Việc sử dụng đất cho các dự án tâm linh còn nhiều bất cập

(Dân trí) - Với đại đa số phiếu thuận, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị sau cuộc giám sát tối cao về nội dung này trong năm qua…

Bất cập sử dụng đất cho các dự án du lịch tâm linh

Quốc hội thống nhất đánh giá kết quả cuộc giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua đó, Quốc hội ghi nhận, hệ thống pháp luật để quản lý lĩnh vực này hiện đã tương đối đồng bộ, bao quát.

Việc tổ chức thực hiện chính sách có chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từng bước được nâng cao, góp phần hạn chế thất thoát, tiêu cực, lãng phí. Hệ thống đô thị khang trang, hiện đại được hình thành, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên…

Bên cạnh đó, Quốc hội nhận định, công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn những hạn chế, bất cập. Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.

Việc giao đất, cho thuê đất thông qua phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất có những trường hợp còn chưa tuân thủ quy trình và quy định của pháp luật, nhiều trường hợp chỉ định nhà đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Nguồn thu từ đất chưa bảo đảm bền vững, nhiều dự án chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, nguy cơ thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) chưa được quy định rõ ràng, việc triển khai còn nhiều bất cập, dẫn đến thất thoát tài sản công.

Việc sử dụng đất cho các dự án tâm linh còn nhiều bất cập - 1

Những dự án khu du lịch tâm linh sử dụng hàng ngàn hecta đất là nội dung làm nóng nghị trường Quốc hội kỳ họp 7

Việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng còn có một số trường hợp buông lỏng quản lý, công tác phối hợp với chính quyền địa phương chưa đồng bộ, để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích.

Việc sử dụng đất cho các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, quản lý quỹ đất của doanh nghiệp cổ phần hóa còn nhiều bất cập. Việc di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện, cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm... ra ngoài trung tâm các đô thị lớn còn chậm.

Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan như tầm nhìn, dự báo, đánh giác tác động chính sách còn hạn chế, việc thi hành pháp luật chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Khởi tố 153 vụ án vi phạm quản lý, sử dụng đất đai

Trước khi Nghị quyết được đưa ra bấm nút, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã xin ý kiến các đại biểu về các nội dung được quyết nghị. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong số 314 phiếu nêu ý kiến của các đại biểu, 264 ý kiến hoàn toàn nhất trí với dự thảo Nghị quyết, 50 ý kiến góp ý thêm về một số nội dung.

Việc sử dụng đất cho các dự án tâm linh còn nhiều bất cập - 2

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu các nhóm ý kiến góp ý của đại biểu. (Ảnh: Minh Thư)

Ông Hạnh Phúc đề cập nhóm ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá về việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Đáp lại ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội báo cáo, qua giám sát, một số địa phương phản ánh có hiện tượng người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài. Tuy nhiên, đoàn giám sát chưa có thông tin chính thức về vấn đề này.

Do vậy, để bảo đảm tính thận trọng, UB Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội không đưa nội dung này vào nội dung nghị quyết mà đưa vào phần nhiệm vụ, giải pháp để trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm.

Có ý kiến đề nghị có biện pháp xử lý dứt điểm cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

UB Thường vụ Quốc hội dẫn chứng, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành đất đai, xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi về cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, kiến nghị xử lý nhiều cán bộ sai phạm.

Trong giai đoạn từ 1/7/2014 đến 31/12/2018, Cơ quan điều tra thuộc lực lượng công an đã khởi tố điều tra 153 vụ án trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai. Trong dự thảo Nghị quyết đã yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành để xảy ra sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

P.Thảo