Nhà máy di dời, cao ốc mọc lên: Không giảm tải áp lực về tập trung đông dân cư
(Dân trí) - Chính phủ thừa nhận, một số cơ sở sau di dời được sử dụng quỹ đất này để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng nên chưa giải quyết được việc giảm tải áp lực về tập trung đông dân cư khu vực nội thành.
Báo cáo của Chính phủ gửi tới đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực có đề cập tới nội dung thực hiện việc sắp xếp lại nhà đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh) theo quy hoạch.
Theo báo cáo, hoạt động sắp xếp lại nhà đất được thực hiện liên tục cả trước và sau Luật Đất đai 2013. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2/11/2016 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn việc phê duyệt phương án sắp xếp, đồng thời xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại phát hiện qua quá trình tổ chức thực hiện.
Chính phủ đã quy định trách nhiệm, quy trình tổ chức thực hiện và phân công, phân cấp rõ ràng ở Trung ương và địa phương.
Kết quả: Trung ương đã phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý 10.359 cơ sở, nhà đất của 38 bộ, ngành, cơ quan; trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 9.411 cơ sở theo đúng quy hoạch; điều chuyển 561 cơ sở từ nơi không còn nhu cầu sang nơi có nhu cầu sử dụng; chuyển giao về địa phương 138 cơ sở; tạm giữ để tiếp tục xử lý 79 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 51 cơ sở; thu hồi 10 cơ sở; chuyển mục đích sử dụng đất 05 cơ sở.
Đối với cơ sở nhà, đất do địa phương quản lý, theo báo cáo của 36 địa phương, kết quả như sau: từ ngày 08/3/2007 đến nay, đã phê duyệt 71.589 cơ sở nhà, đất; trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 68.144 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 843 cơ sở; điều chuyển 813 cơ sở; thu hồi 243 cơ sở; chuyển giao về địa phương 136 cơ sở; tạm giữ để tiếp tục xử lý 38 cơ sở.
Đối với việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 về quy chế tài chính phục vụ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc di dời đặt ra yêu cầu phải sử dụng quỹ đất sau di dời theo đúng quy hoạch.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, việc thực hiện còn chậm, một số cơ sở sau di dời được sử dụng quỹ đất này để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng nên chưa giải quyết được việc giảm tải áp lực về tập trung đông dân cư khu vực nội thành, việc sử dụng quỹ đất sau di dời này còn hạn chế.
Trên thực tế, việc di dời nhà máy, trụ sở để xây cao ốc còn những lỗ hổng khiến ngân sách thất thu cả ngàn tỷ.
Trong một báo cáo kết luận được Thanh tra Chính phủ công bố hồi năm ngoái cho thấy, riêng tại Hà Nội, có những doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thoả thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên; Dự án tại 365 A Minh Khai; Dự án 167 Thuỵ Khuê…
Theo Thanh tra Chính phủ, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án.
“Đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa”, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Tại Kết luận lần này, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn tồn tại tình trạng không căn cứ vào Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Kết quả thanh tra 38 dự án cho thấy, trong tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi phí không đúng theo quy định của pháp luật như: chi phí dự phòng, lãi tiền vay ngân hàng, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp công trình… để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất, dẫn đến chủ đầu tư hưởng lợi về kinh tế trong khi ngân sách thất thu số tiền lớn.
Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền tính sai lên tới hơn 1.480 tỷ đồng.
Kiểm tra 38 dự án, tại thời điểm thanh tra có 8 dự án nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 1.951 tỷ đồng. Từ phát hiện này, một số chủ đầu tư đã nộp hơn 1.106 tỷ đồng, số nợ đọng còn lại là gần 845 tỷ đồng.
Phương Dung