Hà Nội có quy chế quản lý chung cư riêng sau bao ồn ào, tranh chấp

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 29 về việc ban hành Quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, quy định này sẽ áp dụng đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, việc xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư sẽ căn cứ vào hồ sơ dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hợp đồng mua bán căn hộ hoặc diện tích khác nhà chung cư; căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Các chủ sở hữu phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh quyền sở hữu riêng của mình.

Hà Nội có quy chế quản lý chung cư riêng sau bao ồn ào, tranh chấp - 1

Thời gian qua Hà Nội xảy ra nhiều vụ tranh chấp chung cư.

Việc quản lý phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 6 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Quy định nêu rõ, việc quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 7 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Về diện tích sinh hoạt cộng đồng, Quy định của UBND TP cho biết, đối với nhà chung cư thương mại thực hiện theo quy định tại Khoản 10, Điều 80 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014;

Còn đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư, đơn vị được UBND Thành phố giao quản lý nhà chung cư phục vụ tái định cư tiến hành rà soát các nhà chung cư mà thiết kế không có diện tích sinh hoạt cộng đồng và đề xuất nơi bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng trong số diện tích kinh doanh dịch vụ đang quản lý, báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND Thành phố xem xét quyết định; việc quản lý, sử dụng, kê khai, báo cáo phần diện tích trên do UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Đối với bảo trì nhà chung cư, các quy định về nguyên tắc bảo trì nhà chung cư; kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện việc bảo trì; ký kết hợp đồng bảo trì và thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 32, 33, 34 và Điều 35 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Đối với nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì nhà chung cư và các thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, việc lập và phê duyệt quy trình bảo trì được thực hiện theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015, của Chính phủ.

Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư được đầu tư từ ngân sách, ngoài các nội dung về bảo trì nhà chung cư nói chung, Quy định của Hà Nội nêu rõ còn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, ngày 23/8/2018, của UBND Thành phố về việc ban hành quy định về sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

"Những quy định có liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư không quy định trong Quy định này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở có liên quan", quy định của UBND TP nêu rõ.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, UBND TP đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020.

Hà Nội hiện có 833 chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng với trên 230.000 căn hộ, tổng diện tích sàn trên 2 triệu m2. Trong đó, rất nhiều chung cư xảy ra tranh chấp. Có thời điểm, các vụ tranh chấp, nội chiến chung cư xảy ra liên tiếp như một làn sóng.

Theo thống kế, có 12 loại tranh chấp, khiếu nại trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư chủ yếu, đó là: Quyền sở hữu, quyền sử dụng chung, riêng; bàn giao phí bảo trì; công tác quản lý, vận hành chung cư; hoạt động ban quản trị chung cư; chủ đầu tư xây dựng không phép; xây dựng sai phép.

Chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục; ban quản trị tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục tại chung cư; ban quản trị chuyển đổi công năng phần diện tích sở hữu chung; chủ đầu tư chậm lập thủ tục cấp Giấy Chứng nhận cho người mua căn hộ; nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng; chủ đầu tư vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Chiếm tỷ lệ đáng kể trong các tranh chấp xuất phát từ việc các chủ đầu tư cố tình làm sai, không thực hiện minh bạch theo quy định của pháp luật.