Vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc: Xử nghiêm mới mong hết "bong bóng" đất?

Thế Hưng

(Dân trí) - Bạn đọc Dân trí cho rằng, ảnh hưởng của chiêu trò đấu giá rồi hủy cọc gây tình trạng sốt ảo, "bong bóng" bất động sản, cần xử lý nghiêm.

Ngày 11/1, Chủ tịch Tân Hoàng Minh gửi "tâm thư" chấm dứt hợp đồng đấu giá khu đất Thủ Thiêm 24.500 tỷ đồng. 

Cụ thể, trong bức "tâm thư" gửi tới lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước của ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh bày tỏ việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12, khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu đất có diện tích hơn 10.000 m2, mức trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng.

Tự ông Dũng cũng đánh giá đây mức giá "cao bất ngờ chưa bao giờ nghĩ đến".

Ngay sau thông tin trên, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đang rà soát toàn bộ quy trình bán đấu giá tài sản 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có khu đất mà Công ty TNHH đầu tư Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá với số tiền 24.500 tỷ (hơn 2,4 tỷ đồng/m2).  

Đáng chú ý, theo lãnh đạo cấp Cục của Bộ Tư pháp, cần phải lưu ý là kể cả các bên có thỏa thuận nhưng nếu việc hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng tới lợi ích cả Nhà nước thì pháp luật cũng không cho phép hủy hợp đồng. 

Bỏ cọc là "chuyện tất yếu"?

Vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc: Xử nghiêm mới mong hết bong bóng đất? - 1

Cận cảnh lô "đất vàng" ở Thủ Thiêm được bán đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 (Ảnh: Hữu Khoa).

Loạt thông tin được đăng tải đã khiến dư luận xã hội rất bất ngờ và xôn xao. Nhưng bên cạnh đó, phần đông độc giả Dân trí cho rằng, đây là "chuyện tất yếu" mà nhiều người đã đoán trước được.

Theo độc giả có nickname T.Đ., sở dĩ, chủ đầu tư dám bỏ cọc một phần do các quy định của pháp luật về đấu giá chưa đủ chế tài xử lý, do đó họ không sợ. Chủ đầu tư chỉ thực sự e ngại nếu không mua sẽ bị phạt 50% số tiền trúng đấu giá.

Đồng quan điểm đó, độc giả Chí cho rằng, Nhà nước nên đặt ra tỷ lệ cọc thấp nhất bằng 50% giá trị hàng dự kiến bán và thêm một khoản nộp sau khi thắng thầu. Nếu không nộp sẽ bị cưỡng chế hành chính, đồng thời cần có chế tài răn đe. 

Bên cạnh hàng loạt những ý kiến phản đối, vẫn có người cho rằng, theo luật thì Tân Hoàng Minh phải chịu mất cọc, đó là việc rất bình thường. Độc giả H.K. còn bày tỏ quan điểm, đất Nhà nước vẫn còn đó, lại lợi thêm hàng trăm tỷ đồng tiền cọc. Điều cần bổ sung chỉ là các điều kiện đấu giá để hạn chế quyền tham gia đấu giá các lần sau.

"Tân Hoàng Minh rút cọc vì ôm mảnh đất đó không khác gì ôm quả lựu đạn rồi tự tay rút chốt. Bởi giá đất tạo ra sự chênh lệch địa tô, các dự án tương lai sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Những hệ lụy lịch sử để lại là không nhỏ.", độc giả H.K. phân tích.

"Bỏ cọc 1 lô mà bán được 100 lô thì sao?"

Tuy nhiên, nhận định yếu tố phía sau sự việc, độc giả Hoang Vu cho rằng nên thanh tra kỹ vì Tân Hoàng Minh đang là một trong những "tác nhân" làm loạn giá bất động sản trên cả nước. Rất có khả năng bản thân ông Đỗ Anh Dũng hoặc tập đoàn đó có nhiều khu đất gần khu đất vừa bỏ đấu giá.

"Họ cố ý làm loạn giá để trục lợi những lô đất gần đó. Nếu bỏ cọc 1 lô đất mà ông Dũng bán được 100 lô bên cạnh giá cao thì sao nhỉ?", bạn đọc Hoang Vu đặt dấu hỏi, đồng thời khẳng định nên có chế tài thật mạnh với những trường hợp này. Nếu Tân Hoàng Minh không mua thì phạt 50% giá trị lô đất đó mới đủ răn đe.

Rất nhiều độc giả Dân trí đồng ý với quan điểm trên và nhận xét, chiêu trò này đã được cảnh báo, giá đất xung quanh khu vực được đấu giá cũng khó có thể trở về bình thường được. Hệ lụy cho thị trường, cho nền kinh tế cũng cần được tính đến.

Nhiều bạn đọc muốn điều tra rõ ràng sự việc và xử lý làm bài học răn đe.

Độc giả Thanh Hùng nêu quan điểm, cần điều tra xem những lô đất còn lại đang rơi vào tay ai. Họ có lập nhiều công ty để mua hay không? Tổ chức, cá nhân nào bắt tay trong đấu giá? Xử lý được thì kinh tế Việt Nam mới mong hết "bong bóng" đất.

Sự ảnh hưởng của những chiêu trò phía doanh nghiệp bất động sản tạo ra khiến bạn đọc Gia Linh lo lắng các chiêu trò đẩy giá đất của doanh nghiệp sẽ khiến dân nghèo muốn có nhà nhỏ để ở cũng không được.

Bạn đọc Hoàng Văn Minh cho rằng: "Tôi cảm nhận được Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc với hệ lụy là sẽ mất số tiền 588 tỷ đồng đã cọc, chưa nói đến số tiền bị phạt tiếp theo, thì nhiều khả năng tập đoàn này đang có nhiều vấn đề. Bộ Công an đang yêu cầu các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cung cấp hồ sơ 11 dự án của tập đoàn tại Hà Nội. Mọi việc hồi sau sẽ rõ, không phải tự nhiên mà họ để mất tiền lớn như vậy đâu!".