Bỏ đèn tín hiệu, giao thông sẽ từ ùn tắc thành "hỗn loạn"
(Dân trí) - "Không có đèn tín hiệu giao thông, mạnh ai nấy đi sẽ càng gây ùn tắc và mất an toàn. Từng đi qua điểm giao nhau khi mất tín hiệu đèn giao thông mới cảm nhận được", ý kiến của bạn đọc Dân trí.
Sau khi được xuất bản, bài viết Nghiên cứu bỏ đèn đỏ, thu hẹp vỉa hè để giảm ùn tắc giao thông của bạn đọc Phạm Văn Chung gây ra nhiều luồng quan điểm trái chiều đối với độc giả. Trong khi nhiều người ủng hộ, đề nghị thu hẹp vỉa hè để vừa giảm lãng phí, vừa mở rộng không gian cho phương tiện thì ở chiều ngược lại, không ít ý kiến phản đối bởi giải pháp không mang tính khả thi và có thể gây ra sự hỗn loạn trong giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn.
"Vỉa hè chỉ cần rộng 1 m cho người đi bộ là hợp lý"
Theo luồng quan điểm ủng hộ, độc giả Anh Tung cho rằng thực trạng vỉa hè hiện nay tại các đô thị lớn là không hợp lý, gây lãng phí không gian và góp phần gây ra tắc đường. "Nhiều nơi để vỉa hè quá rộng, trong khi lòng đường xe chạy thì chật chội. Theo tôi mỗi vỉa hè chỉ nên để rộng 1m cho người đi bộ là hợp lý. Tôi thấy một số nước lớn đã làm vậy, trong đó có Hàn Quốc", độc giả này bình luận.
Chỉ đích danh một trong những tuyến đường có vỉa hè gây lãng phí tại Hà Nội, chủ tài khoản Thông Báo viết: "Thu hẹp vỉa hè là quá chính xác. Hàng ngày tôi di chuyển trên các tuyến đường như Nguyễn Xiển, vỉa hè thì rộng nhưng người đi bộ thì không có, trong khi dưới lòng đường tắc kinh khủng".
"Vỉa hè hiện tại rất nhiều nơi đang không được sử dụng theo đúng chức năng, trong khi đường lại quá nhỏ so với lưu lượng giao thông", anh Chiến Hoàng tiếp lời.
Bỏ đèn tín hiệu, giao thông sẽ từ "ùn tắc" thành "hỗn loạn"
Ở chiều ngược lại, không ít người lại cho rằng phương án mà tác giả bài viết đưa ra là không khả thi. Chị Đặng Thị Hải bình luận: "Không có đèn tín hiệu giao thông, mạnh ai nấy đi sẽ càng gây ùn tắc và mất an toàn. Phải từng đi qua điểm giao nhau khi mất tín hiệu đèn giao thông mới cảm nhận được sự hỗn loạn là như thế nào".
"Bỏ đèn đỏ sẽ làm cho giao thông từ tình trạng "ùn tắc" thành "hỗn loạn", anh Thái Hưng nhấn mạnh.
"Quan trọng là ý thức người dân và cơ sở hạ tầng giao thông. Việc bỏ đèn đỏ và thu hẹp vỉa hè chỉ làm xấu đi hình ảnh đường phố, tạo điều kiện cho mọi người đi lại cẩu thả hơn mà thôi", độc giả Phúc Tâm Nguyễn tiếp lời.
Với độc giả có nickname Người Tìm Đường, người này dẫn chiếu một ví dụ tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội) để chứng minh rằng việc bỏ đèn đỏ không phải giải pháp để giải quyết tình trạng tắc đường. Người này viết: "Ví dụ tại các bùng binh lớn khu vực quận Hà Đông hướng ra Đại lộ Thăng Long, trước đây không có đèn tín hiệu, các phương tiện tự điều tiết thì giao thông hỗn loạn, chẳng ai nhường ai, thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Sau khi cơ quan chức năng lắp đèn giao thông, thậm chí bố trí 2-3 đồng chí cảnh sát giao thông hỗ trợ điều tiết giao thông vào giờ cao điểm thì khu vực này mới tạm ổn".
"Bỏ đèn giao thông không giải quyết được kẹt xe vì một số nơi vòng xuyến rất lớn nhưng vẫn kẹt. Làm vòng xuyến ông nào cũng muốn đi qua sớm, không ai nhường ai, chỉ cần như thế trong 5 phút là kẹt cứng. Có điều kiện thì đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng đường phân chia làn riêng biệt cho xe ưu tiên, xe vận tải, ô tô và làn xe máy. Được như vậy sẽ giải quyết vấn đề kẹt xe và tai nạn giao thông", anh Lân Lê phân tích.
Không chỉ dưới góc độ giao thông, dưới góc độ kinh tế và dân sinh, phương án cắt xén vỉa hè cũng bị nhiều người cho rằng không hợp lý. Anh Sơn Nam đặt câu hỏi: "Ở thành phố lớn, 2 bên đường là các cửa hàng buôn bán, khách chủ yếu đi xe máy, vậy họ đỗ ở đâu? Vứt ra đường hết hả hay là đi bộ đến?".
"Nếu bỏ đèn tín hiệu thì giao thông sẽ càng hỗn loạn. Nếu thu hẹp vỉa hè còn 0,5-1m thì người đi bộ sẽ đi vào đâu, các gia đình có nhà mặt phố sẽ sinh hoạt, để xe thế nào? Tôi nghe bạn tôi bên Anh kể rằng bên đó người ta còn mở rộng vỉa hè, thu hẹp đường để hạn chế phương tiện giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Theo tôi cần đẩy nhanh quá trình tăng phương tiện giao thông công cộng trong các thành phố và hạn chế phương tiện đi vào trong nội thành", độc giả Nguyễn Hà bình luận.
"Theo tôi, không thể bỏ đèn tín hiệu giao thông mà phải tăng thêm. Các vòng xuyến hiện giờ người ta còn muốn bỏ bớt, bởi vòng xuyến là nơi xung đột giao thông nhiều nhất và kẹt xe nhiều nhất so với ngã ba, ngã tư như hiện nay. Trước đây, trung tâm quản lý đèn tín hiệu giao thông đã lắp đèn tín hiệu ở vòng xuyến nhưng không khả thi và lại bỏ, gây tốn kém ngân sách.
Với ý kiến nêu xén bớt vỉa hè để cho đường rộng, vỉa hè hiện giờ trồng cây xanh, trụ điện, nếu xén bớt vỉa hè để mở rộng đường thì cây xanh phải chặt bỏ, trụ điện phải dời đi. Như vậy vừa tốn kém, lãng phí mà hiệu quả chưa chắc đã đạt được.
Theo tôi, muốn giao thông được hoàn thiện thì các cấp quản lý cần nghiên cứu làm cầu vượt hoặc hầm chui. Những cung đường mới mở thì nên làm ngay từ khi bắt đầu chứ không nên để đến lúc kẹt xe triền miên rồi mới đưa ra chủ trương đầu tư bởi lúc đó tốn kém hơn nhiều so với làm ngay từ khi mở đường hay làm đường mới. Ý tưởng như bài viết là không hiệu quả", anh Công Hoàng phân tích.
Giải pháp nào cho các giao lộ?
Giữa những tranh cãi, nhiều người lựa chọn đưa ra phương án mới, khác đi so với các luồng quan điểm nêu trên. Anh Pham Thuan viết: "Cần tăng thời gian đèn xanh ở ngã tư có lượng phương tiện đông theo các trục hướng đường vào giờ cao điểm lên gấp 3-5 lần hiện nay trong khung giờ cao điểm, và ngoài giờ cao điểm thì lại điều chỉnh giảm để phù hợp lưu lượng phương tiện. Ngoài ra, cấm tuyệt đối ô tô đi lệch làn, lấn sang làn xe máy, đặc biệt trong các khu phố, đường hẹp thì ô tô phải theo hàng vào giờ cao điểm, phạt nặng nếu sai phạm. Đây là 2 giải pháp cần thực hiện ngay, không tốn chi phí nào".
"Không còn giao lộ là không còn tắc đường. Tất cả giao lộ biến thành đường một chiều và có điểm quay đầu rộng, giống như nút giao Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Đường Láng vậy", độc giả Hiep gợi ý.