Câu thơ “ma ám” ngành Đường sắt Việt Nam?

(Dân trí) - Nghĩ về ngành đường sắt hôm nay không khỏi nhớ về câu thơ của thi sĩ Tế Hanh: “Tôi thấy tôi thương những chiếc tầu – Ngàn đời không đủ sức đi mau…”. Phải chăng câu thơ giàu sự “tiên tri” này đã “ám” vào ngành giao thông vận tải chủ lực của Việt Nam ở một đất nước có chiều dài đến hàng ngàn km?

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vào thế kỉ 19, Việt Nam từng được coi là một trong những quốc gia phát triển ngành đường sắt sớm nhất trong khu vực.

Ngay sau từ những năm đầu hòa bình lập lại (tháng 4-1955), Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổng cục Đường sắt để rồi chuyển thành Liên hiệp Đường sắt Việt Nam và sau đó thành Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Điều này chứng tỏ cách đây 60 năm, Nhà nước Việt Nam đã hiểu rất rõ vai trò của đường sắt trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước sau này.

Thế nhưng giờ đây, hình ảnh ngành đường sắt là một khối “bùng nhùng”. Bộ máy quản lý cồng kềnh và lạc hậu. Đầu máy, toa xe và cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Hình như tất cả các tuyến đường sắt đều được xây dựng thời Pháp thuộc trừ mỗi tuyến đường từ Bắc Ninh đến cảng Cái Lân - Quảng Ninh. Việc chậm trễ của dự án đường sắt đô thị Hà Đông – Cát Linh đã đẩy giá đầu tư từ khoảng 550 triệu USD lên tới 868,06 triệu USD. Đời sống hơn 40.000 người lao động đang gặp nhiều khó khăn…

Lý giải nguyên nhân của khối “bùng nhùng” này cách đây 2 năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ ra rằng đó là hậu quả của sự trì trệ, lạc hậu, của cơ chế độc quyền tích tụ trong một thời gian quá dài. Ngành đường sắt đã tự cho mình “quyền” đứng ngoài công cuộc đổi mới của đất nước, tự cho mình quyền làm “thượng đế” chứ không phải khách hàng.

Nhớ lại ngày mới nhậm chức, Bộ trưởng Thăng đã có một quyết định gây tranh cãi: Cấm cán bộ ngành đường sắt chơi gôn.

Có thể còn có những ý kiến khác nhau về cơ sở pháp lý nhưng hoàn toàn thông cảm bởi sự bức xúc của Bộ trưởng Thăng đã lên đến đỉnh điểm.

Trong khi ngành thì trì trệ, đời sống người lao động còn nhiều cơ cực thì một số cán bộ bỏ đi chơi gôn, một môn chơi “quý tộc”, mỗi một lần chơi mất hàng triệu đồng chưa kể trang phục, phụ kiện. Một bộ gậy đánh gôn có thương hiệu thường có giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng và việc mua các thẻ thành viên của sân gôn cũng mất đến vài chục ngàn đô la Mỹ.

Để tháo gỡ khối “bùng nhùng”, Bộ GTVT đã có chủ trương xã hội hóa ngành này nhằm giảm tối đa sự độc quyền, mở cửa với tất cả các nhà đầu tư. Đây là một chủ trương đúng, tuy có hơi muộn.

Trả lời báo Lao động, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó TGĐ TCty Đường sắt VN (TCty ĐSVN) cho biết: “Việc các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đường sắt sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, hạn chế và tiến tới triệt tiêu cơ chế xin-cho, cửa quyền”.

“Tạo sân chơi bình đẳng”, “triệt tiêu cơ cấu xin – cho, cửa quyền”, không "cho mình “quyền” đứng ngoài công cuộc đổi mới của đất nước"... Đó là lối duy nhất thoát khỏi sự “ma ám” của câu thơ “Muôn đời không đủ sức đi mau”.


Bùi Hoàng Tám


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!