Bài 2:
Doanh nghiệp tự ý “chặt đôi” dòng sông: Cú "giỡn mặt" pháp luật ở xứ Lạng!
(Dân trí) - Chủ tịch huyện Hữu Lũng ra quyết định xử phạt, yêu cầu doanh nghiệp phá ngay con đường tự tiện đắp “cắt đôi” sông Trung. Thế nhưng, sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn lại cho công trình kỳ lạ này tồn tại.
Như Báo Dân trí đã thông tin, sự việc Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Sơn Thuỷ (Công ty Sơn Thuỷ), có địa chỉ trụ sở chính tại số 7 ngách 219, ngõ 264 đường Ngọc Thuỵ, tổ 13, phường Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội ngang nhiên đổ đất làm một con đường lớn cắt đôi sông Trung để xe trọng tải lớn của doanh nghiệp này chở cát sỏi lưu thông khiến dư luận tại thôn xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) “dậy sóng”.
Điều khiến dư luận vừa ngỡ ngàng vừa bức xúc hơn nữa là quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng dòng sông của UBND huyện Hữu Lũng với doanh nghiệp chẳng những không được thực hiện và công trình lạ kỳ này còn được hợp thức hoá.
Cụ thể, ngày 7/5/2020, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng đã ký ban hành Quyết định số 1722/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường với Công ty Sơn Thuỷ.
Doanh nghiệp này được xác định hành vi vi phạm là: Vi phạm các quy định về đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy sông Trung. Công ty Sơn Thuỷ đã xếp đá, đặt cống, đổ đá bây thành một con đường ngăn, vượt sông gây cản trở dòng chảy sông Trung.
Từ đó, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng xử phạt Công ty Sơn Thuỷ 30 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp này tháo dỡ công trình, dỡ bỏ di dời các vật gây cản trở dùng chảy sông Trung, trả lại hiện trạng ban đầu cho dòng sông.
Nhận quyết định quyết liệt của Chủ tịch huyện Hữu Lũng, thay vì chấp hành, ngày 11/5/2020, Công ty Sơn Thuỷ đã có ngay Công văn số 115/CT gửi UBND tỉnh Lạng Sơn và Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn để xin phép làm ngầm tạm qua sông Trung (dù đường và ngầm đã được doanh nghiệp này làm xong từ bao giờ).
Và bất ngờ hơn nữa, chỉ ít ngày sau, ngày 31/5/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 565/UBND-KT do Phó chủ tịch Hồ Tiến Thiệu ký gửi Sở GTVT, UBND huyện Hữu Lũng, UBND xã Nhật Tiến, Công ty Sơn Thuỷ. Công văn này cho biết: Xét báo cáo của Sở GTVT về việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của vị trí ngầm Thác Chẽ, Lân Dầu qua sông Trung, UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý chủ trương xây dựng vị trí ngầm tràn Thác Chẽ, Lân Dầu qua sông Trung thuộc thôn Tân Nhiên và thôn Đoàn Kết, xã Nhật Tiến bằng hình thức xã hội hoá do Công ty Sơn Thuỷ thực hiện để phục vụ việc đi lại của nhân dân hai bên bờ sông và kết hợp cho Công ty Sơn Thuỷ làm đường vận chuyển cát sỏi qua sông như báo cáo đề xuất của Sở GTVT Lạng Sơn.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Dấu hiệu thao túng pháp luật để phục vụ cho những lợi ích bất minh rất rõ trong vụ việc này. Hay nói cách khác, các cơ quan công quyền tại Lạng Sơn không thể hành xử trước sự nghiêm minh của pháp luật bằng thái độ đùa giỡn như vậy được”.
Luật sư Lực bày tỏ: Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Quyết định số 1722/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường với Công ty Sơn Thuỷ đã thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi người dân, an toàn của xã hội, lợi ích của Nhà nước. Quyết định hành chính một khi được ban hành đúng pháp luật, đúng hành vi vi phạm có hiệu lực ngay khi ban hành thì phải được thực thi trên thực tế.
“Quyết định hành chính của một chủ tịch huyện là đại diện cho quyền lực cưỡng chế của Nhà nước với cá nhân vi phạm pháp luật. Không thực thi quyết định được ban hành phải chăng là hành vi phủ nhận quyền lực quản lý xã hội của Nhà nước bằng pháp luật, phá bỏ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, tạo ra bất ổn định xã hội.
Liên quan đến thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản đã được Nghị định 33/2017/NĐ-CP đã có phân cấp thẩm quyền hết sức rõ ràng để tránh tình trạng trồng chéo về thẩm quyền. Vụ việc vi phạm Công ty Sơn Thuỷ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng và đã được cơ quan này ban hành quyết định xử phạt đúng thẩm quyền thì nghiêm cấp việc can thiệp trái thẩm quyền vào vụ việc.
Luật xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 12 về Những hành vi bị nghiêm cấm gồm: “Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính. Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính”.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP xác định dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường: “Dự án khai thác khoáng sản (bao gồm cả dự án khai thác có công đoạn làm giàu khoáng sản); Dự án khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông, ven biển và các dự án khác thuộc đối tượng phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước”.
Việc xây dựng đường đi qua lòng sông, ngăn cản dòng chảy kéo theo rất nhiều tác động lớn đến môi trường thì nhất thiết phải được thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai dự án. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được UBND cấp tỉnh phê chuẩn, điều chỉnh bằng một Quyết định. Việc sử dụng văn bản dưới dạng khác, không tuân thủ đúng trình tự có dấu hiệu vi phạm các quy định của Pháp luật hiện hành.
Vì vậy, việc Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu ký Công văn số 565/UBND-KT đồng ý chủ trương cho tồn tại con đường thách thức pháp luật sau khi Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng ra quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ phá bỏ là hết sức bất thường, trái luật và không thể chấp nhận được trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Điều quan trọng hơn nữa là các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan Trung ương cần làm rõ có hay không động cơ bất minh sau sự việc này”, luật sư Lực bày tỏ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.