1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Giảng viên Đại học An ninh kể khoảnh khắc bắt cướp, bị dọa "tao đâm chết"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân - người dũng cảm bắt cướp và sau đó phải uống thuốc phơi nhiễm HIV - chia sẻ nếu có quay lại hoàn cảnh tương tự, anh vẫn chọn xả thân bắt cướp.

Đang lái ô tô trên đường, Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm (40 tuổi), giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân (TPHCM) phát hiện một người nghi là đối tượng cướp giật. Nam giảng viên đã lao xe chặn đứng đường thoát, cùng người dân truy bắt kẻ cướp, trả lại tài sản cho nạn nhân.

Ngày 19/4, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm về thời khắc anh dũng cảm đối diện kẻ cướp manh động.

"Đuổi theo thì tao đâm chết…"

Nam giảng viên chia sẻ, khoảng 17h30 chiều 17/4, khi lái xe tại đường Hồ Văn Huê (phường 9, quận Phú Nhuận), anh phát hiện có một nam thanh niên chạy xe máy ngược chiều về hướng đường Đào Duy Anh với tốc độ rất nhanh.

Giảng viên Đại học An ninh kể khoảnh khắc bắt cướp, bị dọa tao đâm chết - 1

Nam giảng viên lao xe chặn đường thoát của kẻ cướp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bằng con mắt nghiệp vụ, anh phán đoán đây là nghi phạm cướp giật nên lách bánh xe chặn từ mặt đường lên hướng vỉa hè, khiến người tình nghi cùng xe máy ngã xuống, rớt chiếc điện thoại ra ngoài.

"Tôi dựa vào một số dấu hiệu để nhận định đây là kẻ cướp giật. Thứ nhất chạy ngược chiều, thứ hai chạy nhanh, thứ ba có hai người kêu cứu chạy phía sau, thứ tư sắc mặt rất gian, hớt hải.

Nói thật, lúc đó tôi cứ nghĩ cướp xe máy, không nghĩ là cướp điện thoại. Khi chặn đường, tôi cũng phải cố giữ làm sao cho xe va chạm nhẹ, tránh rủi ro, nguy hiểm sau tai nạn" - Trung tá Lâm kể.

Khi ngã xuống đường, kẻ cướp nhanh chóng đứng dậy, cầm theo thanh đoản sắt (dùng phá khóa xe) bỏ chạy. Lúc này, nam giảng viên nhanh chóng lao từ ô tô ra ngoài đường quyết tâm truy bắt.

"Tôi rượt theo một đoạn thì thấy rớt chiếc đoản xuống đường. Khi còn cách khoảng 1,5 m, tôi chồm lên, rướn người chụp được áo khiến hắn té xuống. Lúc này, hắn thò tay vào quần như chuẩn bị rút dao rồi liên tục hăm dọa: "Đuổi theo thì tao đâm chết". Nhưng tôi vẫn lao vào quật ngã xuống" - Trung tá Lâm mô tả thời điểm xả thân bắt cướp.

Giảng viên Đại học An ninh kể khoảnh khắc bắt cướp, bị dọa tao đâm chết - 2

Tại hiện trường ngoài chiếc điện thoại của nạn nhân, kẻ cướp còn rớt lại dụng cụ phá khóa xe (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Phát hiện sự việc, vài người xung quanh cũng lao vào hỗ trợ, khống chế kẻ cướp. Khi giao nghi phạm cho Công an phường 9 (quận Phú Nhuận), anh Lâm mới phát hiện hai tay và đầu gối của mình bị thương, chảy máu, trang phục cũng bị rách... 

"Tôi vẫn chọn xả thân bắt cướp"

Giảng viên Đại học An ninh kể khoảnh khắc bắt cướp, bị dọa tao đâm chết - 3

Trung tá Lâm (bìa trái) và nam sinh viên bị cướp điện thoại (giữa) sau khi xảy ra sự việc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo Trung tá Lâm, qua điều tra ban đầu, nghi phạm cướp giật có 5 tiền án, tiền sự, nghiện ma túy và bị nhiễm HIV.

Lúc này, nam giảng viên Đại học An ninh nhân dân phải đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM khám và lấy thuốc phơi nhiễm HIV khẩn cấp.

"Hiện tại tôi thấy hơi ê ẩm người chứ không có gì bất thường. Giờ tôi phải uống thuốc, 2-3 tháng sau mới có thể xét nghiệm để biết chính xác mình có nhiễm hay không. Tôi cũng không nhớ lúc đó hắn làm gì khiến tôi bị thương, chảy máu", anh Lâm nói.

Nam giảng viên cho biết, bản thân không quá lo lắng chuyện mình có nhiễm HIV hay không. "Nếu có quay trở lại hoàn cảnh tương tự, tôi vẫn chọn xả thân bắt cướp. Bởi đó là bản năng đã ăn vào máu và cũng là tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ công an", anh Lâm chia sẻ.

Giảng viên Đại học An ninh kể khoảnh khắc bắt cướp, bị dọa tao đâm chết - 4

Anh Lâm bị thương, phải uống thuốc phơi nhiễm HIV sau khi bắt cướp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trung tá Lâm tiết lộ, cách đây 6 năm anh cũng từng một lần bắt cướp tại khu vực phường Bình Thọ (TP Thủ Đức). Tuy chọn cách dũng cảm bắt cướp nhưng anh khuyên người dân luôn cẩn trọng, đặt sự an toàn lên hàng đầu khi phát hiện tội phạm.

"Nhiều người hay nghe điện thoại ở lề đường hay trạm xe buýt, đeo trang sức đắt tiền hớ hênh, việc này không nên vì tạo điều kiện cho kẻ cướp có cơ hội hành động. Người dân nên cảnh giác, bởi khi xảy ra sự việc, dù là người có nghiệp vụ nhưng trong tình huống cụ thể cũng chưa chắc chiến thắng kẻ cướp" - Trung tá Lâm khuyến cáo.