Trước khi cấm xe máy xăng, bạn đọc tha thiết "xin lại cái vỉa hè"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Ủng hộ chủ trương cấm xe chạy xăng, song nhiều người cho rằng cần quy hoạch riêng làn đường cho xe điện, xe đạp và người đi bộ. Đặc biệt, phải xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Chỉ thị 20 ban hành ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.

Từ ngày 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Chủ trương này được đại đa số ý kiến tán thành, và cho rằng đây là tin tốt với người dân thủ đô.

Trước khi cấm xe máy xăng, bạn đọc tha thiết xin lại cái vỉa hè - 1

Đường phố Hà Nội ùn tắc, ô nhiễm (Ảnh: Sơn Nguyễn).

"Hà Nội giờ đây đã có đủ các loại phương tiện, từ xe máy, ô tô cá nhân đến xe buýt và metro. Với nền tảng đó, cùng sự quyết tâm của các cấp chính quyền, tôi tin rằng mục tiêu của Chính phủ là hoàn toàn khả thi. Hy vọng, với cách làm này và lộ trình rõ ràng, chất lượng môi trường Thủ đô sẽ sớm được cải thiện", bạn đọc Phương Phạm bày tỏ.

Ủng hộ chủ trương sớm cấm xe máy chạy xăng, dầu trong nội đô, bạn đọc Khương Trần cho rằng đây là một đề xuất rất hay, hướng đến giao thông xanh, sạch và văn minh.

"Bên cạnh việc hỗ trợ người dân khi chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, cần đánh giá tác động môi trường trong dài hạn khi hàng loạt xe điện đến thời kỳ hỏng ắc quy", anh nói thêm.

Bạn Vũ Thuyên cho rằng: "Trước khi cấm, cho nhà cháu xin lại cái vỉa hè đã ạ. Vỉa hè thông thoáng, mọi người sẽ tự giác đi bộ đến bến xe buýt, đi bộ đến chợ ạ".

Tài khoản có nickname Bạn Đọc Mới bày tỏ lo ngại: "Thay vì chỉ tập trung vào xe máy, cần cân nhắc ban hành quy định giới hạn tuổi thọ đối với ô tô dưới 9 chỗ. Nếu không kiểm soát được ô tô cũ, mức độ ô nhiễm sẽ rất khó cải thiện, vì lượng khói bụi từ một chiếc ô tô có thể tương đương 15-20 chiếc xe máy".

Để chủ trương cấm xe máy xăng ở Hà Nội đi vào thực tiễn, theo bạn Linh Trần cần thực hiện đồng bộ cả hai mặt, vừa hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, đồng thời cần tăng cường phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện…).

Đồng thời nghiên cứu phát triển loại hình "xe trạm" - tức ô tô hoặc tàu điện chạy không cần đường ray như các nước phát triển, và từng phổ biến tại Việt Nam trong thập niên 60-80.

"Hãy thử hình dung, khi di chuyển trong khu vực nội đô (bên trong vành đai 1), nếu không có xe máy điện và cũng không có tuyến xe công cộng phù hợp, người dân sẽ phải đi bộ qua nhiều tuyến phố nhỏ, thậm chí phải chuyển tuyến nhiều lần. Điều đó gây phiền hà, khó khăn cho người dân, người lao động", bạn đọc chia sẻ.

Độc giả Đào Văn Diệu cho rằng, cần có lộ trình triển khai phù hợp, từng bước một khi cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng đủ tốt và đáp ứng được các điều kiện, bởi hiện nay người dân Việt Nam chủ yếu dùng xe máy để đi lại, mưu sinh.

Bên cạnh đó, cũng phải tính đến những gia đình ở chung cư cao tầng mua xe điện sẽ sạc ở đâu, khi một tòa chung cư có tới hàng nghìn người.

"Phương án dài hạn là chuyển các trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành, hạn chế cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô, và không cho phép doanh nghiệp mới đặt trụ sở làm việc trong khu vực trung tâm thành phố.

Khi hạ tầng được điều chỉnh hợp lý, giao thông công cộng phát triển và người dân thấy rõ hiệu quả sẽ tự động chuyển sang xe điện", bạn đọc gợi ý.