Tâm điểm
Nguyễn Dương

Khi hàng chục triệu dữ liệu cá nhân là món hàng trên mạng

Theo thông tin từ Bộ Công an, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.

Hơn 2/3 dân số nghĩa là trên 60 triệu người dân. Con số này nói lên tầm mức quan trọng của vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, hay nói cách khác là bảo đảm an toàn cho hàng chục triệu người dùng internet mỗi ngày. Tuy nhiên, trong thực tế từ nhiều năm nay tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô (danh sách cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị…) và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý (thông tin chi tiết về cá nhân, doanh nghiệp với các thông tin như họ tên, ngày sinh, số điện thoại, số tài khoản, thậm chí cả số dư…).

"Chợ đen" mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng đã không còn là vấn đề xa lạ. Chỉ cần vào thanh công cụ tìm kiếm và gõ từ khóa "danh sách khách hàng", trong vòng 0,45 giây đã cho ra 699.000 kết quả với hàng loạt trang web cung cấp dữ liệu của các cá nhân, tổ chức khác nhau. Phần lớn các trang web này đều cung cấp 2 loại dịch vụ miễn phí và trả phí, phân loại theo từng nhóm dữ liệu khác nhau. Việc mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội cũng diễn ra tràn lan với nhiều hội nhóm khác nhau. Người viết thử vào mục tìm kiếm của Facebook và gõ cụm từ "Data (dữ liệu) khách hàng tiềm năng", lập tức hiện ra đường dẫn tới một loạt Fanpage đáp ứng yêu cầu, với đủ loại data liên quan đến bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng…, data khách đánh golf, tenis…

Khi hàng chục triệu dữ liệu cá nhân là món hàng trên mạng - 1

Hồi tháng 5/2021, nhiều tờ báo đăng tải thông tin về việc 17 GB dữ liệu chứa ảnh chụp chứng minh nhân dân của hàng nghìn người Việt Nam bị rao bán với giá 9.000 USD trên diễn đàn hacker. (Ảnh chụp màn hình).

Hệ lụy của tình trạng nêu trên là việc chúng ta thường xuyên bị "tra tấn" bởi tin nhắn rác, gọi điện bán hàng (telesales). Cá nhân tôi trung bình mỗi ngày nhận được ít nhất từ một đến hai cuộc điện thoại kiểu này.

Đáng lo ngại hơn, theo các chuyên gia công nghệ, với dữ liệu cá nhân của người dùng, kẻ gian có thể sử dụng vào mục đích xấu như spam quảng cáo, tống tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Đơn cử hôm 3/8, Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội), cho hay tiếp nhận đơn trình báo của chị H. (41 tuổi) về việc, chị này có nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TPHCM. Đối tượng thông báo chị H. liên quan đến một vụ án và yêu cầu chị tải phần mềm, đăng nhập tài khoản để chứng minh mình không liên quan. Sau đó, chị này phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 1,4 tỷ đồng…

Trong những năm gần đây, lực lượng chức năng các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn. Hiện cơ quan công an đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân được cho là có nguồn gốc từ lĩnh vực giáo dục và y tế. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 10/8, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tình hình lộ lọt thông tin cá nhân vẫn "rất đáng báo động". Lãnh đạo Bộ Công an chỉ ra hai trong số các nguyên nhân quan trọng nhất, đó là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao.

Đối với vấn đề thứ nhất, giải pháp đã được đưa ra là tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý về bảo vệ thông tin cá nhân. Trước mắt, việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ góp phần phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay. Về lâu dài, Việt Nam cần có Luật Bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân. Đây là đạo luật nhiều nước trên thế giới đang áp dụng

Thiết nghĩ, các văn bản pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần đưa ra những quy định chặt chẽ về việc thu thập dữ liệu của người dùng, khách hàng, nhất là quá trình chuyển giao các dữ liệu này cho bên thứ ba; nêu rõ quyền, nghĩa vụ của chủ thể thông tin cá nhân cũng như các chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm…

Vấn đề thứ hai, trong thực tế, đúng là nhiều người dân chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt, bị sử dụng trái phép. Theo một nghiên cứu do Indochina Research (tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế chuyên về khu vực Đông Dương) công bố, thì chỉ có 30% người trưởng thành ở đô thị Việt Nam cảm thấy lấn cấn khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng. Trong khi tỷ lệ trung bình toàn thế giới là 70%, và riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 75%.

Từ thực tế này, rõ ràng để tránh trở thành nạn nhân của tình trạng nêu trên, mỗi người trong chúng ta cần nâng cao nhận thức an toàn thông tin, hạn chế và cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ các dữ liệu như số điện thoại, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, tài khoản ngân hàng, hình ảnh bản thân và gia đình…; không nên nhận chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết. Luôn ghi nhớ rằng kẻ gian hay hacker luôn rình rập, tìm cách đánh cắp thông tin của bạn để làm giàu cho cơ sở dữ liệu của họ, rồi trao đổi mua bán những thông tin này hoặc sử dụng vào các mục đích xấu khác mà chúng ta không thể lường trước.

Người dùng cũng cần thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Dữ liệu cá nhân là một trong những tài nguyên quý giá nhất trong thời đại công nghệ, trong nền kinh tế số, hãy chú ý bảo vệ tài nguyên của chính mình.

Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!