động của những người đang sống chứ không phải từ một thế giới khác.
Tác giả: Viết văn từ năm 1983, ông Nguyễn Quang Thiều hiện là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản 11 tập thơ, 17 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!