Đồn nhau đổ tiền vào đất vùng ven, giá bị thổi tăng từng ngày

(Dân trí) - Đồn nhau đổ tiền vào đất vùng ven, giá bất động sản tăng vù vù; Chuyên gia "mổ xẻ" yếu tố khiến giá bất động sản sẽ tăng năm 2021... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Đồn nhau đổ tiền vào đất vùng ven, giá bất động sản tăng vù vù

Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đối với khu vực đất đai trong khu dân cư hiện hữu, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức,... đã đẩy giá đất làng, xã trong khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với năm 2019.

Đồn nhau đổ tiền vào đất vùng ven, giá bị thổi tăng từng ngày - 1

Đất Thạch Thất từng "sốt ảo" một thời vì xôn xao các nhà đầu tư đến tìm mua.

Ở phía Nam, cơn sốt đất ở Châu Đức thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với điểm nóng là xã Bình Ba, cũng xảy ra. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô về đây tìm hiểu mua đất. Các nhà đầu tư từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,... đổ về quốc lộ 56, xã Bình Ba để hỏi mua đất khiến giá bán tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ.

Trước Tết Nguyên đán 2020, giá đất mặt tiền quốc lộ 56 chỉ vào khoảng 70-80 triệu đồng mỗi m2 thì trong cơn sốt đã bị "thổi" tăng lên từng ngày, cao gấp 3-4 lần, còn đất nông nghiệp tính theo diện tích sào (1.000 m2) có giá khoảng 600-700 triệu/sào được xem là đỉnh điểm cơn sốt vào đầu tháng 3. Không lâu sau đó, chỉ khoảng 2 tuần, cơn sốt đã hạ nhiệt, giới đầu cơ đất cũng rút đi chóng vánh.

Chuyên gia "mổ xẻ" yếu tố khiến giá bất động sản sẽ tăng năm 2021

Sang 2021, SSI Research cho rằng một yếu tố khác sẽ có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản chính là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đã được đẩy mạnh trong năm 2020.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng tiến độ giải ngân sẽ được đẩy nhanh trong năm 2021 - điều này tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường", SSI Research nhận định.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), năm 2020, giải ngân vốn của Bộ GTVT đạt 35,6 nghìn tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ, hay đạt 90% kế hoạch năm 2020) và dự kiến sẽ đạt 46 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, tăng 28% so với năm 2020.

Nhìn chung, SSI Research ước tính giá bán sẽ tăng 5% tại TP.HCM và 2% ở thị trường Hà Nội so với năm 2020.

Doanh nghiệp bất động sản: Làm nhà giá 20-25 triệu đồng/m2 không ăn thua!

Lãnh đạo HoREA mới đây đã đề nghị các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản xem xét tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.

Theo lãnh đạo HoREA, mặc dù lợi nhuận thấp, nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro, góp phần cùng nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.

Đồn nhau đổ tiền vào đất vùng ven, giá bị thổi tăng từng ngày - 2

Chuyên gia cho rằng không thể "ép" doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ. Việc chọn lựa phân khúc nào phải xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cho rằng, thị trường đang khát nguồn cung, trong khi chi phí tăng cao nên việc làm nhà giá rẻ khó khăn.

Một số doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, với mức giá 20 triệu - 25 triệu đồng/m2, chủ đầu tư làm không có lãi, không ăn thua nên họ hướng vào phân khúc bất động sản cao cấp.

Trước ý kiến của doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, tán thành việc không thể "ép" doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ. Việc chọn lựa phân khúc nào phải xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.

Vụ lùm xùm tại dự án TNR Stars Đồng Văn: Lãnh đạo tỉnh Hà Nam nói gì?

3 năm qua, dự án TNR Star Đồng Văn không được cấp phép xây dựng, không có sổ đỏ dù người dân đã hoàn thiện 95% giá trị hợp đồng. Quá bức xúc vì phải chờ đợi, người dân đã liên tục khiếu nại, biểu tình đòi quyền lợi.

Trước những phản ứng gay gắt đó, ngày 20/1, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức buổi đối thoại với những người dân mua đất ở khu vực này. Chủ trì buổi đối thoại là ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Tham dự buổi đối thoại còn có lãnh đạo Sở Xây dựng, Công an tỉnh Hà Nam và bà Thúy - Tổng Giám đốc TNI (Cấp cao hơn của công ty TNR - đơn vị được cho là đang phân phối dự án).

Đồn nhau đổ tiền vào đất vùng ven, giá bị thổi tăng từng ngày - 3
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Đức Vượng đã chủ trì phiên đối thoại

Tại cuộc họp, thay mặt tỉnh giải đáp những thắc mắc về thời hạn chính thức cấp sổ đỏ và cấp phép xây dựng cho người dân đã mua đất, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, khi nào chủ đầu tư thực sự của dự án được Bộ Xây dựng chấp thuận bằng văn bản, tỉnh sẽ ra quyết định cụ thể các vị trí được phân lô bán nền. Sau đó, chủ đầu tư sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên theo khẳng định của Giám đốc Sở xây dựng Hà Nam, trong quá trình triển khai từ đầu năm 2020 đến giờ, phía công ty TNR vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ.