Đua nhau mở du lịch tâm linh: Siêu dự án của nữ "đại gia" muốn làm từ đất lúa
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ 21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc; Hoà Bình xin chuyển đất lúa làm dự án tâm linh 3.000 tỷ đồng; Sau “cơn địa chấn” mang tên địa ốc Alibaba, nhà đầu tư “chùn tay” với đất nền... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Xin chuyển đất lúa làm dự án tâm linh 3.000 tỷ đồng: Chân dung “đại gia” kín tiếng
Như Dân trí đã đưa tin, UBND tỉnh Hòa Bình mới đây đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chuyển mục đích sử dụng 47,67 ha đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu du lịnh sinh thái - tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Dự án do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.038 tỷ đồng.
Theo hồ sơ pháp lý của dự án, Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 11/10/2016.
Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình là bà Phan Thanh Hà (sinh năm 1986, thường trú tại phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Công ty đăng ký trụ sở chính tại thôn Lão Nội, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy.
Dự án khu du lịch tâm linh 3.038 tỷ đồng ở Hòa Bình: Bộ Quốc phòng lưu ý gì?
Liên quan đến dự án tâm linh do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư, Bộ Quốc Phòng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình trả lời về việc xin ý kiến địa điểm, ranh giới và nội dung đầu tư xây dựng dự án.
Theo đó, Bộ Quốc phòng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hoà Bình về địa điểm quy hoạch và sử dụng khu đất để thực hiện dự án.
Tuy nhiên Bộ Xây dựng lưu ý, trong quá trình triển khai dự án phải thực hiện theo đúng quy chế quản lý, bảo vệ và xây dựng vùng CT229 và Thông tư liên tịch số 57/2013 của liên bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý, bảo vệ và xây dựng các vùng CT299.
“Không được liên doanh, liên kết với nước ngoài (cả Việt Kiểu); không được sử dụng lao động là nước ngoài để thực hiện dự án. Nếu thay đổi chủ đầu tư phải có ý kiến thoả thuận của Bộ Quốc phòng, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, thực hiện nghiêm các quy định trong triển khai Dự án”, Bộ Quốc phòng đề nghị.
Tôi đi mua đất xen kẹt giữa... Thủ đô
Thật ra, “đất xen kẹt” chỉ là cụm từ mà những người bán và mua loại đất này tự đặt tên, chứ trong luật định không có khái niệm này. Nói một cách dân dã, đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư đô thị, hoặc đất dư sau quy hoạch chưa được công nhận là đất thổ cư (đất ở).
Thông thường, những loại đất này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ được chuyển nhượng thông qua giấy tờ viết tay. Cũng chính vì quyền sử dụng đất mù mờ nên giá các loại đất này thường rẻ hơn 50 - 80% so với đất có đầy đủ giấy tờ ở cùng khu vực.
Theo chân anh bạn tên Hải ở Thái Thụy (Thái Bình) đang tìm mua đất xen kẹt, chúng tôi đến phường Tứ Liên, Tây Hồ (Hà Nội) vốn là địa bàn được nhiều người mua đất xen kẹt lựa chọn vì khoảng cách khá gần trung tâm, lại được tiếng “gần” hồ Tây.
Bi hài chuyện nước chung cư: Đen kịt như nước cống, bất ngờ cắt vì “thái độ”
Thời gian qua, vấn đề nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn trở thành câu chuyện “đau đầu” của rất nhiều hộ dân đang sinh sống tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội.
Tại cụm chung cư The Sparks (phường Dương Nội, quận Hà Đông), nhiều cư dân ở đây lên tiếng phản ánh về tình trạng nước bẩn trong một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được dứt điểm.
Hàng nghìn hộ dân tại chung cư đóng tiền sử dụng nước sạch hàng tháng đều đặn vậy nhưng vẫn phải nơm nớp về nguồn nước mình đang sử dụng. Chị Thu Hương - toà CT7F cho biết, mấy tháng trở lại đây nước nhà chị có cặn rất nhiều, có hôm xả ra nước đen xì như nước cống.
Sau “cơn địa chấn” mang tên địa ốc Alibaba, nhà đầu tư “chùn tay” với đất nền
Những năm gần đây, khi quỹ đất tại khu vực trung tâm TPHCM ngày càng khan hiếm, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô về vùng ven để “săn” đất nền. Đáng chú ý, khi có thông tin tỉnh Đồng Nai sắp xây dựng sân bay Long Thành và xây cầu Cát Lái nối với TPHCM, thị trường đất nền ở vùng ven TPHCM, cũng như ở tỉnh Đồng Nai ngày càng sôi động và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư.
Thế nhưng, sau khi lãnh đạo Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba bị bắt cách đây không lâu, nhiều nhà đầu tư bắt đầu “chùn tay” trong việc mua đất nền. Nguyên nhân là do họ sợ mua nhầm những dự án “ma” rồi “mất tiền oan”, giống như hàng ngàn khách hàng đã lỡ đầu tư vào các dự án “bánh vẽ” tại TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận mà Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba dựng lên và rao bán rầm rộ thời gian qua.
Petroland có Chủ tịch vừa bị bắt: Làm ăn bết bát, lùm xùm đất nghìn tỷ giá “bán như cho”
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 2/10, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Minh Chính, nguyên giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong báo cáo tài chính mới nhất vừa được công bố - BCTC bán niên năm 2019 đã soát xét, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này tiếp tục ảm đạm khi báo lỗ hơn 6 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Petroland, một nhóm cổ đông đã yêu cầu ngừng ngay việc chuyển nhượng đất nghìn tỷ với giá “bán như cho” Tập đoàn Đất Xanh. Theo nhóm cổ đông Petroland, nếu như có thể thu hồi khu đất 8,7 ha chuyển nhượng cho Đất Xanh chưa hoàn thành hợp đồng, có người đã chịu mua đến 3.000 tỷ đồng.
"Đại gia" một thời Tasco báo lỗ, “vận đen” bao giờ thôi đeo bám?
Công ty cổ phần Tasco (mã CK: HUT) vừa công bố báo cáo bán niên 2019 đã qua soát xét. Theo đó, doanh thu hợp nhất của Tasco là 600 tỷ đồng, nhích nhẹ ở mức 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của Tasco, doanh thu đến từ kinh doanh bất động sản chỉ đạt 64 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 192 tỷ đồng; tăng gấp 8 lần cùng kỳ…
Do giá vốn bán hàng tăng 13% so với cùng kỳ, cùng với chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng mạnh tới 87,3% khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 của Tasco âm 13,16 tỷ đồng.
Trong khi đó cùng kỳ năm ngoái dù không mấy khởi sắc nhưng vẫn ghi nhận khoản lãi 47,6 tỷ đồng.
Dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang: Cư dân bức xúc vì chủ đầu tư không ra mặt
Theo các cư dân, dự án nhà ở xã hội Hoàng Quân Nha Trang đã chậm tiến độ tới 3 năm và chủ đầu tư hứa hẹn ngày 30/9 sẽ bàn giao nhà cho cư dân nhưng điều đó đã không xảy ra.
Trong ngày 30/9, cư dân mua nhà đã đến dự án thị sát và yêu cầu được tiếp xúc với đại diện chủ đầu tư nhưng không có ai có trách nhiệm ra mặt. Thời hạn giao nhà đã qua nhưng tiến độ thi công tại dự án vẫn còn dang dở, lực lượng thi công rất mỏng. Cư dân mong muốn có lời giải thích, phản hồi từ chủ đầu tư nhưng vô vọng, không có thông tin gì.
“Chúng tôi tới như đúng hẹn là ngày 30/9 nhưng văn phòng Nha Trang không có ai! Chúng tôi gọi điện cho người có trách nhiệm từ chủ đầu tư thì không ai bắt máy, thậm chí còn tắt máy. Đến nay chủ đầu tư không có bất kỳ một cam kết, thông báo hay hẹn ngày nào đó sẽ gặp cư dân”, anh Đặng Tuấn Dũng, một cư dân mua nhà bức xúc bày tỏ.
Vụ "siêu lừa" địa ốc Alibaba: Bộ Xây dựng nói gì về trách nhiệm quản lý?
Liên quan tới vụ việc Công ty Alibaba vẽ dự án "ma" lừa đảo khách hàng, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản vừa cho biết, liên quan tới các dự án trái quy định, điển hình là dự án Alibaba ở phía nam, trách nhiệm quản lý thực hiện theo quy định pháp luật.
Theo đó, trách nhiệm của Bộ Xây dựng cũng như UBND cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Luật Kinh doanh bất động sản.
“Khi triển khai 1 dự án liên quan tới rất nhiều luật như: Luật Đất đai, Luật Đô thị, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... Nếu nói là dự án vi phạm thì phải xác định vi phạm ở giai đoạn nào”, ông Ninh nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, vụ việc của Alibaba vi phạm tất cả các luật bởi bản chất đây là dự án ma không tuân thủ pháp luật và phải xử theo quy định pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ 21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng xử lý phản ánh "21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc".
Văn bản nêu rõ việc báo chí phản ánh về thông tin “21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc”.
Cụ thể, theo bài viết phản ánh, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn hiện có 246 lô đất. Trong số này, có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, trước đây giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho người Việt Nam; trong quá trình hợp tác làm ăn, người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần nên được đứng tên...
Từng sốt nóng hầm hập, đất nền Đà Nẵng, Phú Quốc giờ ra sao?
Năm 2018 thị trường bất động sản chứng kiến những đợt sốt đất nền cục bộ tại Phú Quốc, còn đầu năm 2019 là tại Đà Nẵng. Điểm chung của cả hai thị trường này ở thời điểm hiện tại đều khá yên ắng.
Ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đặc khu cho biết, 70-80% văn phòng môi giới nhà đất tại Phú Quốc đã rút lui, đóng cửa so với thời kỳ xảy ra cơn sốt đất hồi cuối năm 2017, đầu năm 2018. Số văn phòng còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, lượng giao dịch bất động sản cũng sụt giảm mạnh.
Giá đất một số nơi trên huyện đảo cũng sụt giảm, ngoại trừ những nơi có thế mạnh về hạ tầng, thị trường vẫn diễn ra hoạt động mua bán những lô nền nhỏ lẻ là đất thổ cư có giấy tờ đầy đủ. Khi chủ đầu tư bán cắt lỗ, nhiều giao dịch vẫn có thể thực hiện.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)