Tại sao Tân Hoàng Minh chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng để rút khỏi Thủ Thiêm?
(Dân trí) - Chuyên gia kiến nghị trường hợp Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm đặt ra vấn đề phải hoàn thiện cơ chế đấu giá chặt chẽ hơn để tránh xảy ra trường hợp tương tự trong tương lai.
Vụ việc tập đoàn Tân Hoàng Minh, thông qua doanh nghiệp thành viên Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, vừa tuyên bố bỏ cọc lô đất 3-12 thuộc Khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng ngay lập tức tạo ra những hiệu ứng trên thị trường. Trong sáng nay, hàng loạt cổ phiếu bất động sản, đặc biệt những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất ở Thủ Thiêm, đồng loạt lao dốc.
Doanh nghiệp mất tiền, mất cả uy tín
Theo Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Luật sư điều hành Legal United Law, với việc bỏ cọc, Tân Hoàng Minh sẽ mất khoản tiền đặt trước gần 600 tỷ đồng đã đặt cọc khi tham giá đấu giá. Đặc biệt, ông Tùng nhấn mạnh thiệt hại lớn hơn của tập đoàn bất động sản này là uy tín. Còn lô đất 3-12 Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ được TPHCM tổ chức đấu giá lại.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng sau khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, dù lô đất 3-12 tạm thời chưa có chủ đầu tư nhưng với mức giá khởi điểm khoảng 3.000 tỷ đồng và với những kinh nghiệm trong công tác đấu giá, TPHCM không khó tìm được nhà đầu tư mới.
"Có thể giá mới sẽ 5.000 tỷ đồng hoặc 10.000 tỷ đồng nhưng vấn đề đó không đáng lo. Việc cần quan tâm là TPHCM sẽ có quy định chặt chẽ như thế nào để tìm chủ đầu tư đủ năng lực, uy tín", ông Hiển nêu quan điểm.
Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng trong trường hợp xấu nhất khi 4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm vừa qua đều bỏ cọc thì đất vẫn có thể tổ chức lại đấu giá. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước vẫn được bổ sung thêm hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền đặt cọc. Như vậy, ngân sách không những mất mà vẫn thu được tiền.
Luật sư kiến nghị cấm tham gia đấu giá 3-5 năm
Trao đổi với Dân trí, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kiến nghị bổ sung quy định cấm nhà đầu tư bỏ cọc tham gia đấu giá trong 3-5 năm tới sau trường hợp của Tân Hoàng Minh với lô đất vàng tại Thủ Thiêm. Ông Hậu cho rằng việc nhà đầu tư bỏ cọc sẽ tạo tiền lệ không tốt cho công tác đấu giá tài sản về sau và cần hoàn thiện các quy định về đấu giá theo hướng chặt chẽ hơn để lựa chọn được doanh nghiệp thật sự có năng lực.
Ông nhắc lại việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc không quá bất ngờ khi dư luận đã đặt dấu hỏi làm thế nào doanh nghiệp có thể huy động số tiền cực kỳ lớn 24.500 tỷ đồng trong thời gian ngắn. Đặc biệt, nhà đầu tư này chính thức rút lui sau khi cơ quan quản lý ngành ngân hàng yêu cầu rà soát việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm. Rõ ràng, doanh nghiệp không thể giải bài toán cân đối tài chính để nộp tiền sử dụng đất nếu không có nguồn vốn tín dụng.
Luật sư Hậu nhấn mạnh thêm, cơ quan quản lý cần kiểm tra liệu các doanh nghiệp tham gia đấu giá chỉ vì mục đích kinh doanh hay có mục tiêu nào khác. Ông đặt câu hỏi, trong bối cảnh kinh tế nói chung đang chững lại sau dịch bệnh, liệu có doanh nghiệp nào muốn mất vài trăm tỷ đồng tiền đặt cọc hay bản thân họ có sự tính toán khác nên chấp nhận như vậy.
Ông cũng cho rằng có thể nâng mức tiền đặt cọc lên 30-40% mức giá khởi điểm để tìm được nhà đầu tư thật sự có năng lực. Theo ông, tỷ lệ 30-40% không cao vì nếu đấu giá thắng, tài sản thuộc về doanh nghiệp còn không trúng đấu giá sẽ được hoàn trả. Tuy nhiên, số tiền đặt cọc cao sẽ khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc cẩn trọng khi đưa ra bước giá, tránh trường hợp "đua nhau bỏ giá không suy nghĩ" như trong phiên đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua.
"Ví dụ doanh nghiệp muốn mua khu đất, họ phải tự cân đối bài toán tài chính để tính toán ngưỡng giá có thể chấp nhận. Nếu họ có khả năng tài chính, có kế hoạch rõ ràng thì sẵn sàng nâng giá đấu lên, còn không thì sẽ mất số tiền đặt cọc lớn nếu không thanh toán. Như vậy sẽ tránh trường hợp bỏ cọc tương tự", ông Hậu chia sẻ quan điểm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh việc nhà đầu tư bỏ cọc, không thanh toán tiền sau khi đấu giá không vi phạm các quy định pháp lý nhưng để lại bài học để các cơ quan quản lý phải đánh giá, điều chỉnh các quy định liên quan đến đấu giá theo hướng hoàn thiện, chặt chẽ hơn, có chế tài để tránh trường hợp lợi dụng việc đấu giá nhằm trục lợi, giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn.
Châu Anh Phong - Việt Đức