Bộ trưởng Công an: Điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Bộ Công an đẩy mạnh điều tra những hành vi rao bán dữ liệu thông tin cá nhân, điển hình là vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân được cho là lộ lọt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành y tế.

Lộ thông tin cá nhân là tình hình rất phức tạp

Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) và đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Cụ thể: Hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội nhóm trên mạng xã hội và không khó để tham gia vào các hội nhóm này, các đối tượng vi phạm chưa bị xử lý triệt để. Các đại biểu đề nghị Bộ Công an cho biết giải pháp trong thời gian tới để người dân yên tâm về thông tin cá nhân của mình không bị trôi nổi trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Công an: Điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân - 1

Bộ trưởng Công an trả lời về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân (Ảnh: Quốc Chính).

Trả lời chất vấn về việc này, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận việc lộ lọt thông tin cá nhân trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng là tình hình rất đáng báo động. Trong khi hành lang pháp lý về vấn đề này chưa hoàn thiện thì ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao là nguyên nhân lộ lọt dữ liệu cá nhân.

Giải pháp đưa ra để hạn chế tình trạng này là phải xây dựng hệ thống pháp lý về bảo vệ thông tin cá nhân, Nghị định Bộ Công an xây dựng đã được trình Chính phủ và có thể trong ít ngày tới Nghị định sẽ được ban hành, đây là căn cứ pháp lý để tiến hành các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân. Năm 2024, Bộ Công an sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội Luật Bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân. Trên thế giới nhiều nước cũng đang áp dụng. Cùng đó, cần tuyên truyền để người dân cảnh giác việc lộ lọt thông tin cá nhân khi tham gia trên không gian mạng.

Bộ Công an đẩy mạnh điều tra những hành vi làm lộ lọt, rao bán dữ liệu thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật, điển hình là Bộ Công an đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân được cho là có nguồn gốc lấy từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dữ liệu ở một số ngành khác như y tế…

Về tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đang diễn ra ngang nhiên, nhiều loại giấy tờ làm giả được rao bán từ 2-6 triệu đồng, rao bán công khai trên mạng.

Bộ Công an đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn, thu giữ hàng nghìn con dấu, phôi bằng cấp, công cụ máy móc.

Qua đấu tranh, đối tượng cũng khai nhận có thể tự thực hiện hầu hết các công đoạn từ làm giả phôi, con dấu, tự đóng dấu, ký; các đối tượng cũng sẵn sàng nhận làm giả hầu hết các bằng cấp, kể cả của các trường đại học ngành y, dược và nhiều giấy tờ quan trọng khác.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an sẽ tăng cường tuyên truyền các cơ quan chức năng về thủ đoạn của nhóm đối tượng này, tham mưu, hỗ trợ rà soát, phát hiện các trường hợp sử dụng văn bằng, giấy tờ giả để xử lý nghiêm; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý các đường dây sản xuất giấy tờ giả.

Chất vấn Bộ trưởng Công an nhiều vấn đề "nóng"

Từ 8h sáng nay (10/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an như hộ chiếu mẫu mới, an ninh mạng, tội phạm tín dụng đen…

Đây là nội dung quan trọng liên quan tới công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên chất vấn diễn ra tại Phòng Diên Hồng - Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là lần thứ hai Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 15 tổ chức hoạt động chất vấn sau phiên chất vấn lần đầu được tổ chức vào tháng 4.

Bộ trưởng Công an: Điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân - 2

Phiên chất vấn diễn ra tại Phòng Diên Hồng - Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để lựa chọn đúng và trúng các lĩnh vực, vấn đề chất vấn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất chất vấn của 58 đoàn đại biểu Quốc hội, các phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát chủ đề chất vấn để đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao. Mỗi câu hỏi không quá một phút, thời gian mỗi lần tranh luận với Bộ trưởng không quá 2 phút và không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không né tránh, đúng trọng tâm, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, vấn đề, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện giám sát.

Trong sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.

Bộ trưởng Công an: Điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân - 3

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh: Quốc Chính).

Bộ trưởng Công an Tô Lâm đăng đàn trả lời nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, gồm: Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, "tín dụng đen", cho vay nặng lãi.

Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trước khi đại biểu tiến hành chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Bộ Công an. Điều này sự thể hiện sự quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu và cử tri cả nước về lực lượng Công an Nhân dân, góp phần giúp công an nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 12 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu như trong tình hình mới. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, định hướng xây dựng lực lượng Công an Nhân dân mà các cấp ủy Đảng có trách nhiệm tổ chức thực hiện, trong đó có vai trò quan trọng của Đảng đoàn Quốc hội đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đảm bảo cơ sở pháp lý cho tổ chức hoạt động, cơ chế bảo vệ lực lượng công an nhân dân, xây dựng lực lượng theo lộ trình đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, hoạt động chất vấn hôm nay là một trong những nội dung giám sát quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị. Bộ Công an trân trọng lắng nghe và giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu tại phiên chất vấn.