Xe “ô tô điên” hay người tham gia giao thông “điên”?

Điên là một trạng thái tinh thần bất thường của con người hoặc những loài động vật bậc cao. Ô tô là một vật vô tri vô giác nếu có “điên” thì do con người điều khiển nó mà thôi.

Tôi đã từng chứng kiến và chia sẻ với một người bạn vong niên của tôi, đã bị một chiếc xe Ford Everest đâm trực diện khi đang đi xe máy đúng làn, đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ vì người lái xe kia là một Giám đốc chi nhánh ngân hàng say rượu, mượn xe. Bạn tôi đã văng ngược lại 20m, chân bị gẫy làm 3, tay phải gẫy đôi, xương sườn gẫy 2 chiếc và bị trầm cảm sau 1 năm chữa vết thương vì cách đối xử của kẻ cậy tiền kia. Tôi chia sẻ sự chịu đựng với mọi người khi phải “bon chen” để sớm hơn 1 giây nhưng cũng nhắc các bạn rằng, cuộc đời còn dài và hãy tự sắp xếp cuộc sống để tham gia giao thông ở trạng thái tinh thần, tâm lí, sức khỏe, nhận thức pháp luật tốt nhất!

Nhưng theo tôi nghĩ, nhìn nhận sự việc gì cũng phải có thái độ khách quan, không nên quy kết tội cho “ô tô diên” nhiều quá. Nếu những chiếc ô tô gây ra tai nạn liên tiếp đó được gọi là “điên”  thì không hiểu những chiếc xe máy ở Việt Nam được gọi tên ở trạng thái nào khi tỉ lệ tai nạn giao thông đường bộ do chúng gây ra và mức độ “điên” còn kinh hoàng hơn?  

Tôi không hiểu nếu tác giả bài viết Cần chủ động ngăn chặn hiểm họa “ô tô điên” là người lái xe ô tô thì có bị phát “điên” lên khi cho xe chạy ở nhiều con đường của Hà Nội không? Nếu bạn chưa từng một lần “điên” thì có thể có một số lí do sau: thứ nhất, có thể bạn đi chậm như rùa và người đằng sau sẽ “điên” với bạn; thứ hai: xe bạn có biển xanh, luôn giương pha vào mắt người lái xe đối diện; thứ ba: bạn là Tề Thiên Đại Thánh có phép “cân đẩu vân” để tránh những chiếc xe máy, xe đạp đang đi phía trước bạn và “bỗng dưng” thích rẽ hoặc một thằng ma cô đỗ sau bạn, cứ còi inh ỏi trong khi đèn đỏ còn 7 giây đếm ngược.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thông thường có vẻ như những người đi xe máy, xe đạp, đi bộ dễ  bị nguy hiểm hơn người ngồi trong ô tô, nhưng họ lại không nghĩ thế, nên luôn có ý nghĩ rằng: xe ô tô đâm xe máy là ô tô phải đền, xe máy đâm xe đạp là xe máy phải đền… Vậy thì ở đây, vấn đề tiên quyết là dân trí. Vì những người hiểu biết, có học  thường “ít” liều mình vô lý như thế.

Không ít người cố tình luồn lách bên phải, bên trái ô tô trong lúc chờ đèn đỏ hoặc đi chậm rồi càng xe máy bẻ quặt cái gương hậu ô tô ra đằng trước rồi thản nhiên đi tiếp! Người có ô tô không cần người đó đền hay bẻ lại, chỉ cần một cái ngoái đầu lại, giơ tay xin lỗi, vậy là cả 2 vui vẻ. Nhưng đừng có mơ nhé! Vậy thì ai sẽ “điên” đây?

Như mọi người đều thấy, chúng ta đang phải “bon chen” trên những con đường quá thật hẹp. Và lỗi làm cho đường hẹp lại không phải lỗi của người có xe ô tô. Vì nếu đổ lỗi cho ô tô thì các bạn đổ lỗi cho công cuộc đổi mới của đất nước à? Và hình như ô tô luôn bị chỉ trích trong nhiều trường hợp và rất nhiều người “ghét” nó và cả chủ của nó. “Ghét” vì sự ghen ăn tức ở rất nhiều. Đôi khi đi xe ô tô đến một cơ sở dịch vụ nào đó, người phục vụ luôn nhìn người lái xe như thể ô tô của họ là nỗi phiền toái và có tội vậy. Vì đơn giản họ không có chỗ đỗ xe hoặc không muốn phục vụ người có xe ô tô.

Thật ra, ô tô là hiện thân cho một cuộc sống văn minh, phát triển. Nhưng cách sử dụng và đón nhận nó đều có những thứ trái chiều. Có người ngồi trong xe thì coi như là ở nhà rồi: tự nhiên nghe điện thoại di động, không thắt dây an toàn, đi lấn làn và người sau xin vượt cũng không thèm để ý. Hoặc có người đi ô tô rồi mà vẫn giữ cái thói quen rất “lùn”: rẽ không xi-nhan mặc dù phía sau là cả đoàn xe, luôn chiếu đèn pha trong phố, luôn đi sai làn, vượt phải và gây ra sự cố thì gân cổ ra cãi hoặc cố “nặn” cái thằng xe máy sinh viên mấy trăm để sửa xe mặc dù ô tô của mình đã mua bảo hiểm và vết xước do cậu xe máy kia không đáng gì. Vậy thì ở đâu cái ô tô không văn minh thì là chủ của nó “điên”? Đấy là biểu hiện của sự giàu sổi, không đi kèm văn minh nói chung.

Thật tình, tôi không trông chờ nhiều vào luật và đội ngũ dạy lái xe. Ai chưa hiểu điều này, chỉ cần quan sát thử một vòng ở bãi tập xe để chuẩn bị thi sát hạch. Rất nhiều bà, nhiều cô phải mang theo cái gối để kê vào lưng ngõ hầu hai chân vươn tới bàn côn, phanh và ga để có lực, rất nhiều “hảo hớn” lấc cấc đến đó thi cho nó xong để lấy cái bằng để ông già nhét vào đâu đó, để mua xe đóng cổ phần làm mấy hãng taxi cỏ, rất nhiều những bậc lão niên đi học lái xe cho khuây khỏa, tinh nhạy trở lại vì họ đã “cứng” trong phản xạ rồi, rồi rất nhiều những người mà nhà họ hoặc “quân” đã có xe cho mượn tập lái bên ngoài với những mớ kiến thức hỗn độn và không bài bản, đến tập xe chíp để thi cho nó có bằng. Các thày giáo dạy lái xe mong gì: thứ nhất: những xe để tập đừng nhanh bị hỏng côn, số, lốp. Thứ hai: những chỗ “quan hệ” phải lo cho họ thi đỗ (ví dụ chèn gạch vào lốp xe của “quan hệ” khi thi ở bài “đề pa lên dốc”.). Thứ ba: lớp có nhiều em xinh để không khí vui vẻ. Thứ tư: đảm bảo an toàn trong quá trình tập đường trường. Và thứ năm, cũng không kém phần quan trọng, đó là: có những “học trò” rất bướng và tinh vi, thày giáo muốn “nghiêm túc” cũng không được.

Còn nhìn ra nước ngoài, như Hồng Kông chẳng hạn, đường họ cũng chật hẹp, không có rộng và mật độ siêu xe (đắt tiền, chạy nhanh) có lẽ là hàng đầu thế giới. Nhưng chắc chắn là tỉ lệ tai nạn giao thông đường bộ của họ trên số dân hoặc theo thời gian của họ ít hơn ta nhiều lần. Vì sao ư? Vì chờ đèn đỏ thì người đi bộ không bao giờ thò 1 bàn chân xuống vạch cho người đi bộ mà họ đứng hẳn trên vỉa hè, họ không bao giờ băng qua phố như ta  chạy sang đường mà như chạy từ phòng ăn vào phòng vệ sinh để “xả nước cứu thân”, chỗ nào có cầu vượt qua phố thì họ kiên nhẫn đi 500m để sang bằng cầu vượt, chứ không vắt giò, trèo, chui và thậm thụt chạy qua như ta, họ cũng chẳng dỗi hơi để thay cái đèn hậu xe máy từ màu đỏ hoặc vàng sang màu trắng để người lái xe phía sau luôn lóa mắt, họ cũng không có những chiếc xe tải vừa chạy vừa tìm chỗ đổ trộm phế thải trên đường, họ càng không lấy trộm nắp hố ga để bán đồng nát và không bao giờ có thể hoặc cố tình vượt qua đường tầu hỏa để đi bậy để rồi nát thân, họ không tự phá dải phân cách hay đi ngược chiều để về nhà cho gần. Hơn ai hết, mỗi người của họ luôn tự biết quý tính mạng của mình, và giao thông thể hiện cái văn minh và dân trí hơn ta rất nhiều.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến luật pháp rất nghiêm và đối xử rất công bằng chứ không phải cứ vi phạm, CSGT vẫy vào là mở điện thoại, nhờ người quen hay thậm chí rút gậy ra dọa đánh cảnh sát hoặc cứ xe to là phải đền.

Vậy thì cần làm gì để giảm thiểu tai nạn giao thông đây? Đất nước ta hãy phấn đấu giàu lên đi đôi với việc nâng cao ý thức và trình độ văn minh của người dân; hãy quy họach mạng lưới giao thông hợp lý hơn và làm đường to ra để tránh ùn tắc và ức chế tâm lí; sát hạch lái xe nghiêm vào để ai có bằng là lái tốt; mọi người hãy có ý thức với mạng sống của mình; các quy định về giao thông nên kịp thời sửa đổi, bổ sung để người dân chấp hành tốt hơn; người xử lí các vấn đề của giao thông “được” công tâm, không có ai can thiệp; các đồng chí cảnh sát giao thông gương mẫu hơn (số lượng CSGT không thắt dây bảo hiểm khi tham gia giao thông rất nhiều).

Mỗi bạn đọc bài này hãy cùng Dân trí đóng góp một giải pháp nhé! Vì “xe điên” cũng chỉ là 1 trong số vô vàn những “nhức nhối” của giao thông Việt Nam.

 

                                                                        Hữu Minh

 

LTS Dân trí - Muốn giải quyết cơ bản những vấn nạn giao thông hiện nay thì phải có những biện pháp cơ bản và đồng bộ như đóng góp ý kiến của tác giả bài viết trên đây cũng như nhiều bạn đọc khác. Tuy nhiên chúng ta không chờ đến khi đất nước giầu lên và trình độ văn minh của người dân đã được nâng cao, mà ngay từ bây giờ, cần áp dụng ngay biện pháp khả thi, kể cả những biện pháp tình thế, để giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, nhất khắc phục những tai nạn giao thông gây tổn hại nhiều về kinh tế, thậm chí cả sinh mạng con người.

Cần chấn chỉnh ngay việc cấp bằng lái xe cả ô tô và xe máy quá dễ dãi, chiếu lệ, khiến cho không ít người được cấp bằng lái xe vẫn không có tay nghề đáng tin cậy, không nắm vững luật an toàn giao thông, nhiều khi còn thiếu ý thức cẩn trọng khi di đường và trong cách ứng xử. Chúng tôi đề nghi thi lấy bằng lái xe phải bao gồm cả những câu hỏi trắc nghiệm để đánh giá đạo đức và cách ứng xử của người lái xe.

Bằng nhiều biện pháp nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, nhất là đưa các biện pháp an toàn giao thông vào chương trình giáo dục của nhà trường. Mặt khác, cần xử lý nghiêm, phạt nặng những trường hợp vi phạm để đủ sức răn đe đối với mọi thành phần tham gia giao thông; nếu người vi phạm là công an thì càng phải phạt nặng hơn. Chỉ có như vậy thì luật pháp mới nghiêm.

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm