Xin chuyển đất lúa làm dự án tâm linh 3.000 tỷ đồng: Chân dung “đại gia” kín tiếng
(Dân trí) - Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình - chủ đầu tư dự án Khu du lịnh sinh thái - tâm linh Lạc Thủy là thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương. Tập đoàn Thái Bình Dương hiện đang là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn có quy mô nghìn tỷ...
Như Dân trí đã đưa tin, UBND tỉnh Hòa Bình mới đây đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chuyển mục đích sử dụng 47,67 ha đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu du lịnh sinh thái - tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Dự án do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.038 tỷ đồng.
Theo hồ sơ pháp lý của dự án, Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 11/10/2016.
Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình là bà Phan Thanh Hà (sinh năm 1986, thường trú tại phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Công ty đăng ký trụ sở chính tại thôn Lão Nội, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy.
Công ty thành lập vào tháng 10/2016, hơn 1 tháng sau đó, vào ngày 18/11/2016, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình.
Theo yêu cầu của Ban thường vụ tỉnh ủy Hoà Bình, dự án sau được đổi tên thành dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy để phản ánh rõ hơn vị trí, phạm vi ranh giới của dự án (tránh gây nhầm lẫn là đồ án quy hoạch của cả tỉnh).
Dự án có nhiều phân khu chức năng, trong đó điểm nhấn của đồ án là bảo tàng cội nguồn. Khu này kết hợp với các công trình dịch vụ, thương mại, tạo thành lõi sân cảnh quan. Ngoài ra dự án bao gồm các khu biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự ven hồ, khu biệt thự suối nước nóng…
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình là thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương.
Lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chính của Tập đoàn Thái Bình Dương gồm: Công nghiệp, tổng thầu và bất động sản. Hiện tập đoàn này có 7 công ty thành viên chủ yếu hoạt động tại Bình Thuận, Hoà Bình.
Tập đoàn Thái Bình Dương hiện đang là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn có quy mô nghìn tỷ như Khu du lịch văn hoá và nghỉ dưỡng Hương Sơn (Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư là 4.600 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có dự án cáo treo Hương Bình nằm tại địa phận huyện Lạc Thủy, Hòa Bình và huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Dự án tuyến cáp treo này có điểm đầu là nhà ga đi phía Nam nằm gần khu vực Chùa Tiên thuộc Quần thể hang động khu vực Chùa Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy và điểm cuối là nhà ga đến phía Bắc nằm gần khu vực chùa Long Vân thuộc di tích Chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Ngoài ra, Tập đoàn Thái Bình Dương còn làm chủ đầu tư một số dự án nhiệt điện như Sơn Mỹ 1 (BOT); dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng hay cảng quốc tế Vĩnh Tân; Khu biệt thự cao cấp Hồ Tây; Tổ hợp Trung tâm dịch vụ thương mại, căn hộ và văn phòng Hoàng Thành Tower...
Đối với dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy, hiện Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản này đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng các cơ quan có liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng, những dự án lớn như Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành trung ương.
“Ngày 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Như vậy, dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét.
Báo chí đưa thông tin như vậy rất tốt vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác là việc được quy định rất nghiêm ngặt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Nguyễn Mạnh