Bài 18:
Vụ áp thuế 5,7 tỷ cho 253m2 đất huyện: “Không thể trốn trách nhiệm trước dân”
(Dân trí) - “UBND huyện Đức Trọng vẫn chưa thể đưa ra “phán quyết” về vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất huyện vì đang phải…họp. Quá tốn tiền của, ngân sách, giấy mực. Vậy hàng tháng những người này ăn lương ngân sách để làm gì? Nếu có giảm biên chế thì những người này nên giảm đầu tiên”, bạn đọc Dân trí bức xúc.
Sau nhiều lần hứa hẹn giải quyết dứt điểm vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất huyện với cụ Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng lại tiếp tục tìm cách né tránh, káo dài thời gian giải quyết bằng các lý do bận họp.
“Điệp khúc” đang họp, chờ lấy ý kiến, xin chỉ đạo…mà UBND huyện Đức Trọng nhiều lần đưa ra khiến dư luận không khỏi “băn khoăn” về “quả bóng” trách nhiệm trong vụ giải quyết khiếu nại của bà Lích đến khi nào mới có điểm dừng?
Bạn đọc Dân trí vẫn đang đặc biệt quan tâm, theo sát diễn tiến sự việc với tinh thần yêu cầu UBND huyện Đức Trọng không thể trốn tránh trách nhiệm trước dân.
Bạn đọc Nguyen Duy Huong: “Lâu lâu lại mở máy lên xem các nghành chức năng giải quyết tới đâu rồi nhưng điệp khúc chờ xin ý kiến và có sự chỉ đạo...Thật buồn cho năng lực của cán bộ nước mình. Tôi thấy các bác cứ hồi họp hàng tháng và đưa ra các chất vấn này nọ nhưng cũng chỉ để biểu diễn và nói cho vui trên các cuộc họp vậy thôi, chỉ khi đi vào thực tế thì lại đùn đẩy cho nhau thật khó hiểu. Tội bà quá, tới tuổi này đáng ra nhà nước còn phải thăm hỏi, động viên nữa chứ”.
Bạn đọc Minh Quân: “Thực sự mất lòng tin, khen hay cho cán bộ có trách nhiệm đặt bút ký vào văn bản thu thuế đất ở huyện mà 5,7 tỷ. Có lẽ anh cán bộ này bị cấp dưới bẫy, hoặc cứ trình là ký nên giờ nổi tiếng. Thiết nghĩ những vụ việc gây phẫn nộ mất lòng tin như thế này cần phải giải quyết nhanh chóng để chấn an dư luận đem lại lòng tin cho người dân thì các anh lại đùn đẩy chậm trễ”.
Bạn đọc Lê Minh Luân: “Các quan chức của UBND huyện Đức Trọng nên chuyển qua làm cầu thủ nhà nghề được rồi. Các ông sống nhờ tiền thuế của dân, vậy mà mỗi việc làm cho dân cỏn con như vậy mà bao nhiêu năm nay không xong. UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu huyện Đức Trọng kiểm tra, xử lý,nhưng mấy ông có thèm làm đâu. Còn UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu huyện kiểm tra, xử lý,nhưng huyện không làm các ông ở tỉnh cũng thua luôn. Nghĩ về các quan chức ở Lâm Đồng mà thấy chán nản vô cùng”.
Bạn đọc Vuongnam: “Công văn hỏa tốc lưu hành nội bộ CẢNH BÁO : Trận này chỉ được phép HÒA với tỷ số 0 - 0, không được phép Thắng hay Thua. Ai mà để thủng lưới thì cầm quả bóng TRÁCH NHIỆM đấy về mà giải quyết. Việc trên sân là các anh cứ yên tâm mà đá. Việc trên khán đài thì khán giả la ó 1 tý rồi ra khỏi sân người ta lại quên ngay nên các anh không phải lo. Đến hết trận thì chúng ta ngồi lại chung tay rút cuộn dây kinh nghiệm với mấy anh trên TW là xong”.
Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng từng thể hiện, công nhận 610m2 đất của gia đình bà Lích là "Lô đất thổ cư"
Bạn đọc Võ Tá Vinh: “Năng lực bộ máy hành pháp nhà nước và là năng lực công chức nhà nước kếm cỏi đến vậy ư? Một chuyện cỏn con về áp thuế 5,3 tỷ cho 253m2 đất huyện cho một bà già đã kéo dài mấy tháng nay mà không có hồi kết, mà chi phí họp hành phong bao các ban bệ có khi tốn hàng mấy trăm triệu rồi”.
Bạn đọc Nguyễn Tôn Thái: “Bán lại cho huyện 5,8 tỷ đồng, huyện có mua không? còn lại 100 triệu đưa cho cụ để an dưỡng tuổi già. Vô trách nhiệm sẽ làm mất lòng tin của dân”.
Bạn đọc Dân Đen: “Mấy ông quan huyện lại đá bóng trách nhiệm đây. Vụ việc đã quá rõ ràng, báo Dân trí đang theo sát...làm sao các ông trốn trách nhiệm giải quyết cho người dân được”.
Bạn đọc Lê Thị Kính: “Mỗi một việc "cỏn con” ấy mà cả bộ máy chính quyền Huyện: Huyện Uỷ, UBND, HĐND, Chi cục Thuế... mất vài tháng vẫn chưa giải quyết xong. Vậy thì các vấn đề KTXH của Huyện thì chắc phải chuyển từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác”.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Binh: “Trong thời gian đợi đến tuần sau, bà Lích bật Tivi xem bộ phim "hãy đợi đấy" rồi sẽ được giải quyết”.
Bạn đọc Congdan: “Hệ thống điều hành kém, nói sâu hơn là có chịu ngồi lại để xử lý đâu mà bảo xong. Nếu vào cuộc, làm có trách nhiệm thì ko quá 2 tuần”.
Bạn đọc Suluong: “Nguồn gốc thửa đất này, bà Lích khai hoang từ năm 1975 và đã sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp, không lấn chiếm, không nằm trong qui hoạch - Theo luật đất đai cũ và mới thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào? chắc là sẽ có lợi cho bà Lích. Còn các mốc giới năm 1995 làm nhà, tháng 12 năm 1993 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... để mà tính thuế cho bà già tội nghiệp này thì quá là sách vở giải quyết việc gì cũng phải có tình, có lý và có lợi cho dân thì mới là công bộc”.
Bạn đọc Nguyễn Đại Việt: “Sự việc quá rõ ràng vậy mà đã hơn 3 tháng chính quyền huyện Đức trọng vẫn chưa giải quyết xong, thể hiện sự non kém, thiếu năng lực ... và cố chây ỳ gây bức xúc trong xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.
Đôi bàn tay già nua của bà Lích vẫn phải run rẩy viết từng nét chữ nghuệch ngoạc vào đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi tìm công lý.
Bạn đọc Thanh Tung: “Quá tốn tiền của, ngân sách, giấy, mực. Vậy hang tháng những người này ăn lương ngân sách để làm gì? Nếu có giảm biên chế thì những người này nên giảm đầu tiên”.
Trước đó, đầu tháng 7/2015, Báo Dân trí nhận được đơn cầu cứu của Đàm Thị Lích phản ánh về việc bà bị áp mức thuế “khổng lồ” lên đến 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất. Hơn 3 tháng tìm hiểu và thông tin khách quan nhất, Báo Dân trí đã viện dẫn ý kiến của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, Cục thuế tỉnh, UBND huyện Đức Trọng, bên cạnh đó, sự phân tích sâu sắc của Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM đã làm sáng tỏ được nhiều điểm “mập mờ”, khuất tất trong vụ áp thuế “kỳ lạ” đối với cụ bà 75 tuổi.
Qua các văn bản giải quyết khiếu nại của bà Đàm Thị Lích có thể dễ dàng nhận thấy, diện tích lô đất thổ cư 610m2 là được nhà nước “quy đổi” sau khi thu hồi 3.925m2 đất mà cả gia đình bà Lích đã lao động vất vả trong nhiều năm mới có được để đưa vào hợp tác xã Cao Bắc Lạng I. Thời gian sử dụng đất được xác định rất rõ là “sử dụng ổn định từ năm 1986 đến nay”. Nếu như, 3.925m2 đất của bà gia đình bà Lích không bị đưa vào HTX mà áp dụng theo Luật đất đai hiện hành thì bà Lích sẽ được 310m2 đất thổ cư và còn lại 3.615 đất nông nghiệp để canh tác.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định, về mặt thời gian, chính UBND thị trấn Liên Nghĩa đã xác định gia đình bà Lích sử dụng đất từ năm 1975. Về mặt giấy tờ thể hiện quyền được sử dụng đất từ trước 15/10/1993, bà Lích đã cung cấp được Quyết định số 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993. Tuy quyết định này được ban hành sau ngày 15/10/1993 và chưa phải là quyết định giao đất nhưng văn bản này chính là giấy tờ khẳng định gia đình bà Lích có quyền được sử dụng 610 m2 đất thổ cư do nhà nước giao từ năm 1986 (tức là trước ngày 15/10/1993).
Chính vì vậy, UBND huyện Đức Trọng cần sớm giải quyết thỏa đáng cho gia đình bà Lích, sau nhiều năm mòn mỏi, chờ đợi công lý.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Anh Thế (Tổng hợp)