Có một chính quyền ”không nghe lãnh đạo”, “chả cần hỏi dân”?!
(Dân trí) - Đó là chính quyền quận Ba Đình đối với vụ xây cống thoát nước tại nhà 146 Quan Thánh ở Thủ đô Hà Nội.
Chuyện đại loại thế này.
Có hơn một chục gia đình từ hàng chục năm nay sống yên bình và đoàn kết trong một khu biệt thự cổ từ thời Pháp. Nhà đẹp (tất nhiên rồi), cây xanh, không khí trong lành, đường cống rãnh thông thoáng như mặt sân golf, mặc mưa to gió lớn chả bao giờ ngập hết gót giày.
Bỗng một ngày xấu trời, nước thải, nước mưa tắc nghẽn, cả khu nhà chìm ngập trong hôi thối suốt mấy năm trời bất kể nắng mưa. Nguyên nhân được người dân cho là do đường cống thoát nước thải nhiều thập kỷ từ bao giờ đã nằm dưới nền nhà số 5 (đã được UBND quận Ba Đình cấp sổ đỏ đè lên cả đường cống) bị kẻ nào đó bịt lại.
Tất nhiên, những người dân lương thiện ở đây không thể chấp nhận được sự tai quái đó và họ đã hành xử đúng pháp luật: Làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng.
Và phải mất mấy năm trời, bộ máy công chức cồng kềnh và ì ạch ở đây (chả biết trong đó có bao nhiêu % là “sáng cắp ô đi…”) đã nhúc nhích chuyển động. Một thời gian khá dài sau, họ đưa ra kết luận đúng là tắc cống dẫn nước dưới ngôi nhà số 5 bởi đẩy bê tông và giẻ rách.
Nếu theo đúng qui định của luật pháp, kể cả qui định bất thành văn của đời sống xã hội, ai làm hỏng thì sửa đền, cống tắc thì phải thông trả lại đúng nguyên trạng.
Thế nhưng chả hiểu sao, UBND Quận Ba Đình lại có một kế sách “tuyệt vời”, chẳng giống ai, đó bỏ ra gần 500 triệu đồng bằng tiền ngân sách để xây một cái cống mới, lòng vòng tránh ngôi nhà nọ.
Tất nhiên là những người dân ở đây không nghe bởi mấy lẽ:
Thứ nhất, đường cống đang thẳng, giờ lại cong queo, kể cả có là “cong mềm mại” thì cũng sẽ gây khó khăn trong việc tiêu thoát nước, nhất là vào mùa mưa bão.
Thứ hai, việc đào để xây một cái cống như thế có thể sẽ ảnh hưởng đến ngôi nhà của họ, không loại trừ gây sập như ngôi nhà ở phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) mới đây.
Thứ ba, tại sao lại phải bỏ gần nửa tỉ đồng tiền mồ hôi, đóng thuế của dân để làm việc vô lý này. Tại sao không khắc phục đường cống cũ vốn tiêu thoát nước cả trăm năm?
Thế nhưng, câu chuyện không chỉ có thế.
Số là khi người dân làm đơn đề nghị, thấu hiểu với tâm tư của họ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trực tiếp tiếp xúc với người dân và yêu cầu UBND Quận Ba Đình phải bàn bạc, thống nhất với người dân để thực hiện.
Tuy nhiên, ý kiến của vị Phó Chủ tịch hình như “chả có sức nặng” nào nên quận Ba Đình “phớt ăng lê”, coi như không.
Rồi dịp đó có lẽ do sát ngày Đại hội Đảng bộ thành phố nên hình như… “bận mải” nên UBND Ba Đình cho dửng lại, bắt đơn vị thi công lấp đất hoàn trả nguyên trạng. Người dân đã… “hí hửng”, tưởng ý kiến chính đáng của mình được “đèn giời” soi xét!?
Thế nhưng những ngày gần đây, có vẻ như công việc “bận mải” của Đại hội đã xong, việc bầu bán cũng đâu vào đó nên lãnh đạo UBND Quận Ba Đình lại tiếp tục cho xây cái cống “cong mềm mại”. Lần này thì với với “ý chí kiên quyết” thể hiện bằng câu nói của ông Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Phong Cầm “không phải hỏi người dân có đồng thuận hay không”.
Hơ! Chả lẽ ông Phó Chủ tịch quận lại “vội quên” chỉ đạo của ông Phó Chủ tịch Thành phố?
Hơ! Một cơ quan công quyền cấp dưới không nghe chỉ đạo của cấp trên thì nghe ai nhỉ? Hay là “trên bảo, dưới không nghe” như dân gian thường nói?
Hơ! Một chính quyền của dân, do dân vì dân, tiêu tiền mồ hôi, nước mắt của dân mà không cần hỏi dân thì hỏi ai nhỉ?
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐB Dương Trung Quốc nhận xét: “nói rằng không cần lấy ý kiến người dân thì người đó không những chỉ là dại dột, mà đó là người dốt” và nói rõ “đó là tiền của nhà nước chứ không phải tiền của mấy ông quan chức.”.
Còn với cá nhân người viết bài này thì tự hỏi, nếu như có một chính quyền chẳng nghe lãnh đạo, không thèm hỏi dân thì có thể gọi đó là chính quyền của dân và vì dân được không hả các bạn?
Nguyễn Hoàng