Thị trường giảm quan tâm do thông tin siết tín dụng bất động sản

Hà Phong

(Dân trí) - Các thông tin về chính sách, siết tín dụng bất động sản đã ảnh hưởng tới tìm kiếm thị trường.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - trong 3 đợt dịch Covid -19 lượng quan tâm đều giảm ngắn hạn, sau khi dịch được kiểm soát, lượt quan tâm đã tăng 100 - 200% thì con số mà trang thông tin ghi nhận trong quý I năm nay là lượng quan tâm 3 tháng đầu năm tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, theo thống kê, lượng quan tâm tháng 4 đã giảm 14% so với tháng 3/2014. Nguyên nhân theo ông Quốc Anh là do các thông tin liên quan đến bất động sản, các thông tin về chính sách, siết tín dụng bất động sản đã ảnh hưởng tới hành vi tìm kiếm thị trường. 

"Một số loại hình mà chúng ta quan tâm như đất nền đã giảm 2%. Các sàn đều đang chờ xem thị trường sẽ như thế nào", ông Quốc Anh cho biết.

Thị trường giảm quan tâm do thông tin siết tín dụng bất động sản - 1

Thông tin siết tín dụng bất động sản đã khiến lượng quan tâm bất động sản giảm (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Ngoài ra, theo chuyên gia bất động sản này, các biện pháp liên quan tới siết chặt tín dụng là chủ trương tốt, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, các nước trên thế giới áp dụng 2 biện pháp: Kiểm soát thuế, các khoản vay đồng thời nâng cao nguồn cung thị trường.

Ông Quốc Anh lấy ví dụ về thị trường Singapore, khi giá nhà tăng cao trong năm 2020-2021, nước này đã đưa ra 3 yếu tố chính: Đầu tiên là tăng thuế tài sản; Thứ 2 là đảm bảo tỷ lệ trả nợ trên khoản vay hàng tháng không vượt quá 50% thu nhập; Thứ 3 là tỷ lệ tài sản đảm bảo cho vay không quá 80%. Đồng thời với 3 biện pháp trên Singapore cũng tăng nguồn cung căn hộ trên thị trường. Singapore có kế hoạch trong giai đoạn 2022-2023 là 23.000 căn hộ.

Một ví dụ nữa là thị trường Hàn Quốc có giá nhà rất đắt. Giai đoạn vừa rồi nước này đã tăng lượng cung bất động sản trên thị trường. Năm ngoái, Hàn Quốc tăng lên 466.000 căn, năm nay họ tăng 490.000 căn và năm 2030 dự kiến sẽ tăng lên 600.000 căn. Tức là Hàn Quốc đang cân bằng hai yếu tố kiểm soát chính sách, tăng nguồn căn, nhằm đảm bảo lượng cung cầu lành mạnh. 

"Thị trường Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa hiện nay ở Hà Nội và TPHCM, mỗi năm cần 70.000 căn hộ ở từng thành phố. Trong khi đó, xét về mức độ giao dịch theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản chỉ có mấy nghìn giao dịch, như vậy rất là ít, không thể so sánh với nhu cầu hàng năm cần có", ông Quốc Anh nói và kiến nghị khơi thông thị trường bất động sản, đảm bảo lượng hàng hóa đủ, lượng cung cầu được điều tiết hợp lý. 

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Tống Sỹ Sơn - Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Ihome đặt ra 2 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, Việt Nam đang có nhiều loại hình bất động sản như nghỉ dưỡng, đất nền… Để phát triển bền vững đúng xu thế và ít bị ảnh hưởng bởi việc kiểm soát dòng vốn vào thị trường bất động sản, các chuyên gia có thể định hướng các sản phẩm phù hợp với thị trường trong thời gian tới.

Thứ hai, trong thời gian qua, Nhà nước đã có những biện pháp kiềm chế cơn sốt tăng giá bất động sản (đặc biệt là đất nền và dự án) như hạn chế phân lô, tách thửa, kiểm soát nguồn vốn đổ vào bất động sản… "Ngoài các biện pháp này, Nhà nước sẽ có thêm các biện pháp mới nào để kiềm chế cơn sốt bất động sản", vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.  

TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 8% đối với bất động sản.

Theo ông Lực, một số ngân hàng, tổ chức tín dụng gần đây tạm dừng giải ngân do 2 vấn đề: Những tổ chức tín dụng đó đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý I, đương nhiên lĩnh vực bất động sản phải "phanh" lại. Một số dự án, chủ đầu tư đang có vấn đề về hơi phức tạp về pháp lý cũng đang dừng lại. Do đó tình trạng này xảy ra ở cục bộ, chứ không phải nhiều tổ chức tín dụng. Như vậy, nhiều dự án vẫn sẽ được triển khai, các chủ đầu tư hãy "yên tâm".