Sử dụng hóa chất độc hại để ngâm, ủ thực phẩm: Cần tăng nặng hình phạt
(Dân trí) - Thực tế đã chứng minh rằng, khi chế tài xử phạt tăng cao, hành vi và nhận thức của cá nhân, tổ chức sẽ thay đổi.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan liên quan để rà soát, nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng về việc tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2025. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp để nghiên cứu, sửa đổi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các chức danh chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong cuộc họp tổng kết công tác năm 2024 và nhiệm vụ năm 2025, Bộ Y tế cho biết đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22%. Số vụ vi phạm đã khởi tố là 62 vụ với 97 bị can, tăng đáng kể so với năm trước. Số cơ sở vi phạm bị phạt tiền cũng tăng 2,9 lần so với năm 2023, với số tiền phạt tăng 1,69 lần.
Tại TPHCM, dù đã đạt được những kết quả nổi bật hơn so với năm 2023, lãnh đạo Sở An toàn Thực phẩm TPHCM vẫn cho rằng cơ quan này chưa đủ lực lượng và khả năng để xử lý các vi phạm. Trong năm 2024, Sở đã kiểm tra và lập biên bản 15.769 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 64 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 812 triệu đồng. Tuy nhiên, số cơ sở vi phạm bị xử phạt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dưới 1%.
Nhiều người tiêu dùng, trong đó có tôi, hoan nghênh và ủng hộ việc đề xuất nâng cao mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Đặc biệt là các hành vi sử dụng hóa chất độc hại để ngâm, ủ thực phẩm.
Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm luôn tăng cao, gây nhức nhối trong xã hội. Một trong những nguyên nhân là do chế tài còn quá thấp, mức xử phạt hành chính chưa đủ răn đe so với lợi nhuận thu được, dẫn đến tâm lý khinh suất, nhờn luật của nhiều cá nhân và cơ sở kinh doanh.
Nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh liên tục tái phạm, và một số hành vi vi phạm chưa được xử lý nghiêm. Có địa phương xử lý mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi có nơi chỉ xử phạt hành chính.
Việc tăng chế tài, mức xử phạt bằng tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm là cần thiết để giảm thiểu các hành vi vi phạm. Thực tế đã chứng minh rằng, khi chế tài xử phạt tăng cao, hành vi và nhận thức của cá nhân, tổ chức sẽ thay đổi.
Đã đến lúc cần phải quyết liệt hơn với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Tăng cao chế tài, nâng mức xử phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi nghiêm trọng là cách bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và đảm bảo bữa cơm gia đình sạch và an toàn hơn.
Độc giả Nguyễn Đước