Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Hà Nội kiến nghị có chế tài "đòi lại" đất vàng

(Dân trí) - Song song với các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện di dời, Hà Nội cũng cho rằng cần có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài khu vực nội thành để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển công trình công cộng.

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Hà Nội kiến nghị có chế tài đòi lại đất vàng - 1

Tiến độ di dời trụ sở bộ ngành, các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô còn chậm.

UBND thành phố Hà Nội hồi tháng 6 có một báo cáo gửi Bộ Xây dựng về việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng tiêu chí và biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Luật Thủ đô ra đời, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 130 ngày 23/1/2015 giao các bộ, ngành chủ trì xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế ra khỏi nội thành. Đồng thời giao UBND thành phố chủ trì xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành.

Tuy nhiên, cơ bản công tác di dời đến nay vẫn còn chậm.

Về cơ bản các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đều đang tiếp tục sử dụng cơ sở cũ. Riêng Trường Đại học y tế cộng đồng tại số 138B Giảng Võ, quận Ba Đình đã được di dời đến địa điểm mới tại quận Bắc Từ Liêm, địa điểm này thực hiện theo dự án hợp đồng BT.

Về di dời các trụ sở bộ ngành, thành phố đã bố trí quỹ đất tập trung tại khu vực Tây Hồ khoảng 20ha và Mễ Trì khoảng 55 ha. Ngoài ra, thành phố bố trí quỹ đất phục vụ di dời 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý và 2 cơ sở được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo nguồn di dời và xây trụ sở mới (Trụ sở Thanh tra Chính phủ 220 Đội Cấn và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 45 Lý Thường Kiệt).

Về di dời các cơ sở công nghiệp, 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích 102,07 ha, trong đó 39,33ha cho nhà ở, còn lại cho trường học và hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ. 

27 cơ sở công nghiệp phải di dời cũng đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.

Theo báo cáo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Sau khi trao đổi, đối thoại, về cơ bản các doanh nghiệp thống nhất chủ trương di dời của thành phố, một số doanh nghiệp đã lập kế hoạch chuẩn bị di dời (Công ty Thuốc lá Thăng Long, Công ty cổ phần In và Thương mại Thống Nhất…). 

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã cùng các sở ngành và 12 quận tổng hợp, chuẩn hoá danh mục, số lượng các cơ sở đề xuất di dời tại 12 quận là 117 cơ sở.

UBND thành phố thừa nhận, việc di dời vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân là do đến nay, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội thành chưa được các bộ ngành triển khai, trình Thủ tướng phê duyệt.

Đáng chú ý, còn có tình trạng, quỹ đất sau di dời được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại (trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ), không bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố để quản lý, khai thác sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho địa phương.

“Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn thực hiện cho công tác di dời quá lớn, thiếu cơ chế, chính sách sử dụng quỹ đất của trụ sở sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực đầu tư; sự phối hợp các bên liên quan và chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, cấp chính quyền”, báo cáo nêu.

Cũng theo UBND thành phố, công tác di dời các cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm còn chậm, manh mún do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tài chính, cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao lại quỹ đất sau di dời cho thành phố, các cơ sở đã thực hiện di dời chủ yếu do doanh nghiệp chủ động thực hiện.

Theo đó, UBND thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành phối hợp với UBND thành phố và các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh các quy hoạch ngành, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục ra ngoài khu vực nội thành.

Đồng thời, ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề, chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch hoặc tự nguyện di dời; ban hành chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài khu vực nội thành để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

UBND thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung thẩm quyền phê duyệt danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm