Ứng xử trước biến động thị trường chứng khoán
Nếu tính từ đỉnh 1.536 điểm thì VN-Index đã mất 300 điểm khi vào phiên sáng ngày 10/5 có lúc đã chạm mốc 1.232. Sự điều chỉnh này tương đương giảm khoảng 20%, đây là một mức giảm lớn, đặc biệt chỉ diễn ra trong vòng một tháng. Điều gì đang diễn ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam? Liệu chúng ta đã chính thức bước vào thị trường giá giảm - thị trường "con gấu", hay chưa? Trong hoàn cảnh này nhà đầu tư nên hành xử theo hướng nào?
Nhìn lại trong hơn một tháng qua, tôi thấy có 4 diễn biến thị trường đáng chú ý. Đầu tiên là việc các cơ quan quản lý nhà nước xử lý một số cá nhân, như vụ việc bắt ông Trịnh Văn Quyết (FLC), ông Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh), ông Đỗ Thành Nhân (Louis)… Đây là những động thái làm trong sạch, minh bạch hơn, nhưng trong ngắn hạn cũng làm ảnh hưởng tâm lý đám đông. Dù sao, theo tôi, kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh quan trọng, được Nhà nước ủng hộ phát triển. Cho nên các cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp để ổn định tâm lý, không làm rúng động và đổ vỡ thị trường.
Vấn đề thứ hai là thanh khoản thị trường đi xuống. Một phần không nhỏ tiền trên thị trường có nguồn gốc từ trái phiếu doanh nghiệp chảy qua. Khi Chính phủ siết chặt kênh này, đương nhiên dòng tiền này sẽ phải rút về. Bên cạnh đó, một số đội nhóm tạo lập thị trường cũng không dám hành động như trước đây. Tâm lý nhà đầu tư cá nhân thường trông chờ vào dòng tiền và thanh khoản để đi theo. Cho nên một khi thanh khoản giảm mạnh, họ càng sợ và không dám giao dịch mạnh tay. Dự báo trong vòng vài tháng tới, thanh khoản khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt tầm 15.000 đến 18.000 tỷ đồng/phiên (trước đây có những phiên giao dịch quy mô 40.000 đến 50.000 tỷ đồng).
Vấn đề thứ ba, FED tăng lãi suất và bóng ma lạm phát toàn cầu. Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những hệ lụy không chỉ về sức khỏe con người, mà còn gây ra hậu quả lạm phát do cung tiền quá đà. Chiến tranh Nga - Ukraine cũng làm gia tăng sự thiếu hụt nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Để chống lại lạm phát, FED đã phải đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất cũng như rút các gói hỗ trợ về.
Vấn đề thứ tư, có thể thị trường đang trải qua đợt điều chỉnh đầu tiên sau hai năm. Kể từ năm 2020 đến nay, trải qua 2 năm hành trình biến động giá xu hướng đi lên (uptrend), thị trường chưa hề có một đợt điều chỉnh nghiêm túc và có thời gian đủ dài. Dù một tháng là thời gian hơi ngắn, nhưng cũng là đợt đầu tiên chứng kiến sự giảm giá liên tục với độ dốc lên đến 20% như hiện tại. Bất kỳ một cơn sóng tăng giá nào đều có những đợt điều chỉnh trong phạm vi như thế này. Cho nên nếu sự điều chỉnh không có dấu hiệu lớn hơn 20%, thị trường vẫn chưa phải bước vào trạng thái xuống dốc.
Với 4 vấn đề nêu trên, chúng ta có thể thấy sự điều chỉnh lần này dù có làm nhiều mã cổ phiếu mất đến 30%-40% trong vòng một tháng, nhưng về cơ bản không phải là quá vô lý. Điều quan trọng là chúng ta đã hành xử như thế nào trong việc quản trị rủi ro danh mục, tiếp theo nên làm như thế nào? Theo tôi, đối với các nhà đầu tư đã kịp thoát ra khỏi trạng thái nắm giữ cổ phiếu, nếu đang nắm giữ tiền mặt lớn, cần thật kiên nhẫn quan sát. Đừng vội vàng tham gia trở lại dù đã bán cổ phiếu cao hơn vùng giá hiện nay 40%. Vấn đề ở đây là chúng ta cần tỉnh táo định giá lại, xem mất 40% như thế đã đủ rẻ hay chưa, liệu có khả năng giảm thêm nữa hay không. Nếu xác định mua tích lũy tài sản thì nên mua thật nhỏ, thật chậm (toàn bộ bằng tiền mặt). Vùng bắt đầu tham gia là vùng giá khó có thể thấp hơn, hay còn gọi là "vùng tạo nền cứng" của cổ phiếu. Còn nếu nhà đầu tư xác định tham gia theo sóng thì nên bình tĩnh chờ đợi, chấp nhận mua cao hơn đáy 10% nhưng xu hướng lại rõ ràng hơn.
Đối với các nhà đầu tư nắm giữ nhiều cổ phiếu, nhưng đã cắt hết margin (không sử dụng đòn bẩy tài chính, không vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư), cũng không nên mua bình quân giá. Hãy quan sát nhiều hơn, có thể không cần bán nếu đang giữ cổ phiếu cơ bản tốt. Chờ đợi thị trường ổn định trở lại, lúc đó có thể cơ cấu danh mục sang những mã mạnh hơn, hoặc mua thêm để làm giảm giá vốn.
Đối với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao, đang nắm giữ nhiều hàng thị trường, cần canh những nhịp hồi lên để bán ra và dần cắt margin. Từ đó, nhà đầu tư nên cơ cấu sang danh mục hàng có nội tại và giá trị cốt lõi, đang có định giá hấp dẫn.
Bão tố là điều không ai mong muốn, nhưng khi xảy đến chúng ta nên chấp nhận như là một phần của cuộc chơi. Để ứng phó nên thật bình tĩnh, tỉnh táo, không cay cú, nôn nóng gỡ gạc. Giao dịch thật chậm, quan sát thật nhiều, kiên nhẫn chờ đợi thị trường thực sự đã xác nhận tín hiệu chấm dứt điều chỉnh. Sau này nhìn lại, có thể chúng ta nhận ra đợt điều chỉnh như hiện nay chỉ là một cơn bão bất ngờ, không thể làm xoay chuyển cục diện trên con đường phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tác giả: Ông Nguyễn Hồng Điệp hiện là Tổng giám đốc (CEO) tại Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk, đơn vị vận hành stockvn. Ông là người gắn bó với thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu thành lập với 22 kinh nghiệm, công tác tại nhiều vị trí như Giám đốc khối Môi giới, Giám đốc chi nhánh, Thành viên Ban Tổng giám đốc tại các tổ chức như Công ty Chứng khoán VNDirect, Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS).