Bài 3:

Vụ "chặt đôi" dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm?

Anh Thế Ngọc Hân

(Dân trí) - “Cần phải làm rõ tại sao quyết định của Chủ tịch huyện Hữu Lũng không được thực thi? Tại sao Sở GTVT Lạng Sơn dám tham mưu như vậy?", Bạn đọc Dân trí bày tỏ bất bình.

Như Báo Dân trí đã thông tin, sự việc Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Sơn Thuỷ (Công ty Sơn Thuỷ), có địa chỉ trụ sở chính tại số 7 ngách 219, ngõ 264 đường Ngọc Thuỵ, tổ 13, phường Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội ngang nhiên đổ đất làm một con đường lớn cắt đôi sông Trung để xe trọng tải lớn của doanh nghiệp này chở cát sỏi lưu thông khiến dư luận tại thôn xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) “dậy sóng”.

Điều khiến dư luận vừa ngỡ ngàng vừa bức xúc hơn nữa là quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng dòng sông của UBND huyện Hữu Lũng với doanh nghiệp chẳng những không được thực hiện và công trình lạ kỳ này còn được lãnh đạo tỉnh hợp thức hoá. 

Vụ chặt đôi dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm? - 1
Vụ chặt đôi dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm? - 2

Khó ai tưởng tượng được một doanh nghiệp có thể "chặt đôi" cả dòng sông làm đường chở cát sỏi bất chấp người dân và chính quyền phản đối tại Lạng Sơn.

 Có hay không “ma lực của đồng tiền"?

Bất bình trước sự việc, bạn đọc Dân trí đã gửi về nhiều comment (ý kiến bình luận) bày tỏ quan điểm của mình.

Bạn đọc Phùng Hữu Quân “đặt” dấu chấm hỏi về sự yếu kém của cả hệ thống cơ quan ban ngành từ xã, huyện, tỉnh Lạng Sơn bởi: “Ở huyện tôi công tác, nếu dựng tạm cái lều vó, cái đăng, đó hay đặt cống, xây cầu qua sông, qua kênh cấp 1, 2 thì tập thể hay cá nhân phải trình qua xã, sau đó xã trình lên Công ty thủy nông huyện và sau khi kiểm tra, Công ty thủy nông sẽ trình lên huyện. Sau đó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tham mưu UBND huyện có cho làm hay không. Bất cứ cá nhân nào có dấu hiệu sai phạm thì có cán bộ thủy nông xuống xử lý ngay từ ban đầu.

Về vụ việc vi phạm trên, có thể nói huyện Hữu Lũng quản lý yếu kém, xã kém, Công ty thủy nông kém, phòng NN&PTNT kém... Không biết có lợi ích đằng sau hay không nhưng một con sông lớn như thế, vừa có tác dụng điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp lại vừa để thoát lũ và phục vụ dân sinh nhưng bị chặn dòng như thế mà tỉnh vẫn cho phép thì đúng là phải đặt dấu chấm hỏi. Đề nghị Công an vào cuộc để xác minh”.

Bạn đọc Dân: “Đề nghị làm rõ ngay công văn của UBND tỉnh Lạng Sơn, xử nghiêm khắc các cá nhân sai phạm. Cưỡng chế thi hành ngay với Công ty TNHH này khi không thực hiện. Qua sự việc thấy ngay có bất thường trong xử lý của UBND tỉnh Lạng Sơn, tất cả các "nghiên cứu", "bổ sung" của công văn UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ là ngụy biện cho hành động trái pháp luật đã thực hiện xong”.

Vụ chặt đôi dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm? - 3
Vụ chặt đôi dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm? - 4

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu ký văn bản đồng ý cho tồn tại con đường thách thức pháp luật bất chấp quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ của Chủ tịch huyện Hữu Lũng.

Có thể nói, cái sai của cán bộ chính là tai họa với nhân dân, bởi như quan điểm của bạn đọc Nguyễn Diệp thì: “Kiểu này thì biết cấp nào đúng cấp nào sai?! Dòng sông bị chặn lại, nước không thể chảy, không lưu thông được, rõ ràng đây là việc làm sai trái của cái công ty Sơn Thuỷ này rồi, thế nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh lại ủng hộ cho “tồn tại” là sao?".

Ông Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn là ai, và phải chịu trách nhiệm ra sao? Và cuối cùng, vị phó chủ tịch tỉnh đặt bút ký đi ngược quyết định hành chính mà UBND huyện Hữu Lũng ban hành phải trả lời nhân dân ra sao?”, bạn đọc Nguyễn Văn Tự.

Bạn đọc Hoang Van Minh: “Xuất hiện một số quan chức có dấu hiệu bất minh trong vụ việc này. Những biểu hiện thoái hoá biến chất không thể nào qua mắt được nhân dân!”.

“Cần làm rõ có hay không dấu hiệu chống lưng, lợi ích nhóm"

“Đây là vụ việc có dấu hiệu chống lưng rõ ràng, dấu hiệu lợi ích nhóm. Cái nguy hiểm là cả quyết định hành chính có dấu quốc huy của Chủ tịch huyện Hữu Lũng cũng bị vô hiệu hoá. Vậy pháp luật ở Lạng Sơn nghiêm minh như thế à? Sự phản đối, bất bình của nhân dân bị bịt mồm trắng trợn như vậy sao? Với việc Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn ký văn bản đồng thuận bất thường như vậy thì vụ việc này cần phải các cơ quan Trung ương vào cuộc một cách nghiêm minh và quyết liệt mới lôi ra ánh sáng tất cả những kẻ coi thường phép nước, lòng dân!”, bạn đọc Nguyễn Văn Thông.

Bạn đọc Phamtuan: “Đây là một trong những kiểu thực thi pháp luật có dấu hiệu bảo kê".

Vụ chặt đôi dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm? - 5
Vụ chặt đôi dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm? - 6
Vụ chặt đôi dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm? - 7

Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng đã ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu doanh nghiệp phá dỡ ngay con đường này nhưng tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.

Bạn đọc Đoàn Nhật Tâm: “Chả lẽ cùng trong một tỉnh lại có thể tồn tại những chế tài về luật pháp khác nhau sao? không lẽ cấp nào cao hơn thì có quyền bác bỏ quyết định của cấp dưới. Dân chúng sẽ tin vào đâu trong khi tồn tại cùng một lúc 2 cán bộ công quyền có quyết định trái ngược với nhau như vậy”.

Bạn đọc Lê Ngoc Anh: “Như này cần có thanh tra độc lập từ TW đến kiểm tra thôi, đã vậy phải thanh tra cả sự việc chấp hành các hoạt động của doanh nghiệp này đối với việc khai thác và chế biến khoáng sản tại đây nữa”.

Bạn đọc Trương Mạnh Hà: “Chẳng ai dám giỡn mặt với pháp luật trừ khi doanh nghiệp đó núp sau lưng một ông cán bộ tầm cỡ? Không có chống lưng bảo kê, cho ăn vàng cũng không ai dám tự ý đi ngăn sông, cấm chợ đâu. Đề nghị UBKT và Thanh Tra Chính Phủ vào cuộc để xử lý đúng người đúng tội!”

Cú giỡn mặt pháp luật tại xứ Lạng 

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Dấu hiệu thao túng pháp luật để phục vụ cho những lợi ích bất minh rất rõ trong vụ việc này. Hay nói cách khác, các cơ quan công quyền tại Lạng Sơn không thể hành xử trước sự nghiêm minh của pháp luật bằng thái độ đùa giỡn như vậy được”.

Vụ chặt đôi dòng sông ly kỳ ở xứ Lạng: Có chống lưng, lợi ích nhóm? - 8
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng các cơ quan Trung ương cần làm rõ có hay không động cơ bất minh phía sau cách hành xử bất thường trước pháp luật như vậy tại Lạng Sơn.

Luật sư Lực bày tỏ: Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định số 1722/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường với Công ty Sơn Thuỷ đã thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi người dân, an toàn của xã hội, lợi ích của Nhà nước. Quyết định hành chính một khi được ban hành đúng pháp luật, đúng hành vi vi phạm có hiệu lực ngay khi ban hành thì phải được thực thi trên thực tế.

“Quyết định hành chính của một chủ tịch huyện là đại diện cho quyền lực cưỡng chế của Nhà nước với cá nhân vi phạm pháp luật. Không thực thi quyết định được ban hành phải chăng là hành vi phủ nhận quyền lực quản lý xã hội của Nhà nước bằng pháp luật, phá bỏ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, tạo ra bất ổn định xã hội.

Liên quan đến thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản đã được Nghị định 33/2017/NĐ-CP đã có phân cấp thẩm quyền hết sức rõ ràng để tránh tình trạng trồng chéo về thẩm quyền. Vụ việc vi phạm Công ty Sơn Thuỷ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng và đã được cơ quan này ban hành quyết định xử phạt đúng thẩm quyền thì nghiêm cấp việc can thiệp trái thẩm quyền vào vụ việc.

Luật xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 12 về Những hành vi bị nghiêm cấm gồm: “Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính. Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính”.

Nghị định 40/2019/NĐ-CP xác định  dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường: “Dự án khai thác khoáng sản (bao gồm cả dự án khai thác có công đoạn làm giàu khoáng sản); Dự án khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông, ven biển và các dự án khác thuộc đối tượng phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước”.

Việc xây dựng đường đi qua lòng sông, ngăn cản dòng chảy kéo theo rất nhiều tác động lớn đến môi trường thì nhất thiết phải được thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai dự án. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được UBND cấp tỉnh phê chuẩn, điều chỉnh bằng một Quyết định. Việc sử dụng văn bản dưới dạng khác, không tuân thủ đúng trình tự có dấu hiệu vi phạm các quy định của Pháp luật hiện hành.

Vì vậy, việc Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu ký Công văn số 565/UBND-KT đồng ý chủ trương cho tồn tại con đường thách thức pháp luật sau khi Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng ra quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ phá bỏ là hết sức bất thường, trái luật và không thể chấp nhận được trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Điều quan trọng hơn nữa là các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan Trung ương cần làm rõ có hay không động cơ bất minh sau sự việc này”, luật sư Lực bày tỏ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm