Chuyện hai Thứ trưởng cùng tên Đông với một điều lạ mà… không lạ!
(Dân trí) - “Lạ” là bởi một bài toán không lấy gì làm khó mà bao nhiêu cơ quan quản lý “không nhân chia ra được”. Còn không lạ bởi “cầu” còn biến được thành “cống” mà vẫn “phù hợp về mặt thiết kế kỹ thuật” thì chẳng có gì ở đời này “lạ” nữa.
Xung quanh vụ việc BOT, có nhiều chuyện bí hiểm, tù mù đến không thể hiểu nổi. Xin trích từ ý kiến của hai vị cùng tên là Đông và cùng là Thứ trưởng của hai bộ liên quan.
Đó là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông của bộ Giao thông Vận tải và Thứ trưởng Đặng Huy Đông của Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Trong khi, xem ra Thứ trưởng Ngọc Đông của Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết bảo vệ BOT Cai Lậy thì ngược lại, Thứ trưởng Huy Đông hình như không mấy vẻ mặn mà với cách làm BOT hiện nay và đòi hỏi sự minh bạch.
Giữa tháng 8, trả lời câu hỏi trước sự phản đối từ người dân liệu cơ quan chức năng có thay đổi vị trí trạm BOT Cai Lậy hay không?, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp báo khẳng định: “Bộ GTVT khi xem xét sự việc ở trạm BOT Cai Lậy phải dựa trên yếu tố hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Chính vì vậy, dù người dân tiếp tục phản ứng, Bộ vẫn quyết định không di dời BOT Cai Lậy”.
Về câu hỏi trên dự án, theo thiết kế có 7 cây cầu sau đó người dân phát hiện thực tế chỉ có 5, vậy 2 cây cầu nữa đi đâu? Thứ trưởng Đông nói:
“Đây là 2 cầu bản dài 6m, là cầu nhỏ. Trong quá trình rà soát, đơn vị thực hiện dự án đã thay đổi thiết kế kỹ thuật từ cầu thành cống. Việc thay đổi này không làm ảnh hưởng gì tới dự án. Cầu thay đổi thành cống có thể không giảm được nhiều chi phí, nhưng nó phù hợp về mặt thiết kế kỹ thuật và đảm bảo thoát nước tốt”.
Chỉ hai câu trả lời trên, đã thể hiện sự “bí hiểm” bởi ở ý thứ nhất, nếu không di dời tức là người dân dù không sử dụng BOT Cai Lậy thì vẫn phải trả tiền?
Còn câu trả lời thứ hai, “bí hiểm” đến “tù mù” bởi “cầu” biến thành “cống” thì tức là cũng có thể ở một dự án nào đó, “cống” biến thành… “cầu”? Thăm dò, khảo sát thiết kế kiểu này thì biết đâu sẽ có ngày suối biến thành sông, hồ biến thành… biển?
Có lẽ vì thế, trong bài BLOG “Các dự án BOT giao thông: Quá đỗi tù mù!”, Nhà báo Mạnh Quân viết: “ẩn chứa rất nhiều vấn đề tù mù, thiếu minh bạch trong việc chỉ định thầu, kiểm tra, kiểm soát các dự án BOT giao thông mà lãnh đạo Bộ GTVT có trách nhiệm rất lớn với vai trò của một bộ được giao trách nhiệm chính về quản lý trong lĩnh vực này”.
Cùng tên, cùng chức nhưng người đồng cấp với ông Nguyễn Ngọc Đông là ông Đặng Huy Đông thì phản đối sự “tù mù”, đòi hỏi sự tường minh.
Trả lời phỏng vấn báo Dân trí, Thứ trưởng Huy Đông nói: “Nhà đầu tư, Bộ chuyên ngành họ hay dùng từ hài hòa nhưng hài hòa phải trong sự tường minh. Muốn hài hòa tại sao không tường minh. Tôi không hiểu tại sao chỉ có cách đếm phương tiện thôi mà báo chí nêu ra xong chỉ để đấy. Cổ đông dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đặt camera đếm đường để đảm bảo quyền lợi cổ đông, tính minh bạch mà cũng bị cấm, bị tịch thu. Bản thân điều này đã nói lên sự thiếu tường minh trong cách quản lý rồi”.
Thứ trưởng Huy Đông còn tỏ ra ngạc nhiên vì “lạ”: “Tôi thấy lạ là tại sao người dân bình thường cũng biết làm đường đó hết 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ quan nhà nước không nhân chia ra được. Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành là như vậy thì sao dân thỏa mãn”.
Đặt camera đếm đường để đảm bảo quyền lợi cổ đông, tính minh bạch mà cũng bị cấm, bị tịch thu thì quả là lạ.
Còn viêc “nhân chia”, Thứ trưởng Huy Đông thì thấy “lạ”, không biết Thứ trưởng Ngọc Đông có thấy “lạ” không? Còn người viết bài này (và có lẽ không ít độc giả Dân trí) thì thấy vừa “lạ” vừa… không.
“Lạ” là bởi như Thứ trưởng Huy Đông nói, bài toán không lấy gì làm khó mà bao nhiêu cơ quan quản lý “không nhân chia ra được”. Còn không lạ bởi “cầu” còn biến được thành “cống” mà vẫn “phù hợp về mặt thiết kế kỹ thuật” thì chẳng có gì ở đời này “lạ” nữa.
Trong một cung cách làm ăn “tù mù” thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Bùi Hoàng Tám