Ngao ngán, chán nản chờ tới đèn xanh: Khắc phục như thế nào?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Từ vấn đề ùn tắc vì chờ tín hiệu đèn, nhiều giải pháp được độc giả gợi ý, trong đó bao gồm việc điều chỉnh lại thời lượng đèn tín hiệu và mở lối rẽ tại các giao lộ để khơi dòng phương tiện lưu thông.

Sau khi Luật Trật tự đường bộ 2024 và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người dân được cải thiện đáng kể, trong đó đặc biệt là việc tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. Khung cảnh hỗn loạn, bát nháo tại các giao lộ nay được thay thế bằng hình ảnh giao lộ thông thoáng cùng những hàng xe nối đuôi nhau dừng chờ đèn tín hiệu. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên những ngày qua, đặc biệt tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM, tình trạng tắc đường đang trở nên trầm trọng. Bên cạnh sự gia tăng mật độ phương tiện những ngày cận Tết Nguyên đán, một trong những vấn đề khác được chỉ ra chính là việc hệ thống đèn tín hiệu hiện nay chưa đảm bảo, khiến một lượng lớn phương tiện bị ùn ứ tại các giao lộ. 

Ngao ngán, chán nản chờ tới đèn xanh: Khắc phục như thế nào? - 1

Hình ảnh thường gặp tại đường phố Hà Nội những ngày này khi hàng dài phương tiện nối đuôi nhau chờ qua giao lộ (Ảnh: Trần Thanh).

Dưới góc độ của người dân sinh sống tại TPHCM, anh Minh Tran chỉ ra vấn đề rằng trước khi quy định mới được áp dụng thì tại TPHCM, người dân hầu như mặc định hiểu ngầm được rẽ phải khi cần rẽ, bất kể đèn đỏ hay xanh ở hầu hết các tuyến đường. Chưa tính đến luật cho phép hay không nhưng việc một phần không nhỏ lưu lượng xe rẽ phải đã giúp giảm tải toàn bộ hệ thống giao thông. Dù tình trạng vẫn kẹt xe vẫn có nhưng ít bị kêu ca như hiện nay.

"Sau khi quy định mới ra đời, người dân buộc phải dừng lại, nếu không sẽ bị phạt nặng, nhưng như vậy những phương tiện cần rẽ phải sẽ dừng lưu thông khi có đèn đỏ, đường vốn đã ùn tắc thì lại càng ùn tắc nhiều hơn. Giải pháp cần thực hiện là gắn biển báo cho rẽ phải khi đèn đỏ ở các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc kẹt xe là, vừa tiết kiệm hơn so với lắp đèn, vừa đảm bảo hiệu quả, giải quyết một phần vấn nạn tắc đường hiện nay", độc giả này lên tiếng. 

Chung quan điểm, chủ tài khoản GKT Aba bình luận: "Không ủng hộ vượt đèn hay vi phạm giao thông, nhưng những lúc cao điểm cần cơ chế mềm dẻo hơn. Ví dụ các nút giao thông, lúc chuyển giao đèn có nhiều trường hợp có thể rẽ trái trước khi hướng đối diện đi ngược lại. Thời điểm đó cũng phải đi được gần 100 xe máy chỉ trong khoảng 10s mà không gây tắc, còn giờ thì các phương tiện cứ lấn làn nên càng tắc hơn".

"Nên phạt nặng lỗi vượt đèn đỏ, lấn làn, leo vỉa hè... nhưng cũng nên xem xét lại thời gian giữa đèn đỏ và đèn xanh cho hợp lý để tránh ùn tắc kéo dài, gây khó chịu và tốn kém thời gian, tiền cho người dân và giảm ô nhiễm môi trường",  bạn đọc Thuong Nguyen tiếp lời. 

"Chỉ số đèn đỏ trung bình hiện gần gấp 2.5 lần đèn xanh, như vậy thì không kẹt xe mới lạ. Cần cân nhắc chỉ số đèn xanh và đỏ như thế nào cho hài hòa với mật độ xe, không thể để số giây đèn đỏ gấp 2.5 lần số giây đèn xanh là có vấn đề", bạn đọc có nickname QV phân tích.

Ngao ngán, chán nản chờ tới đèn xanh: Khắc phục như thế nào? - 2

Người dân TPHCM ngao ngán vì tắc đường (Ảnh: Hải Long).

Cũng cho rằng việc có quá nhiều đèn đỏ và thời gian cho đèn đỏ quá lâu là nguyên nhân gây ra tắc đường, độc giả Sơn Nguyễn đưa ra ý tưởng táo bạo, đó là bỏ đèn tín hiệu tại các giao lộ. Anh này viết: "Nên bỏ đèn đỏ, thay vào đó mở các điểm quay đầu cho phương tiện để tạo dòng chảy thường xuyên, ít bị ùn tắc cục bộ hơn". 

Còn với độc giả Le Minh Duc, ngoài vấn đề liên quan tới đèn tín hiệu, anh cho rằng vấn nạn tắc đường hiện nay còn cộng hưởng bởi sự dè dặt, chùn chân của nhiều chủ phương tiện khi tới giao lộ. "Các phương tiện đi đầu không tăng tốc để nhanh vượt qua ngã tư, khiến các hàng sau bị ùn ứ. Cần phải tuyên truyền và có thêm quy định đối với những người không đảm bảo tốc độ tối thiểu khi tới giao lộ", độc giả này bình luận. 

"Phải thẳng thắn nhìn nhận những bất cập bởi tại giai đoạn "quá độ" từ "văn hóa cũ" sang "văn hóa mới" như hiện nay, đó là điều không thể tránh khỏi. Hệ thống đèn đang được xây dựng dựa trên "văn hóa cũ", chưa có sự cập nhật kịp thời thì việc tăng thêm ùn tắc là điều hiển nhiên.

Ai cũng biết, nguyên nhân tắc là do 2 yếu tố: Ý thức và Hạ tầng. Hy vọng các nhà quản lý sau khi xử lý xong vấn đề "Ý thức", sẽ dùng tiền thu được để xử lý nốt "Hạ tầng". Có như vậy, thế hệ tương lai mới có cơ hội sống trong 1 môi trường văn minh, lành mạnh", anh Tạ Ngọc Thắng chỉ ra vấn đề.

"Người tham gia giao thông đi đúng luật, sẽ chỉ ùn chứ không tắc và hỗn loạn như đi sai luật. Còn về mức phạt, thì nên áp dụng công nghệ thông tin, phạt tăng lũy tiến theo số lần vi phạm, để tránh sốc như hiện nay", ý kiến từ độc giả Cong Dan