“Kiềng canh nóng, thổi rau nguội” nhưng cũng không thái quá

Bích Diệp

(Dân trí) - “Quan điểm của lãnh đạo Chính phủ là khoanh vùng, đám lửa lớn thì khoanh vùng rộng, đám lửa nhỏ thì khoanh diện hẹp để dập dịch”.

“Kiềng canh nóng, thổi rau nguội” nhưng cũng không thái quá - 1

Đây là một thông điệp rất đáng chú ý và rất quan trọng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt tại phiên họp báo Chính phủ vừa diễn ra cuối chiều ngày 3/8 vừa qua.

Trước đó, kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 chiều 2/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu yêu cầu “phải đảm bảo sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy nền kinh tế, không thái quá, không ngăn sông cấm chợ”.

Thủ tướng nói với các lãnh đạo địa phương cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. “Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội” - Thủ tướng nêu rõ như vậy.

Theo đó, cho đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định rằng, việc giãn cách toàn xã hội trên phạm vi cả nước sẽ chưa xảy ra (xin nhấn mạnh là “chưa” xảy ra).

Người viết đánh giá, đây là bước đi rất thận trọng, hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hiện tại.

Không thể phủ nhận sự thành công của Việt Nam chúng ta khi đã khống chế được dịch Covid-19 ở giai đoạn 1. Khoảng thời gian 99 ngày khống chế không có dịch trong cộng đồng và không có thiệt hại về người, đó là một thành quả rất lớn.

Giữa lúc nhiều quốc gia trên thế giới đối mặt với tăng trưởng âm thì trong quý 2 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội song tăng trưởng GDP vẫn đạt 0,36%. Dù vậy, vẫn phải nhìn vào thực tế, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý 2 trong lịch sử thống kê!

Tốc độ tăng GDP thấp ở đây không đơn thuần chỉ là con số mang tính chất để báo cáo.

Từ con số 0,36% đó mới thấy mức độ khó khăn của doanh nghiệp, của người dân. Đó là chưa đề cập đến những khu vực ngoài vùng thống kê, những người lao động trong khu vực phi chính thức (kinh doanh vỉa hè, xe ôm, phụ hồ… lao động mùa vụ) - mà đây lại là những người bị thiệt thòi nhất khi hoạt động kinh tế bị “đóng băng”.

Dẫu rằng Nhà nước đang có những gói hỗ trợ rất thiết thực, nhưng nói đến cùng thì vẫn chỉ mang tính động viên là chính. Mấu chốt vẫn phải đảm bảo được công việc cho người lao động, điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.

Từ thực tiễn diễn ra qua đợt dịch đầu tiên và sự trở lại của Covid-19 lần này, chúng ta cũng nhận ra, việc giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tình thế để kéo dài thời gian chờ vắc xin và tránh được những cú sốc về y tế. Virus SARS-CoV-2 vẫn còn đó, luôn rình rập, đòi hỏi chúng ta có những ứng xử, đối phó thông minh hơn.

Bài học của Singapore trong xử lý dịch bệnh giai đoạn trước đã được đề cập đến. Cụ thể, khi dịch Covid-19 bùng phát ở khu vực ký túc xá với 380.000 công nhân, nước này đã nhanh chóng phong tỏa cả nước.

Quyết định này trả giá bằng thiệt hại kinh tế rất lớn trong khi thực tế, dịch chỉ co cụm ở khu ký túc xá công nhân nói trên. Từ đó, các chuyên gia đã phân tích, đúc kết: dịch có thể được giải quyết, khống chế với khu vực khoanh vùng phù hợp, không cần thực hiện với toàn quốc, gây hậu quả nặng nề.

Cho nên, chúng ta không nên coi mục tiêu phát triển kinh tế và chống dịch là hai nhiệm vụ tách rời và mâu thuẫn.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, không được chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát,… song cũng không được để kinh tế bị đứt gãy.

Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng cũng không phải bất khả thi. Và đó cũng không thể chỉ là công việc của Chính phủ, của chính quyền cơ sở hay của một cơ quan cụ thể nào, mà phải là trách nhiệm toàn xã hội.

Mỗi người dân khi giữ an toàn cho mình cũng là giữ cho xã hội, và có như vậy mới đảm bảo được công việc, đảm bảo được “cơm ăn, áo mặc” cho chính bản thân và gia đình!