Siết chặt dạy học thêm: Cần thiết nhưng phải hợp lý

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Siết chặt dạy thêm là cần thiết, song quản lý ra sao để hài hòa lợi ích, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh sẽ là bài toán mà những người làm giáo dục phải tiếp tục tìm ra lời giải.

Việc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2 gây ra sự xáo trộn trong ngành giáo dục, đặc biệt với các giáo viên, phụ huynh và học sinh. Trong đó, một trong những vấn đề nổi cộm và thu hút sự quan tâm lớn chính là các quy định, nội dung ràng buộc mới về việc dạy học thêm ngoài trường. 

Cụ thể, để được phép tổ chức dạy học thêm ngoài nhà trường, giáo viên cần đảm bảo 3 điều kiện cơ bản sau: (i) Phải thực hiện đăng ký kinh doanh, công khai, niêm yết thông tin về các nội dung liên quan tới hoạt động dạy học thêm; (ii) Phải đảm bảo về đạo đức, năng lực chuyên môn và (iii) Phải báo cáo hiệu trưởng, giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. 

Siết chặt dạy học thêm: Cần thiết nhưng phải hợp lý - 1

Một lớp học thêm tại TPHCM hồi tháng 12/2024 (Ảnh: Nam Việt).

Siết chặt, quản lý vì lợi ích của Nhà nước

Thực tế, đây không phải những quy định quá mới mẻ, lạ lẫm bởi ngay tại Luật Đầu tư 2014, Quốc hội đã quy định về việc tổ chức dạy thêm, học thêm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tức phải đáp ứng các điều kiện ràng buộc theo quy định của pháp luật và hoạt động dưới sự giám sát, quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Trước đó, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cũng đặt ra những quy chuẩn, điều kiện đầu tiên để được phép hoạt động dạy học thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2016 và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, dạy học thêm đã bị xóa bỏ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời các quy định ràng buộc về điều kiện, tiêu chuẩn dạy học thêm cũng biến mất. Trong khi đó, Luật Đầu tư 2020 ra đời cũng không quy định về việc bổ sung dạy học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Những điều này vô tình tạo ra lỗ hổng về pháp lý, tạo "cơ chế mở" để việc dạy thêm trở nên tràn lan, mất kiểm soát. Trong bối cảnh nhu cầu cho con học thêm tăng vọt những năm qua, nhiều lớp học phụ đạo ra đời một cách tràn lan, tự do, thiếu kiểm duyệt và quản lý từ các cơ quan quản lý ngành giáo dục. Sự xuất hiện ồ ạt, thiếu quản lý này dẫn tới việc khó tránh khỏi những vấn đề liên quan tới chuyên môn của giáo viên cũng như chất lượng dạy học.

Không những vậy, việc giáo viên được mặc sức "ra giá", thu tiền mà không chịu bất cứ cơ chế giám sát, báo cáo nào với cơ quan quản lý thuế cũng gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Việc nhiều giáo viên "bội thu", đổi đời từ dạy học thêm nhưng đóng góp của họ cho ngân sách gần như là không đáng kể không chỉ là thiệt thòi cho Nhà nước mà còn là sự bất công với các ngành nghề khác trong xã hội. 

Do đó, việc quản lý, siết chặt hoạt động dạy học thêm là cần thiết và cần được ủng hộ, không chỉ vì lợi ích quốc gia mà còn vì chính lợi ích của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, việc siết chặt và quản lý ra sao là vấn đề cần phải đánh giá, cân nhắc một cách hết sức cẩn trọng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. 

Siết chặt dạy học thêm: Cần thiết nhưng phải hợp lý - 2

Sự ra đời của Thông tư 29 gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp của các sĩ tử (Ảnh minh họa: H.N).

Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về việc giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà bản thân được phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. So với Thông tư 17, Thông tư mới đã cấm triệt để hoạt động dạy học thêm đối với học sinh chính khóa trên lớp. Tuy nhiên, quy định này đang vấp phải sự phản đối của nhiều giáo viên. 

Dẫu biết quy định này nhằm hạn chế tiêu cực trong việc giáo viên "giấu bài" khi dạy trên lớp nhưng với thời lượng học chính khóa hạn chế như hiện nay, dù giáo viên có "giấu bài" hay không thì thực tế phải chấp nhận rằng không phải học sinh nào cũng có thể tiếp thu và áp dụng một cách nhuần nhuyễn các kiến thức, bài giảng trên lớp.

Không những vậy, mỗi học sinh có một năng lực, cách tiếp thu khác nhau, đòi hỏi giáo viên phải hiểu tâm lý, tính cách học sinh và linh động trong phương pháp tiếp cận, giảng dạy. Không vội bàn tới những trường hợp giỏi, xuất sắc với tham vọng lớn và cần những giáo viên xứng tầm, việc học thêm giáo viên ngoài sẽ mang tới những rủi ro về tính hiệu quả, bởi lấy gì để đảm bảo một giáo viên được cho là giỏi sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với các giáo viên chính khóa? 

Vậy khi đó, việc học thêm chính những giáo viên trong trường không phải giải pháp tốt nhất hay sao? 

Biết rằng việc siết chặt dạy thêm, học thêm là hợp lý và cần thiết, song quản lý ra sao để hài hòa lợi ích, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh sẽ là bài toán mà những người làm giáo dục phải tiếp tục tìm ra lời giải. 

Theo Luật sư Trần Hoàng Linh