Dân nội đô “sống mòn” quanh các khu nhà máy “chây ỳ” di dời
Ô nhiễm môi trường, rủi ro cháy nổ, quá tải hạ tầng, nhếch nhác bộ mặt đô thị… đang là hàng loạt các vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người dân, xuất phát từ việc các nhà máy, cơ sở sản xuất chây ỳ, chậm di dời ra khỏi nội đô.
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, ô nhiễm môi trường, rủi ro cháy nổ, quá tải hạ tầng, nhếch nhác bộ mặt đô thị… đang là hàng loạt các vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người dân, xuất phát từ việc các nhà máy, cơ sở sản xuất chây ỳ, chậm di dời ra khỏi nội đô. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô là cấp thiết.
Người dân bị bức tử
Ngay sát cổng Nhà máy Cao su Hà Nội (đường K2 Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) tồn tại một “bãi rác” lớn với đủ các loại rác sinh hoạt hàng ngày và rác thải công nghiệp, nhếch nhác, bốc mùi, gây bức xúc cho người dân xung quanh; kế đó là hàng loạt ki-ốt của nhà máy thường xuyên trong tình trạng đóng cửa, phủ bụi, rác thải chất đống ngổn ngang, bẩn thỉu. Đối lập với cảnh tượng này là cả một trung tâm thương mại, nhà cao tầng sầm uất, khu dân cư đông đúc, thậm chí là trường học “sát vách” nhà máy.
Ngay sát cổng vào Công ty Cao su Hà Nội - đường K2 Cầu Diễn là một bãi tập rác thải lớn. (Ảnh: Kháng An)
Tại khu vực số 231-235 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) lâu nay vẫn được mọi người gọi tắt là khu “Cao-Xà-Lá” bởi nơi tập trung ba nhà máy lớn, gồm: Cao-su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long, theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực các cơ sở sản xuất này hiện nay hàng ngày họ vẫn phải chứng kiến và chịu đựng những cột khói thoát ra từ các nhà máy này, ảnh hưởng đến cuộc sống, dù những nhà máy này đều đã có quyết định phải di dời khỏi nội đô.
Hay như trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), đoạn qua Tổng Công ty CP Bia – Rượu- nước giải khát Hà Nội (Công ty Bia Hà Nội) thường xuyên bị ùn ứ giao thông. Đáng chú ý, người dân sinh sống tại tổ dân phố số 4 phường Liễu Giai, quận Ba Đình phản ánh, vào buổi đêm Công ty Bia Hà Nội nhiều lần xả khí thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
“Suốt thời gian dài, Công ty Bia Hà Nội hay xả khói mù mịt, đen ngòm khiến không khí ở đây vô cùng ngột ngạt, khó chịu, nhất là sự việc này toàn diễn ra vào tầm buổi tối muộn. Người dân xung quanh đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường Liễu Giai để phản ánh nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan nào” - ông T.V.Đ (56 tuổi, phường Liễu Giai, Hà Nội) phản ánh.
Người dân sống quanh khu vực nhà máy Cao su sao vàng phản ánh, nhà máy này liên tục xả khói đen về sáng và đêm. (Ảnh cắt từ clip)
Tuơng tự, tại khu vực quận Thanh Xuân, đứng trên tầng thượng tòa nhà 47 Vũ Trọng Phụng phóng tầm mắt về phía “Cao – Xà – Lá” là “bao trọn” cả một không gian san sát các nhà máy. Vào mỗi buổi sáng sớm, người dân lại cầm điện thoại ghi lại cảnh tượng các ống khói ở khu Cao – Xà - Lá xả ra môi trường những cột khói đen, đặc…
Ông Tạ Đức Khương số 47 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) nói: "Năm này qua năm khác các nhà máy ở khu Cao - Xà - Lá bức tử người dân chúng tôi bằng những cột khói cao vút, đen đặc.. chủ yếu vào các buổi sáng sớm và chiều tối", ông ví von: “Sống giữa lòng thủ đô Hà Nội mà như giữa khu công nghiệp – khu công nghiệp lỗi thời về mặt thiết bị máy móc”.
Còn ông Nguyễn Văn Hưng (64 tuổi, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) bức xúc: “Người dân đã nhiều lần gửi phản ánh bằng văn bản tới các cơ quan chức năng như UBND TP.Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và gửi tới cả Công ty Thuốc lá Thăng Long để mong có giải pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đâu vào đấy”, ông Hưng nói.
Đáng chú ý, sống giữa khu dân cư sầm uất nhưng nhiều năm nay, nhiều người dân phường Minh Khai, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng tỏ ra bức xúc trước việc Công ty Dệt kim Đông Xuân thường xuyên xả những cột khói trắng, khói vàng đang đe dọa sức khỏe của hàng vạn người dân và các trường học xung quanh.
Tại nhiều lần họp tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh tới chính quyền sở tại, cơ quan chức năng nhưng hoạt động sản xuất của nhà máy thuộc công ty này vẫn diễn ra bình thường. Nói trong nước mắt, bà P.H.Y (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) than: “Bao nhiêu năm nay chúng tôi phải chịu mùi hôi thối nồng nặc, cống thải nhà máy xả ra làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe, không biết kêu đâu”.
Người dân sống quanh khu vực nhà máy Cao su sao vàng phản ánh, nhà máy này liên tục xả khói đen về sáng và đêm. (ảnh Kháng An)
Người dân xung quanh Công ty TNHH MTV thuốc lá Thăng Long phản ánh hàng ngày họ vẫn phải chứng kiến và chịu đựng những cột khói thoát ra từ các nhà máy này, ảnh hưởng đến cuộc sống, dù những nhà máy này đều đã có quyết định phải di dời khỏi nội đô. (Ảnh: Kháng An)
Bà Võ Thị Huệ - Tổ trưởng tổ dân phố 15A (phường Vĩnh Tuy) - cho biết, tổ dân phố có khoảng 50 hộ dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Nhà máy Dệt kim Đông Xuân thường xuyên xả thải ra ngoài môi trường. “Do nhà máy gây ô nhiễm quá nặng, nhiều người dân phải chuyển đi nơi khác sinh sống, một số thì bán luôn nhà, một số thì cho thuê chứ không dám ở. Những người cố bám trụ lại thì sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đã có một số trường hợp chết vì bệnh liên quan đến phổi và đường hô hấp”, bà Huệ nói.
Trước phản ánh của người dân, lãnh đạo phường Minh Khai cho biết, để xử lý dứt điểm tình trạng hiện nay là rất khó khăn vì phường cũng không có thẩm quyền. “Quan điểm của phường là mong muốn các ngành chức năng xem xét và nếu cần thiết có chính sách di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân”, ông Trần Nam Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho hay.
Tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 17/9, ông Trần Xuân Hà – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Việc di dời nhà máy Rạng Đông ra khỏi khu dân cư, trong kết luận tại cuộc họp ngày 5/9, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu nhà máy sớm thực hiện di dời theo quyết định 130/2015 của Thủ tướng. Còn di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, độc hại khác ra khỏi nội đô Thành ủy và Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại tất cả các cơ sở, nhà máy đóng trên địa bàn, trong đó có các cơ sở có sử dụng hóa chất, đặc biệt là cơ sở có hóa đất độc hại.
Theo Quyết định số 130/2015 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm chủ trì lập danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trình Thủ tướng phê duyệt; đề xuất phương án và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời, bố trí quỹ đất và hạ tầng cơ sở mới trước khi phải di dời; cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích thực hiện di dời các cơ sở trên địa bàn 12 quận nội thành.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có 186 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời, trong đó nhiều nhà máy có quy mô đất đai lớn.
Về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường mà UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Xây dựng hồi tháng 6/2019, cho thấy: Theo kế hoạch vạch ra năm 2016, đến năm 2020 sẽ có 117 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi địa bàn 12 quận. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 cơ sở đã thực hiện, còn 113 cơ sở chưa thể di dời ở quận Đống Đa (13), Ba Đình (2), Cầu Giấy (2), Hai Bà Trưng (16), Hoàn Kiếm (6), Hà Đông (29), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Xuân (9), Nam Từ Liêm (2), Hoàng Mai (11), Long Biên (17).
Theo Trần Kháng - Thành An
Dân Việt