Khi căn nhà… gãy trụ
Theo báo cáo về tình hình tai nạn lao động năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), số vụ tai nạn năm vừa qua giảm hơn 1.800 vụ so với năm 2020, còn 6.504. Số người gặp tình trạng bị thương nặng do tai nạn lao động gần 1.500, giảm hơn 400 người so với năm trước.
Con số tuyệt đối tuy ghi nhận giảm đáng kể nhưng vẫn ở mức cao. Bên cạnh thiệt hại về người, các vụ tai nạn lao động trong năm 2021 còn gây thiệt hại về kinh tế lên tới 4.000 tỷ đồng, cao hơn mức thu ngân sách của một tỉnh như Hà Giang (2.700 tỷ đồng).
Đây chỉ là thiệt hại tính toán được dựa trên thống kê ở khu vực có quan hệ lao động (tức có ký hợp đồng). Còn số vụ tai nạn xảy ra tại khu vực không có quan hệ lao động thì hoàn toàn không có số liệu thống kê. Với các trường hợp này, do không có hợp đồng, người lao động không được hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, không được bảo vệ một cách đầy đủ. Trong khi đó, mỗi vụ tai nạn xảy ra là một tấn bi kịch không chỉ với một cá nhân mà với cả gia đình họ. Đằng sau đó có thể là những đứa trẻ mất cơ hội đến trường, những phận người lún sâu hơn vào nghèo khó.
Tai nạn lao động thường xảy ra trong quá trình thực hiện những công việc phổ thông nặng nhọc, thuần chân tay. Lực lượng tham gia mảng này phần lớn là trụ cột của những gia đình thu nhập thấp, do đó, khi họ gặp tai nạn bị thương nặng hoặc tử vong thì gia đình của họ không khác gì một căn nhà bị gãy trụ.
Cách đây vài năm, tôi từng tìm hiểu về hoàn cảnh một gia đình nghèo ở Nghệ An. Anh Tôn Tích Chiến (sinh năm 1995), lúc đó đang là lao động chính gồng gánh gia đình gồm bố mẹ ốm yếu, bệnh tật và các em còn chưa trưởng thành. Trong lúc nhận hàn xì, bắn mái tôn cho một xưởng cơ khí thì anh bị tai nạn lao động, rơi từ nóc nhà xuống với độ cao khoảng 20m. Anh bị chấn thương rất nặng, tràn dịch màng phổi, dập gan và thận, gãy 6 đốt sống lưng cùng 3 xương sườn, hai tay cũng bị gãy, hai chân chết lâm sàng. Oái oăm thay, tai nạn xảy ra khi Chiến mới chỉ đi làm một tuần và chưa hoàn tất xong hợp đồng lao động, không có bảo hiểm.
Hoàn cảnh của Chiến sau đó đã được bạn đọc Dân trí giúp đỡ, gia đình có khoản hỗ trợ kịp thời để trả nợ, lo tiền thuốc men và mua cho Chiến một chiếc xe lăn phục vụ đi lại. Vậy nhưng cánh cửa tương lai của chàng trai trẻ đã gần như đóng lại, đó là một sự thật. Có gì xót xa hơn khi đang giữa độ tuổi sung sức nhất để làm việc và cống hiến, chớp mắt đã trở thành một người thương tật, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Còn bao nhiêu hoàn cảnh tương tự như Tôn Tích Chiến? Rất nhiều gia đình bị "gãy" đi trụ cột, trở nên xiêu vẹo và chênh vênh trước giông bão cuộc đời. Dù vòng tay nhân ái của cộng đồng luôn rộng mở nhưng cũng không thể nào giúp đỡ hết thảy các trường hợp đó, và nếu có cũng chỉ trong một thời điểm nhất định.
Tai nạn lao động không phải là "may nhờ rủi chịu". Chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu và tránh được các sự cố nếu như công trường lao động đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn, có phương án hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro. Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, nguyên nhân của 40,69% số vụ tai nạn xuất phát từ người sử dụng lao động so với 9,73% số vụ do người lao động. Như vậy, vai trò, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong vấn đề này rất lớn.
Đành rằng, mục tiêu doanh thu, lợi nhuận là chính đáng, song xin đừng đặt người lao động vào thế phải lựa chọn "bán mạng" để kiếm tiền, buộc họ phải đánh cược sinh mạng chỉ vì doanh nghiệp muốn giảm chi phí cho công tác bảo đảm an toàn.
Năm 2021, ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, các địa phương đã báo cáo có 22 vụ đề nghị khởi tố, 10 vụ đã có quyết định khởi tố. Việc xử lý nghiêm doanh nghiệp sử dụng lao động chui, không bảo đảm an toàn, không trang bị đủ thiết bị bảo hộ đúng chuẩn… sẽ hạn chế được các bi kịch xảy ra, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, cho cá nhân người lao động và cho ngân sách Nhà nước.