Rút kiếm dọa chém người, có phải hành vi đe dọa giết người?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, dù hành vi của Bình có thể khiến nạn nhân sợ hãi nhưng chưa tới mức làm người khác tin rằng việc đe dọa sẽ thành hiện thực. Do đó chưa đủ căn cứ xử lý thêm tội danh với nghi phạm.

Nguyễn Thanh Bình (tức Bình "con", 53 tuổi, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang bị Công an TP Nha Trang tạm giam về tội Gây rối trật tự công cộng. 

Theo công an, Bình là người chửi bới, xúc phạm nữ công nhân vệ sinh môi trường rồi lấy kiếm đe dọa người phụ nữ trên vào chiều 11/1. Nguyên nhân được xác định do Bình bị người phụ nữ này nhắc nhở vì hái hoa trong công viên để tặng nữ đồng nghiệp đi cùng xe. Hành vi của Bình bị người dân ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội. 

Với diễn biến hành vi như trên, đặc biệt với việc lấy kiếm đe dọa nữ nhân viên, ngoài tội Gây rối trật tự công cộng, có căn cứ để xử lý nghi phạm về tội danh khác hay không?. 

Rút kiếm dọa chém người, có phải hành vi đe dọa giết người? - 1

HÌnh ảnh Bình "con" rút kiếm đe dọa nữ nhân viên vệ sinh môi trường (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá đây là hành vi thể hiện sự nghênh ngang, bất chấp, côn đồ và coi thường pháp luật. Dù hành vi rút kiếm đe dọa nữ nhân viên chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng người khác nhưng đây là hành vi đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội cũng như cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, việc Công an TP Nha Trang xem xét trách nhiệm của nghi phạm về tội Gây rối trật tự công cộng là hoàn toàn có cơ sở. 

"Theo quy định pháp luật, gây rối trật tự công cộng là hành vi gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; gây cản trở, ách tắc giao thông trong nhiều giờ hay gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội. Hành vi có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức như dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây đình trệ hoạt động công cộng; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng… Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. 

Với trường hợp này, Bình đã sử dụng hung khí nguy hiểm là thanh kiếm với ý đồ đe dọa, thậm chí hành hung nhân viên vệ sinh tại khu vực người này có trách nhiệm quản lý, chăm sóc. Hậu quả đáng tiếc không xảy ra do nữ đồng nghiệp đi cùng đã can thiệp kịp thời, song đây vẫn được xác định là hành vi đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội và gây cản trở tới hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, có căn cứ để khởi tố bị can về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015", ông Tuấn bình luận. 

Theo Điều 318 Bộ luật này, mức phạt cơ bản của tội Gây rối trật tự công cộng là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp thuộc các tình tiết định khung như có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí; gây cản trở giao thông nghiêm trọng, gây đình trệ hoạt động công cộng hay hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng... thì có thể bị áp dụng mức phạt 2-7 năm tù. 

Đối với trường hợp này, do sử dụng kiếm là vũ khí, hung khí nguy hiểm, Bình có thể bị xem xét trách nhiệm theo khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt có thể bị truy tố là 2-7 năm tù. 

Có phải hành vi Đe dọa giết người không? 

Cũng theo dõi sự việc, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc Công an TP Nha Trang xem xét trách nhiệm của Bình về tội Gây rối trật tự công cộng là hoàn toàn có cơ sở. Còn với hành vi mà nhiều người cho rằng có dấu hiệu của tội Đe dọa giết người, luật sư cho rằng với diễn biến hành vi hiện tại, chưa thể xem xét trách nhiệm của đối tượng về tội danh này. 

Rút kiếm dọa chém người, có phải hành vi đe dọa giết người? - 2

Nguyễn Thanh Bình tại cơ quan công an (Ảnh: Công an Khánh Hòa).

"Theo hướng dẫn mang tính tham khảo tại Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tội Đe dọa giết người phải có hai dấu hiệu bắt buộc để cấu thành, đó là có hành vi đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa sẽ được thực hiện

Theo đó, hành vi phải được xác định là mang tính quyết liệt, khiến người bị đe dọa lo sợ rằng việc giết người là có thật, thể hiện ở một số hành động như nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ súng, dao để đe dọa. Ngoài ra, cần đánh giá hành vi một cách khách quan, toàn diện và đặt trong các bối cảnh về thời gian, địa điểm, mối tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ…. Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa sẽ được thực hiện, thì đó là trường hợp lo lắng có căn cứ", luật sư Linh trích dẫn quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, việc xem xét trách nhiệm đối với hành vi đe dọa giết người sẽ được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy hành vi của người đe dọa làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. 

Đối với trường hợp trên, dù việc Bình "con" đe dọa một người phụ nữ yếu thế hơn bằng hung khí nguy hiểm là hành vi có thể khiến nạn nhân sợ hãi, song mọi việc chỉ dừng lại ở đe dọa. Theo luật sư, nếu sau khi rút kiếm, đối tượng có các hành vi quyết liệt hơn như lao tới chỗ nạn nhân, dùng kiếm chĩa thẳng mặt hay kề cổ... thì mới có thể xem xét hành vi có dấu hiệu của tội Đe dọa giết người. 

Còn với những tình tiết hiện tại, việc đối tượng rút dao đe dọa chỉ được coi là tình tiết định khung để xử lý về hành vi Gây rối trật tự công cộng.