Đất nền vùng ven tăng giá, "đi ngược" mùa dịch

Khi bệnh dịch có những diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề sản xuất và một số phân khúc bất động sản bị ảnh hưởng thì đất nền vùng ven đô thị lại lên giá, đi ngược chiều mùa dịch.

Đất nền vùng ven tăng giá, đi ngược mùa dịch - 1

Đất nền vùng ven tăng giá, "đi ngược" mùa dịch.

Cả năm 2020 và thời điểm đầu năm 2021, đất nền vẫn là "điểm sáng" trong thị trường bất động sản vốn ảm đạm vì dịch bệnh ở cả TPHCM và Hà Nội.

Khảo sát thực tế cho thấy, giá đất nền phân lô tại các khu vực lân cận Hà Nội như xã Kim Chung, Vân Canh (huyện Hoài Đức) khu CNC Hòa Lạc như các xã Bình Yên (Thạch Thất) Phú Mãn (Quốc Oai) đã bị đẩy lên mức khá cao. Nhiều dự án vốn "nằm ngủ" 10 năm nay bỗng nhiên là tâm điểm trong khu vực về chuyển nhượng mua bán.

Xa hơn các huyện ngoại thành Hà Nội, khu vực huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) giá đất cũng được đẩy lên, một dự án đất nền được mở bán từ tháng 9 với 13-15 triệu đồng/m2 đã đẩy lên giá từ 22-23 triệu đồng/m2. Sau 5 tháng và ngay cả thời điểm giáp Tết vẫn được chuyển nhượng nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, không chỉ đất nền dự án tại các trục đường lớn tăng giá mà thậm chí, đất đai trong làng, trong xã ở những khu vực như Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, làng cổ cũng tăng giá mạnh.

"Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do nhu cầu của các nhà đầu tư trên thị trường hiện rất lớn. Nhà đầu tư đang "khát" các sản phẩm sinh lời. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản trên thị trường lại khan hiếm. Họ phải tìm đến cả các sản phẩm đất nền vùng ven, trong các làng xã để đầu tư khiến giá đất tại đây tăng mạnh" - ông Nguyễn Văn Đính nói.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguồn cung mới trong 3 quý đầu năm 2020 chỉ đạt trên 20.000 sản phẩm lần đầu chào bán. So với năm 2019, con số này rất khiêm tốn, chỉ đạt trên 35%.

Ngoài việc nguồn cung sản phẩm bất động sản ra thị trường hạn chế, khi dịch bệnh dòng tiền từ các lĩnh vực đầu tư khác tìm đến phân khúc đất nền như một kênh "trú ẩn" tạm thời. Lãi suất ngân hàng liên tục giảm trong năm 2020 và chưa có dấu hiệu lên cũng khiến nguồn tiền nhàn rỗi đi tìm tới bất động sản, trong khi thị trường đất nền giá tăng lên theo tuần, theo tháng.

Dù có nhiều cảnh báo về tình trạng giá đất bị đẩy cao hơn so với giá trị thật nhưng giới đầu tư vẫn dành nhiều kỳ vọng cho đất nền vùng ven. Kể cả trong thời điểm dịch bệnh, các nhà đầu tư vẫn chọn đất nền làm kênh rót vốn khiến nhiều khu vực vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Thời điểm cuối năm, nhu cầu tìm kiếm đất nền để đầu tư gia tăng nên ở một số khu vực, phân khúc này đã có dấu hiệu tăng nóng.

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các nhà đầu tư nên cẩn trọng với cơn sốt đất nền. Việc giá đất tại nhiều địa phương tăng mạnh là do sự nhiễu loạn của giới đầu cơ, cò đất lướt sóng kiếm lời. Điều này là rất nguy hiểm với các nhà đầu tư và thị trường bất động sản.

"Sốt đất ảo sẽ chỉ trong ngắn hạn, giá đất sẽ không thể tăng mãi được. Đến lúc bong bóng vỡ, nhiều nhà đầu tư tháo chạy không kịp sẽ bị thiệt hại rất lớn, thậm chí mất cả cơ nghiệp. Mặt khác, việc này còn gây thiệt hại chung cho đất đai khu vực đó, tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế cũng như quá trình xây dựng các khu đô thị sau này" - GS Đặng Hùng Võ nói./.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) năm 2020 thị trường bất động sản nóng lên, sốt đất bùng phát ở một số khu vực nông thôn, vùng chuẩn bị lên quận.

Những khu vực đất đai trong khu dân cư hiện hữu, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m², tăng so với năm 2019 khoảng 50%. Trong khi đó, các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30% so với năm 2019.